Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội - ngọn hải đăng dẫn dắt công nghiệp văn hóa của cả nước

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, với nhiều chương trình, nghị quyết, chỉ thị về phát triển văn hóa, Thủ đô Hà Nội đã có nhiều bứt phá, trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt sự phát triển công nghiệp văn hóa của cả nước.

Tư duy đổi mới

Quận Tây Hồ vừa tổ chức thành công Lễ hội Sen Hà Nội 2024, để lại dấu ấn tốt đẹp với du khách. Theo UBND quận Tây Hồ, lễ hội đã thu hút hơn 50.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, tham gia các hoạt động. Doanh thu của các đơn vị tham gia Lễ hội và tổng giá trị hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm từ sen, các loại trà đạt hơn 11 tỷ đồng (doanh thu trực tiếp trong những ngày diễn ra sự kiện khoảng trên 6 tỷ đồng). Lễ hội đã mở ra nhiều triển vọng cho việc xây dựng văn hóa, du lịch đặc trưng của quận Tây Hồ và Thủ đô Hà Nội.

Chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024. Ảnh: Duy Khánh
Chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ hội Sen Hà Nội 2024. Ảnh: Duy Khánh

Chia sẻ về thành công của Lễ hội Sen Hà Nội 2024 và một số chương trình nổi bật về văn hóa của quận Tây Hồ thời gian qua như Lễ hội “Ánh sáng nghệ thuật Hà Nội - Rực rỡ Thăng Long”, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng chia sẻ, trong nhiều nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đều ban hành chương trình công tác riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Cụ thể như Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Gần đây nhất, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” - nhấn mạnh vai trò của cấp ủy từ tư duy, lãnh đạo đến tổ chức thực hiện… "Đó là cơ sở, định hướng để các địa phương triển khai công việc có sự nhuần nhuyễn, tạo nên những sản phẩm văn hóa, du lịch của Thủ đô, khẳng định giá trị văn hóa của người Hà Nội" - Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng chia sẻ.

Không riêng Tây Hồ, nhiều quận, huyện đã xây dựng sản phẩm văn hóa được các nhà khoa học, chuyên gia đánh giá cao như: chương trình “Tết làng Việt” tại Sơn Tây; quận Bắc Từ Liêm tổ chức chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm – Dòng chảy tinh hoa”; quận Đống Đa phục dựng nghi thức truyền thống của Lễ hội chùa Láng…

Tiếp nối các thành công đó, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, thị xã Sơn Tây đang xây dựng kịch bản show thực cảnh mapping 3D để có thể khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử gắn với sự tích về vua Ngô Quyền, cuộc đời sự nghiệp của vua Phùng Hưng hay truyền thuyết Sơn tinh - Thuỷ tinh, tinh hoa làng cổ Đường Lâm. Đồng thời, tháng 11 tới, thị xã Sơn Tây sẽ tổ chức Lễ hội Áo dài di sản...

Những chuyển biến tích cực trên một lần nữa khẳng định vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của địa phương trong việc khơi nguồn lực phát triển văn hóa. Như Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, phát triển công nghiệp văn hóa không phụ thuộc vào địa phương đó giàu tài nguyên hay giàu có về nguồn lực tài chính mà phụ thuộc vào nhận thức của các cấp lãnh đạo, có khơi dậy được khát vọng trong quần chúng Nhân dân, doanh nhân, nghệ nhân, thợ thủ công của địa phương, đơn vị đó hay không.

Chuyển biến vượt bậc về nhận thức

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, 50 năm qua, điều ông nhận thấy rõ nhất chính là sự chuyển biến vượt bậc về nhận thức của lãnh đạo và Nhân dân Thủ đô về văn hóa.

Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa”. Ảnh: Trần Thảo
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - Dòng chảy tinh hoa”. Ảnh: Trần Thảo

Riêng về công nghiệp văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá: “Hà Nội là ngọn hải đăng dẫn dắt sự phát triển công nghiệp văn hóa của cả nước. Với Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy cùng hàng loạt các chương trình, chỉ thị, kế hoạch… Thủ đô thực sự đã có nhiều bứt phá trong lĩnh vực văn hóa”.

Theo các chuyên gia, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô sửa đổi với rất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, chưa có tiền lệ theo đúng tinh thần chỉ đạo Nghị quyết XV của Bộ Chính trị. Trong đó có những nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa nói chung và để phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng như: trao cho Hà Nội thẩm quyền về việc thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế chính sách để đầu tư hạ tầng xây dựng thiết chế văn hóa mang tầm cơ thời đại về văn hóa, thể thao, khu hội chợ, triển lãm.

Bên cạnh đó, Hà Nội có thể chủ động trong đề xuất các cơ chế, chính sách, lựa chọn phương thức phù hợp để khai thác, phát huy tài sản công của TP để phục vụ vào phát triển công nghiệp văn hóa…

Đó là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội đạt được mục tiêu đến năm 2025 công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đóng góp khoảng 5% GRDP của Thủ đô, đến năm 2030 con số này đạt khoảng 8%. Đồng thời khẳng định vai trò đầu tàu, dẫn dắt các địa phương trong phát triển công nghiệp văn hóa.