Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội ngày đầu triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi thuận lợi, an toàn

Thu Hiền - Diệu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 14/10, Hà Nội chính thức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024. Trong buổi tiêm đầu tiên, công tác tiếp đón, khám, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm được các điểm tiêm thực hiện nghiêm túc, bố trí hợp lý, an toàn, quy trình một chiều.

Người dân tích cực hưởng ứng chiến dịch

Nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả và chất lượng cho chiến dịch, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, đánh giá công tác tổ chức, triển khai thực hiện chiến dịch tiêm chủng tại các quận, huyện, thị xã.

Ngay trong ngày đầu tiên diễn ra chiến dịch, 8 quận, huyện triển khai tiêm chủng gồm: Long Biên, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thường Tín, Đông Anh, Hoài Đức, Sơn Tây, Thạch Thất. Các địa phương còn lại sẽ triển khai tiêm chủng trong các ngày tiếp theo.  

Người dân xã Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đưa trẻ đến trạm y tế tiêm vaccine sởi từ rất sớm.
Người dân xã Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đưa trẻ đến trạm y tế tiêm vaccine sởi từ rất sớm.

Theo Sở Y tế Hà Nội, qua rà soát thống kê, toàn TP dự kiến có khoảng 70.000 đối tượng thuộc diện tiêm chủng là trẻ từ 1-5 tuổi đang sống trên địa bàn Hà Nội và các nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi trên địa bàn chưa được tiêm đủ mũi theo quy định.

Trong ngày đầu Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch sởi, tại các điểm tiêm chủng, đông đảo trẻ trong độ tuổi được phụ huynh hưởng ứng, đưa tới tiêm đầy đủ.

Nhân viên y tế đo nhiệt độ cho trẻ tại điểm tiêm chủng Trạm Y tế  xã Di Trạch.
Nhân viên y tế đo nhiệt độ cho trẻ tại điểm tiêm chủng Trạm Y tế  xã Di Trạch.

Qua ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại điểm tiêm chủng Trạm Y tế (TYT) xã Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho thấy, từ sáng sớm, phụ huynh đã xếp hàng dài, đưa con đến điểm tiêm. Để đón tiếp người dân, TYT đã bố trí đầy đủ ghế ngồi; phân chia khu vực tiếp đón, khám và tư vấn, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm để tránh ùn ứ.

Tranh thủ đưa cháu nội 5 tuổi đi tiêm vaccine sởi từ sáng sớm trước khi đến lớp, bà Nguyễn Thị Nụ ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức cho biết, do gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nên cháu nội tuy đã 5 tuổi nhưng chưa được tiêm mũi vaccine sởi nào. Nay gia đình bà rất phấn khởi khi cháu được tiêm miễn phí.

Bác sĩ khám cho trẻ trước khi tiêm.
Bác sĩ khám cho trẻ trước khi tiêm.

Nhận được thông tin qua rà soát của trường học, anh Nguyễn Văn Sơn (xã Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội) cũng vội vàng cho con gái 4 tuổi đi tiêm ngay mũi vaccine phòng sởi.

“Con tôi mới tiêm được 1 mũi phòng sởi năm 2021. Sau do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gia đình chưa cho cháu đi tiêm đầy đủ. Khi biết Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm miễn phí cho trẻ, tôi tranh thủ cho con đi tiêm ngay để phòng tránh bệnh” – anh Sơn chia sẻ.

TYT xã Di Trạch dự kiến tiêm cho khoảng 120 trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng.
TYT xã Di Trạch dự kiến tiêm cho khoảng 120 trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng.

Phó Trạm trưởng phụ trách TYT xã Di Trạch Nguyễn Đình Hùng cho biết, trong ngày đầu tiêm, TYT xã Di Trạch dự kiến tiêm cho khoảng 120 trẻ thuộc đối tượng tiêm chủng lần này. Còn các cháu có chống chỉ định hoặc phải hoãn tiêm thì sẽ được bố trí tiêm ghép vào ngày khác khi có đủ sức khỏe.

Với nhân lực tại trạm có 9 người và 6 nhân viên y tế thôn, trạm đã huy động toàn bộ nhân lực nhằm phục vụ cho buổi tiêm chủng; cùng với sự hỗ trợ nhân lực của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hoài Đức bố trí 1 tổ cấp cứu để đáp ứng các tình huống trong buổi tiêm.

Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Đức Hoàng Thị Thanh kiểm tra, giám sát tại điểm tiêm TYT xã Di Trạch.
Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Đức Hoàng Thị Thanh kiểm tra, giám sát tại điểm tiêm TYT xã Di Trạch.

Qua ghi nhận tại điểm tiêm Trường Mầm non An Khánh A (Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức), công tác tổ chức triển khai cho trẻ tiêm bổ sung vaccine sởi - rubela cũng được chuẩn bị chu đáo. Tại điểm tiêm, từ 6 giờ sáng, các phụ huynh đã đưa trẻ đến tiêm mũi sởi miễn phí. Chưa từng mắc bệnh sởi nên bé Bùi Bảo Ngọc (3,5 tuổi, ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) được mẹ cho đi tiêm mũi 2.

