Hà Nội: Nhân rộng vùng lúa nếp cái hoa vàng tại huyện Sóc Sơn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, huyện Sóc Sơn luôn được xem là vùng canh tác lúa nếp cái hoa vàng lớn nhất, nhì của Hà Nội. Hiệu quả kinh tế đem lại từ giống lúa gạo đặc sản này là rất tích cực, dù vẫn còn đó khó khăn về đầu ra.

Năng suất, chất lượng vượt trội

Vụ Mùa 2022, ông Nguyễn Văn Thuật ở thôn Tăng Long (xã Việt Long, huyện Sóc Sơn) canh tác 3 sào lúa giống nếp cái hoa vàng. Kết quả sản xuất cho thấy giống lúa chất lượng cao này sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe và có độ đồng đều cao.

“Vừa qua, gia đình tôi đã thu hoạch diện tích canh tác lúa nếp cái hoa vàng. Theo đó, 3 sào canh tác cho tổng năng suất khoảng 650kg thóc tươi, tương đương hơn 200kg thóc tươi/sào…” - ông Nguyễn Văn Thuật cho hay.

Không chỉ gia đình ông Thuật, hàng trăm hộ dân khác thuộc 8 xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng thu về kết quả tích cực từ việc canh tác giống lúa nếp cái hoa vàng trong vụ Mùa 2022. Việc trồng thành công tại 8 xã không chỉ cho thấy hiệu quả về năng suất, chất lượng, mà còn là khả năng thích ứng với nhiều loại địa hình của giống lúa nếp đặc sản.

Thu hoạch lúa nếp cái hoa vàng tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Lâm Nguyễn.
Thu hoạch lúa nếp cái hoa vàng tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, vụ Mùa 2022, huyện hỗ trợ 50% chi phí mua giống lúa nếp cái hoa vàng cho bà con 8 xã. Ngoài xã Việt Long, còn có 7 xã khác được hưởng lợi gồm: Tân Hưng, Tân Minh, Bắc Phú, Minh Trí, Hồng Kỳ, Đức Hòa và Trung Giã. Tổng diện tích canh tác của 8 xã kể trên là hơn 332ha.

Theo bà Hoàng Thị Hà, hiệu quả kinh tế của giống lúa nếp cái hoa vàng khi so sánh với giống lúa Khang Dân truyền thống mà bà con thường canh tác là vượt trội. “Căn cứ giá bán bình quân, mỗi sào canh tác giống lúa nếp cái hoa vàng giúp mang lại giá trị gia tăng từ 600.000 - 900.000 đồng so với lúa Khang Dân” - bà Hoàng Thị Hà chia sẻ.

Ngoài chi phí mua giống lúa nếp cái hoa vàng chất lượng cao, Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn còn hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ thực vật. Nhờ đó, 17 vùng sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng thuộc 8 xã nêu trên đều cho năng suất, chất lượng và tính đồng đều cao.

Băn khoăn đầu ra cho nông sản

Bằng các giải pháp hỗ trợ sản xuất, huyện Sóc Sơn đã đẩy mạnh cơ cấu giống lúa chất lượng cao từ 65% năm 2016 lên 85% vào năm 2022, trong đó có giống lúa nếp cái hoa vàng. Thống kê đến nay, toàn huyện đã phát triển được gần 600ha canh tác giống lúa đặc sản này, tập trung chủ yếu tại các xã: Tân Hưng 220ha, Bắc Phú 203ha, Phú Minh 41ha…

 

“Để nhân rộng vùng lúa nếp cái hoa vàng chất lượng cao, huyện đề xuất các sở ngành của Hà Nội hỗ trợ đầu tư ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong sản xuất. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truy suất nguồn gốc nhằm nâng cao giá trị thương hiệu ‘'gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn"..."

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn.

Hầu hết các vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng tại huyện Sóc Sơn đều áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI). Đến năm 2022, toàn huyện đã xây dựng được 3 vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP tại các xã Phú Minh (15ha), Tân Hưng (15ha) và Trung Giã (30ha). 

Dù mang lại giá trị kinh tế vượt trội, tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm lúa nếp cái hoa vàng vẫn là nỗi lo của bà con nông dân. Phó Chủ tịch UBND xã Việt Long Nguyễn Văn Quả cho biết, giá bán thóc tươi tại bờ hiện nay vào khoảng 11.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc tiêu thụ không phải lúc nào cũng dễ dàng.

“Hiện nay, xã vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định cho lúa nếp cái hoa vàng. Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn do các nông hộ tự thân vận động. Chính quyền vào cuộc giám sát nhưng đôi khi không tránh khỏi bị tư thương ép giá…” - ông Nguyễn Văn Quả thông tin thêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, hiện nay chưa có tổ chức, cá nhân liên kết sản xuất theo chuỗi tại các vùng canh tác lúa nếp cái hoa vàng theo hướng hàng hóa. Cũng bởi vậy, tốc độ mở rộng diện tích những vùng lúa chất lượng cao này trên địa bàn huyện còn chậm.

Đại diện lãnh đạo huyện Sóc Sơn cho biết trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục cứng hóa hệ thống kênh mương, trục chính giao thông nội đồng; đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mở rộng các vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo hướng hàng hóa.

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng các chính sách đồng bộ nhằm kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là phát triển những vùng sản xuất tập trung lúa nếp cái hoa vàng, tạo chuỗi giá trị bền vững cho loại đặc sản này.