Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Người dân đồng tình cao với vỉa hè được lát đá tự nhiên

Vũ Cúc - Công Trình - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội đang triển khai thi công lát vỉa hè bằng đá tự nhiên trên nhiều tuyến đường tại 12 quận.

Đây là chủ trương đúng về sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường, tạo cảnh quan văn minh cho các tuyến phố được người dân đồng tình ủng hộ.
Người dân đồng tình ủng hộ

Nói về độ bền của vỉa hè, nhiều người dân đều cho rằng, ngoài yếu tố đảm bảo kỹ thuật còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người sử dụng. Ông Nguyễn Văn Thu, phường Láng Thượng (quận Đống Đa) nêu quan điểm: “Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương của TP về việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên. Bởi, sau khi được lát đá cũng như sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường sẽ tạo được cảnh quan thống nhất và có giá trị sử dụng lâu dài. Thực tế cho thấy, các loại gạch trước kia lát được vài tháng là bắt đầu mất màu, một số chỗ mặt vỉa hè mấp mô. Mưa nhiều còn bám rêu mốc, không an toàn, mất mỹ quan đô thị và cứ 3 - 4 năm lại phải thay một lần. Cứ đào lên, lấp xuống khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nhiều. Mặc dù lát đá sẽ tốn kém hơn so với lát bằng gạch, nhưng do tuổi thọ của đá tự nhiên có thể từ 50 - 70 năm và không phải thi công đào bới nhiều, nên tôi thấy mang lại hiệu quả kinh tế, độ bền vững cao hơn. Tuy nhiên, tôi mong muốn việc lát đá vỉa hè phải được thực hiện đồng bộ với hạ ngầm và không để hè vừa lát đá bị đào bới vô tội vạ”.
 Lực lượng chức năng quận Thanh Xuân kiểm tra một số vỉa hè trên địa bàn chiều 22/11. Ảnh: Vũ Cúc
Và để công tác này đem lại hiệu quả lâu dài, tránh lãng phí, bà Đào Thị Thanh Hải - Tổ trưởng tổ dân phố số 3, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) góp ý, ngoài việc các cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc đúng kế hoạch, yêu cầu đã đề ra thì điều quan trọng chính là sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân, trong đó công tác giám sát, kiểm tra là điều tối quan trọng. Bởi, nếu người dân được tham gia giám sát công tác triển khai dự án thì chất lượng công trình sẽ được đảm bảo. Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến “tuổi thọ” của công trình khi đã đưa vào sử dụng.

Cần thi công đúng kỹ thuật

Những ưu việt của đá tự nhiên lát vỉa hè trên một số tuyến phố Hà Nội đã được nhiều người dân cũng như chuyên gia khẳng định. Tuy nhiên, gần đây, dư luận lên tiếng việc tại nhiều tuyến phố, đá lát vỉa hè bị vỡ sau một thời gian ngắn thi công. Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo các quận, huyện đều cho rằng, cần có cái nhìn toàn diện về căn cứ kỹ thuật, công tác triển khai thực tế của các quận và đánh giá của người dân để thấy được hiệu quả của việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên.

Tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đoạn từ Cầu Mới, Ngã Tư Sở đến giáp địa phận quận Hà Đông mấy tháng gần đây như được khoác lên tấm áo mới. Vỉa hè được lát đá sạch sẽ, kèm với đó là bồn hoa, cây xanh đồng bộ. Đối với quận Thanh Xuân, đây là con đường xuyên tâm quan trọng nối giữa trung tâm TP với quận Hà Đông, các huyện phía Tây Nam Thủ đô và các tỉnh Tây Bắc. Do đó, dự án hoàn thành đã tạo điểm nhấn về trật tự văn minh đô thị.

Vỉa hè đường Nguyễn Trãi được lát đá tự nhiên khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Vũ Cúc

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng ban QLDA Đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân Lê Hồng Thắng cho biết, trong quá trình triển khai, các quy trình kỹ thuật lát đá đã được triển khai theo đúng thiết kế mẫu được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định 4340/QĐ-UBND ngày 20/8/2014, và theo đúng thiết kế được Sở Xây dựng thẩm định. Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm độ cứng, độ chống thấm, độ chịu nước…, ông Thắng cũng cho biết thêm, loại đá này cũng có những hạn chế nhất định như trọng lượng của đá lớn gây hạn chế trong gia công, vận chuyển. Bên cạnh độ cứng, đá tự nhiên có độ giòn cao, nên khi thi công lát đá cần phải đảm bảo có lớp bê tông lót và lớp vữa lót dày khoảng 8 - 10cm. Do đó, từ thực tế trong quá trình triển khai thi công vỉa hè đường Nguyễn Trãi, để đảm bảo về độ bền, mỹ quan, tính đồng bộ, hạn chế hiện tượng nứt..., UBND quận Thanh Xuân đã có đề nghị TP cho điều chỉnh kích thước đá từ 40x40x4cm thành đá 30x30x6cm hoặc 20x20x6cm.

Ngoài yếu tố kỹ thuật, việc giám sát chặt chẽ của các đơn vị chức năng trong quá trình thi công cũng rất quan trọng. Anh Lê Đình Tiến, số 406, đường Nguyễn Trãi cho hay: “Trong quá trình dự án thi công, tôi thấy nhiều công nhân chỉ muốn làm nhanh, thuận tiện cho mình nên có những chỗ thi công ẩu, không san phẳng cốt nền, mạch chít giữa các viên đã không kỹ… Điều này dẫn đến các viên đá dễ nứt vỡ khi chỉ một lực nhỏ tác động. Do vậy, các đơn vị chức năng cần giám sát thật chặt việc thi công đúng kỹ thuật để đảm bảo độ bền cũng như thẩm mỹ cho những tuyến vỉa hè mới được lát đá”.

Để đảm bảo độ bền trong khi thi công phải đảm bảo được cốt nền tốt, phải đổ lớp bê tông chắc chắn trước khi lát đá. Khi thi công xong nghiêm cấm việc đào bới và xử lý thật nghiêm các phương tiện có tải trọng lớn đi lên vỉa hè.

Nguyễn Thị Lý, phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm