Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội - nguồn cảm hứng không bao giờ cạn

Thục Trinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xưa nay, đất và người Hà thành vẫn là nguồn cảm hứng muôn thuở cho thi ca, nhạc, họa, điện ảnh, sân khấu. Những thước phim về Hà Nội và người Hà Nội sống mãi trong lòng công chúng từ thuở khói lửa đạn bom, từ thời hòa bình xây dựng đời sống mới cho đến hôm nay.

Song những người làm điện ảnh vẫn không thôi đi tìm bóng dáng Hà Nội trong những khuôn hình đậm phong vị đất và người nơi này.

Sống mãi với thời gian

Vùng đất Thủ đô từng được chọn làm bối cảnh chính cho nhiều bộ phim nổi tiếng trên màn ảnh Việt. Ở đó, khung cảnh và con người Hà Nội hiện lên với nhiều khía cạnh khác nhau, có lúc hào hùng, mạnh mẽ, có lúc thơ mộng, bình yên, cũng có lúc loạn lạc, có lúc man mác buồn. Không chỉ ghi dấu lịch sử Hà Nội, những bộ phim “để đời” ấy còn đề cập đến những điều hết sức giản dị, nhỏ bé trong cuộc sống đời thường, nhưng vô cùng ý nghĩa, bởi chất chứa trong đó là tính cách Hà Nội hào hoa, sâu nặng.

Câu chuyện về Hà Nội trong quán trà đá trước cổng Hoàng thành Thăng Long của những giáo chức già bất chợt chạm đến những thước phim về Hà Nội. Có thể bởi những ngày này, Hà Nội đang hân hoan trong không khí đón chào kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Đúng là ký ức của những người đã kinh qua thăng trầm ở Hà Nội luôn mênh mang những tháng ngày “đất rung ngói tan gạch nát”, nên câu chuyện thời hiện đại vẫn cứ trải dài với những thước phim “Sống mãi với Thủ đô”, “Em bé Hà Nội”, “Sao Tháng Tám”, “Hà Nội mùa Đông năm 1946”, “Khát vọng Thăng Long”…

Chương trình đạp xe qua các di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội ngày 1/9 vừa qua. Ảnh: Phạm Hùng
Chương trình đạp xe qua các di tích lịch sử, di sản văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội ngày 1/9 vừa qua. Ảnh: Phạm Hùng

Ở đó có cuộc đấu tranh với kẻ xâm lược trong bối cảnh những ngày trước Cách mạng tháng Tám và thời điểm đại nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945; có Hà Nội trong quãng thời gian căng thẳng trước ngày toàn quốc kháng chiến, khi thực dân Pháp lộ rõ âm mưu xâm lược Việt Nam; có hình ảnh những con người bình dị nhưng kiên cường, quyết bảo vệ Thủ đô yêu dấu trong đêm Noel tháng 12/1972 - đêm diễn ra trận Điện Biên Phủ trên không được xem là một đêm "hòa bình" giữa cuộc chiến đầy hiểm nguy…

Những thước phim trong ký ức người đương thời ấy còn có cả câu chuyện của ba thế hệ ở Hà Nội: thế hệ hy sinh tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng đất nước, thế hệ trung niên trải qua những tháng ngày gian nan và thế hệ của những thanh niên trẻ tràn đầy khát vọng.

Phim đưa khán giả vào cuộc sống của người Hà Nội, chứng kiến những giằng xé, mâu thuẫn nội tâm cũng như sự va chạm về tư tưởng, quan điểm giữa các thế hệ thời hậu chiến. Có cả những câu chuyện tựa như lời nhắc nhớ về việc cân bằng giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại trong cuộc sống… Tất cả tạo nên một bức tranh đa chiều đầy sắc màu, khiến khán giả đồng cảm và tìm thấy chính mình trong đó.

