70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội: Nhân rộng mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoa học, kỹ thuật đóng vai trò quan trọng đối với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Hà Nội. Dù vậy, việc nhân rộng các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao vẫn còn nhiều khó khăn.

50 HTX ứng dụng công nghệ cao
HTX rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là một trong những đơn vị tiên phong của Hà Nội trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trên diện tích 10ha, HTX áp dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, tưới tiết kiệm nước. Bên cạnh đó, tem nhãn sản phẩm rau an toàn của HTX cũng được in tự động. Toàn bộ quy trình sản xuất đều được minh bạch hóa.
“Kỹ thuật chăm sóc rau ăn lá tiêu chuẩn VietGAP được áp dụng theo quy trình chuyển giao kỹ thuật của Nhật Bản. Ngoài ra, HTX cũng ứng dụng màng phủ không dệt để phòng trừ sâu bệnh và nâng cao chất lượng cho rau quả…” - Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Khảm cho biết.
Chăm sóc hoa lan tại HTX Đan Hoài, huyện Đan Phượng. Ảnh: Trọng Tùng.
Tại huyện Đan Phượng, mô hình sản xuất giống và hoa lan Hồ Điệp của HTX Đan Hoài (xã Đan Phượng) là “điểm sáng” trong ứng dụng công nghệ cao. Trên diện tích 661m2, HTX hiện đang áp dụng một loạt quy trình sản xuất tiên tiến như sử dụng hệ thống nhà màng, nhà kính. Công nghệ đo nhiệt được lắp đặt nhằm điều chỉnh liên tục môi trường phát triển bảo đảm phù hợp cho hoa.
HTX rau quả sạch Chúc Sơn và HTX Đan Hoài là hai trong số những HTX đi đầu trong việc ứng dụng tiến độ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất tại Hà Nội. Thực tế việc áp dụng công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Đặc biệt là từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người dân nông thôn.
Dù mang lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên, để nhân rộng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao lại là bài toán không dễ. Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.812 HTX đang hoạt động. Tuy nhiên mới chỉ có 50 HTX được ghi nhận là cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đây là con số thực sự còn rất khiêm tốn.
Địa phương phải cùng vào cuộc
Một trong những nguyên nhân khiến việc phát triển các mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao còn khiêm tốn hiện nay, là nhận thức của một bộ phận cán bộ và người nông dân về kinh tế tập thể, HTX còn chưa đầy đủ. Trình độ lao động trong các HTX chưa cao. Đặc biệt là nguồn lực đầu tư cho kỹ nghệ sản xuất của các HTX nhìn chung còn rất hạn chế.
Định hướng phát triển kinh tế nông thôn của Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 xác định sẽ ưu tiên xây dựng những mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng, an toàn thực phẩm và đặc biệt là tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực. Để đạt được mục tiêu trên, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, hoàn thiện quy trình sản xuất là đòi hỏi cấp thiết đặt ra đối với các HTX.
Trong thời gian tới, bên cạnh củng cố các HTX đang hoạt động hiệu quả, Liên minh HTX TP Hà Nội sẽ tăng cường hoạt động tư vấn, hướng dẫn thành lập các HTX mới. Tiếp tục tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX dành cho các đơn vị có kế hoạch sản xuất tốt.
Để thực hiện được mục tiêu hiện đại hóa sản xuất cho các HTX, Liên minh HTX TP Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, vai trò của kinh tế tập thể. Thường xuyên quan tâm, hỗ trợ các HTX đầu tư nguồn lực để từng bước nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong các công đoạn sản xuất.
Các địa phương cũng cần đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX, đáp ứng yêu cầu đổi mới sản xuất.