Phát huy giá trị các tuyến phố, công trình kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô
Kinhtedothi - Việc HĐND TP Hà Nội ban hành danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử; danh mục các công trình có giá trị kiến trúc là cơ sở quan trọng để bảo tồn di sản, thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế Thủ đô.
88 tuyến phố và hơn 600 công trình kiến trúc được ưu tiên bảo tồn
HĐND TP Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 24/NQ-HĐND về danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1), thực hiện khoản 3, khoản 4 Điều 21 Luật Thủ đô 2024.

Phố Tạ Hiện mang nét đẹp bình yên, cổ kính. Ảnh: Công Thọ
Theo đó, các tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I, gồm: 21 tuyến phố, như phố Chợ Gạo, Hàng Đường, Nguyễn Siêu, Đào Duy Từ, Hàng Giầy, Ngõ Gạch, Đông Thái, Hàng Mắm, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Bạc, Hàng Muối, Tạ Hiện, Hàng Buồm, Hàng Ngang, Mã Mây, Ô Quan Chưởng…
Các tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II, gồm: 40 tuyến phố như phố Bát Đàn, Bát Sứ, Cầu Gỗ, Cửa Đông, Đồng Xuân, Đường Thành, Gia Ngư, Hà Trung, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Cá, Hàng Cân, Hàng Cót, Hàng Da, Hàng Đậu, Hàng Điếu, Hàng Gà, Hàng Gai, Hàng Mã, Lương Văn Can…
Các đoạn tuyến phố thuộc khu phố cũ Hà Nội có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đặc biệt, gồm: 16 đoạn tuyến phố như Chu Văn An, Trần Phú, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng (đoạn Hùng Vương - Cửa Bắc), Ngô Quyền (đoạn Lê Lai gần Trần Nguyên Hãn), Điện Biên Phủ, Lê Phụng Hiểu (dãy số lẻ từ Tông Đản - Lý Thái Tổ), Nguyễn Gia Thiều (đoạn Trần Bình Trọng - Liên Trì), Nguyễn Thái Học (đoạn Chu Văn An - Hoàng Diệu), Nguyễn Du (đoạn Yết Kiêu - Hồ Xuân Hương), Lý Thường Kiệt (dãy số chẵn đoạn Phan Bội Châu - Quán Sứ và dãy số lẻ đoạn Quán Sứ - Dã Tượng)…
Các đoạn tuyến phố thuộc khu phố cũ Hà Nội có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đáng chú ý gồm 11 đoạn tuyến phố như Bà Triệu, Cao Bá Quát, Hàng Chuối, Quán Sứ (đoạn Trần Hưng Đạo - Lý Thường Kiệt), Trần Bình Trọng (đoạn Nguyễn Du - Nguyễn Thượng Hiền và dãy số lẻ đoạn Trần Hưng Đạo qua Nguyễn Gia Thiều), Thiền Quang, Quang Trung (đoạn Trần Hưng Đạo - Lý Thường Kiệt), Nguyễn Gia Thiều (đoạn Liên Trì - Quang Trung), Trần Quốc Toản (đoạn Trần Bình Trọng - Đoàn Nhữ Hài và đoạn Liên Trì - Quang Trung), Phạm Đình Hồ (đoạn Lò Đúc - Hàng Chuối), Tăng Bạt Hổ (đoạn từ Vườn Hoa Bể Bơi).
Danh mục các công trình khác có giá trị kiến trúc gồm 639 công trình. Trong đó danh mục biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, gồm 222 biệt thự xếp nhóm 1 và 356 biệt thự xếp nhóm 2; danh mục công trình kiến trúc công cộng được xây dựng từ trước năm 1954, gồm 40 công trình có giá trị đặc biệt và 21 công trình có giá trị đáng chú ý.
Phát huy giá trị di sản, kiến trúc
Theo lãnh đạo UBND TP, Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của đất nước, đồng thời là nơi chứa đựng số lượng lớn các di sản văn hóa, lịch sử và kiến trúc độc đáo với hơn một ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, trước áp lực của quá trình đô thị hóa nhanh chóng và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhiều di sản, di tích, công trình kiến trúc có giá trị đang bị xuống cấp, thậm chí có nguy cơ mất đi.
Ý thức được các vấn đề nói trên, trong thời gian qua, TP đã ban hành nhiều danh mục di sản, di tích, công trình kiến trúc có giá trị tại các Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND TP. Tuy nhiên, các danh mục vẫn còn phân tán, khó tra cứu và thiếu tính hệ thống. Việc Luật Thủ đô năm 2024 được ban hành trong đó quy định HĐND TP ban hành danh mục quy định tại khoản 3, 4 Điều 21 là một trong những định hướng phù hợp trong việc hệ thống, nhất thể hóa danh mục.