Qua ghi nhận, công tác tiêm chủng được thực hiện nghiêm túc, theo quy trình một chiều.
Qua ghi nhận, công tác tiêm chủng được thực hiện nghiêm túc, theo quy trình một chiều.

“Tại địa phương, các cháu được tiêm vaccine an toàn, bố mẹ không phải lo chi phí. Đây là sự quan tâm chu đáo của Nhà nước và ngành y tế đối với sức khỏe trẻ em” - mẹ bé Ngọc chia sẻ.

Theo TYT xã An Khánh, xã có số trẻ được tiêm chủng đợt này khá đông với 677 trẻ. Có tới 100 nhân lực được huy động tham gia hỗ trợ cho chiến dịch tiêm đợt này.

Trẻ được tiêm vaccine sởi  tại điểm tiêm  Trường Mầm non An Khánh A (Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức).
Trẻ được tiêm vaccine sởi  tại điểm tiêm  Trường Mầm non An Khánh A (Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức).

Bảo đảm chiến dịch tiêm an toàn, hiệu quả và chất lượng

Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Đức Hoàng Thị Thanh cho biết, trong ngày đầu ra quân chiến dịch tiêm vaccine sởi của Hà Nội, TTYT huyện Hoài Đức tổ chức tiêm đồng loạt tại 20/20 TYT xã, thị trấn và trường học. Khoảng 2.500 trẻ được tiêm trong ngày hôm nay.

“Đối với các điểm tiêm có số lượng trẻ đến tiêm ít, TTYT huyện có nguồn nhân lực tại chỗ, các TYT. Riêng tại điểm tiêm xã An Khánh với số trẻ dự kiến gần 700 trẻ, chúng tôi phải bố trí tới 5 dây chuyền tiêm để hỗ trợ xã; kèm theo đó là 1 tổ cấp cứu xử lý sự cố sau tiêm tại chỗ” - Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Đức thông tin.

Tại điểm tiêm xã An Khánh với số trẻ dự kiến gần 700 trẻ, TTYT huyện Hoài Đức phải bố trí tới 5 dây chuyền tiêm để hỗ trợ xã.
Tại điểm tiêm xã An Khánh với số trẻ dự kiến gần 700 trẻ, TTYT huyện Hoài Đức phải bố trí tới 5 dây chuyền tiêm để hỗ trợ xã.

Tương tự, ghi nhận tại TYT xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) và TYT xã Minh Cường (huyện Thường Tín), ngay từ sáng sớm, nhiều gia đình đã đưa trẻ đến tiêm chủng hưởng ứng chiến dịch.

Qua rà soát, huyện Phú Xuyên có khoảng hơn 1.800 đối tượng thuộc diện tiêm chủng, trong đó TYT xã Vân Từ thực hiện tiêm chủng cho 45 trẻ. Huyện Thường Tín có khoảng 1.200 đối tượng thuộc diện tiêm chủng. Riêng tại TYT xã Minh Cường tiêm cho 61 trường hợp.

Công tác tiếp đón, khám, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm được các điểm tiêm thực hiện nghiêm túc, bố trí hợp lý, quy trình một chiều.

Cán bộ y tế TYT xã Minh Cường, huyện Thường Tín thông tin cho gia đình về loại vaccine được sử dụng để tiêm phòng cho trẻ trước khi tiêm.
Cán bộ y tế TYT xã Minh Cường, huyện Thường Tín thông tin cho gia đình về loại vaccine được sử dụng để tiêm phòng cho trẻ trước khi tiêm.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội đánh giá, trong buổi tiêm đầu tiên, công tác tiếp đón, khám, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm được các điểm tiêm thực hiện nghiêm túc, bố trí hợp lý, an toàn, theo quy trình một chiều.

Trước đó, toàn bộ đối tượng trong diện tiêm chủng được lập danh sách cụ thể và thông báo đầy đủ thời gian, địa điểm tiêm. Cán bộ y tế tham gia tiêm chủng được hướng dẫn, tập huấn lại về chuyên môn kỹ thuật. Công tác tuyên truyền được thực hiện với nội dung và hình thức phong phú đến từng người dân, gia đình và nhà trường trên địa bàn.

Công tác theo dõi sau tiêm được điểm tiêm TYT xã Di Trạch, huyện Hoài Đức được thực hiện nghiêm túc.
Công tác theo dõi sau tiêm được điểm tiêm TYT xã Di Trạch, huyện Hoài Đức được thực hiện nghiêm túc.

Để bảo đảm số trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đợt này, với trẻ đi học, ngành y tế đã rà soát qua nhà trường và các cháu ở nhà qua đội ngũ y tế thôn. Kể cả với những trẻ vãng lai, sinh sống tại các địa bàn cũng sẽ nắm được tình hình để thông báo cho cha mẹ đưa con em đi tiêm. Mục tiêu của TP là không bỏ sót các trẻ trong diện tiêm chủng.