Hà Nội hiện lên với đủ đầy tính cách của người Hà Nội, những trường đoạn mà Thủ đô đã đi qua, những góc cạnh của đời sống trên những thăng trầm thời gian. Song hết thảy đều rạng rỡ một tình yêu, sự hào hoa mà vô cùng bình dị, chân thành.

Thêm góc nhìn mới

Giữa guồng quay hối hả của cuộc sống công nghiệp hôm nay, các nhà làm phim vẫn không ngừng trăn trở cho các bộ phim mang dáng hình Hà Nội, chứng tỏ sức hấp dẫn và triển vọng của điện ảnh khai thác mảng đề tài này chưa bao giờ vơi cạn.

Có thể thấy “Mật lệnh hoa sữa” - bộ phim nằm trong dự án phim truyền hình “Vì tình yêu Hà Nội”, đang có mặt trên sóng HTV1. Ấy là câu chuyện về quá trình chiến đấu không mệt mỏi với nhiều hy sinh thầm lặng những chiến công hiển hách của các chiến sĩ công an đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên của Thủ đô.

Cũng khoảng 40 tập, bộ phim thứ hai trong dự án “Vì tình yêu Hà Nội” có tên “Hà Nội trong mắt em” lại mở ra những câu chuyện đầy màu sắc, tươi mới về Hà Nội vừa hiện đại vừa cổ kính, vừa sôi động nhưng cũng có lúc trầm lắng, với những con người giản dị, ẩn hiện nét tài hoa… Phim hẹn người Hà thành vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô này.

Bộ phim tài liệu “Hóa giải” cũng góp tiếng nói vào nguồn cảm hứng bất tận của giới làm nghệ thuật thứ 7 cho Hà Nội. Bộ phim vừa đoạt giải Nhất Liên hoan phim ngắn Hà Nội (giải Sao Khuê) lần thứ nhất, năm 2024 này khai thác đề tài hậu chiến, kể về nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sau gần 3 thập niên, thông qua các cuộc gặp gỡ giữa các cựu phi công của hai nước. Nổi lên trong những thước phim đó là lòng nhân ái, sự hào hoa của người Hà Nội. Ngoài ra, còn “Ngày mai có nắng”, “Ký ức tháng 12 năm 1972”, “Món nợ ân tình”, “Bà của Đỗ Đỏ”, “Bản hùng ca Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, “Cái nhìn”…

Cứ nghe các nghệ sĩ “dấn thân” trong cuộc chơi điện ảnh về Hà Nội là thấy, vùng đất nghìn năm văn hiến này là nguồn cảm hứng bất tận, nhưng để làm sáng nó trong lòng công chúng đương thời là một thách thức. Người trong cuộc “xoay vần” sáng tạo, từ chọn góc máy đến khuôn hình để Hà Nội vào ống kính hiện đại, rạng rỡ, mà vẫn giữ nét cổ kính thâm trầm.

Các nghệ sĩ đang khai thác Hà Nội trong góc nhìn về một Thủ đô hiện đại, văn minh với những người trẻ năng động, nhiệt huyết. Ở đó, người Hà Nội được khắc họa nổi bật với lòng yêu chuộng hòa bình từ trong quá khứ đến hiện tại và tương lai. Thông điệp đó cũng thể hiện sâu sắc danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” mà UNESCO ghi nhận cho Hà Nội.

Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đặt ra mục tiêu phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Trong đó, ngành công nghiệp điện ảnh là một lĩnh vực giàu tiềm năng, được tập trung đầu tư phát triển để không chỉ phục vụ nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân mà còn thúc đẩy du lịch và xuất khẩu văn hóa. Với định hướng đó, chắc chắn các nhà làm phim sẽ tiếp tục thực hiện những tác phẩm quý về Hà Nội để lan tỏa hình ảnh Thủ đô thanh bình, thịnh vượng, kết nối toàn cầu; người dân thanh lịch văn minh, yêu chuộng hòa bình, thân thiện mến khách đến với bạn bè năm châu.