Biệt thự Pháp cổ tại số 49 phố Trần Hưng Đạo – 46 phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Minh An
Ngoài ra, trong thời gian qua, một số quy định của pháp luật mới được ban hành như: Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Di sản văn hóa năm 2024 (thay thế Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009) cũng có các tác động đến sự cần thiết xây dựng danh mục các di tích, di sản, công trình kiến trúc có giá trị của TP.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một danh mục tổng hợp, hệ thống, khoa học về các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị cần bảo vệ, phục hồi, phát huy giá trị trên địa bàn TP Hà Nội trở thành yêu cầu cấp thiết.
“Việc xây dựng, ban hành Nghị quyết nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Thủ đô năm 2024. Đây không chỉ là một trong các biện pháp bảo tồn các di sản có giá trị của TP mà còn là nền tảng để phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng” – lãnh đạo UBND TP nhận định.
UBND TP dự kiến, nguồn lực cho việc thi hành Nghị quyết được bảo đảm từ các hoạt động vận hành, khai thác du lịch của các khu vực di tích, di sản, các ô phố, tuyến phố đặc trưng, các công trình kiến trúc có giá trị thuộc danh mục và các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn quỹ tài trợ, xã hội hóa và các nguồn vốn khác.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long chia sẻ, quận Hoàn Kiếm là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, nổi bật là quần thể kiến trúc di tích lịch sử quốc gia khu phố cổ Hà Nội và di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm. “Khu phố cổ Hà Nội với quỹ di sản phong phú ngày càng được nhận diện rõ hơn để bảo tồn và phát huy giá trị. Do đó, cần được nghiên cứu sâu hơn, tập trung nguồn lực để nâng tầm giá trị để khu phố cổ Hà Nội không chỉ là di tích quốc gia mà còn là di tích quốc gia đặc biệt” – ông Phạm Tuấn Long đề nghị.
Theo đại diện Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, quận Hoàn Kiếm không chỉ có khu phố cổ Hà Nội là di sản cấp quốc gia, mà còn có khu vực mang đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp mà chúng ta hay gọi là khu phố cũ. Khu phố cũ có một vị trí chiến lược trong TP Hà Nội, bởi đó là không gian kết nối giữa nhiều khu khác nhau với những nét đặc trưng riêng. Cấu trúc ô phố bàn cờ rộng, mật độ không gian xanh cao, những con đường rợp bóng cây, những ngôi biệt thự xinh xắn đã tạo nên nét rất riêng cho khu phố cũ ở Hà Nội.
Với những giá trị di sản còn hiện hữu, khu phố cổ Hà Nội thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác, gìn giữ giá trị văn hóa khu phố cũ, phố cổ trong bối cảnh tái thiết đô thị, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đề xuất, với khu phố cổ cần cải tạo, chỉnh trang để gìn giữ phát huy các giá trị đô thị lịch sử, bảo tồn đặc trưng, cấu trúc đô thị cũ và bảo vệ phát huy giá trị cảnh quan các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa - lịch sử - tôn giáo, kiến trúc đặc trưng qua các thời kỳ phát triển xây dựng Thủ đô.
Cùng với đó, duy trì các hoạt động, dự án vừa đảm bảo giữ gìn và phát huy các giá trị di sản, vừa góp phần phát triển văn hóa, kinh tế, du lịch, tăng cường các không gian văn hóa cộng đồng; hình thành nên những tuyến phố du lịch điển hình nhưng vẫn đảm bảo được tính nguyên dạng của nhà cổ, phố cổ Hà Nội.
“Đặc biệt, một yếu tố quan trọng là sự đồng lòng chung tay, chung sức của chính quyền và các tổ chức xã hội cũng như người dân để phát huy nguồn lực cho quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cũ, phố cổ” – đại diện Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chia sẻ.

Chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam tại phố cổ Hà Nội
Kinhtedothi - Chiều tối 18/4, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) tổ chức khai mạc chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) tại khu vực phố cổ Hà Nội.

Phố cổ Hà Nội sôi động các hoạt động văn hóa phục vụ Nhân dân dịp 30/4
Kinhtedothi – Nhằm phục vụ Nhân dân vui chơi, giải trí dịp 30/4 - 1/5/2025 và hướng đến kỷ niệm những ngày lễ lớn như 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch phố cổ Hà Nội
Kinhtedothi - Không gian phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) không chỉ lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô mà còn chứa đựng những tiềm năng về du lịch. Làm sao để khai thác du lịch xứng tầm, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN) còn đòi hỏi chính quyền địa phương chung tay nâng cấp chất lượng dịch vụ, kết nối điểm đến.