Năm 2009, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Trong nỗ lực đưa hàng Việt Nam tới gần hơn với người tiêu dùng Việt, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tổ chức Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" để vinh danh, lan tỏa thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước.
Bước vào năm 2023, năm Chương trình bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" được TP Hà Nội tổ chức lần thứ 13. Chương trình tiếp tục trở thành một trong những hoạt động quan trọng của Thành phố nhằm xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt với hàng Việt. Qua đó, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu Việt…
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, các hoạt động Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" triển khai trong 13 năm qua của TP Hà Nội rất hiệu quả. “Đó là sự tăng trưởng lợi nhuận khi tham gia bình chọn đều tăng từ 10%-20%; lợi nhuận trên đầu sản phẩm từ 15%-20%; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ít đi. Ngoài ra, Chương trình tạo được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, mặt hàng vì đã tham gia cuộc bình chọn phải thực thi các chính sách pháp luật tốt...” – ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, ở nhiều nơi, người dân chỉ hiểu đơn giản là vận động ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà chưa hiểu tường tận mục đích của chương trình còn gắn với niềm tự hào dân tộc, việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái… Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn lợi dụng Cuộc vận động để đưa hàng hóa về nông thôn và giới thiệu không chính xác, khiến lòng tin của người dân về sản phẩm giảm đi.
Từ việc nhìn nhận những hạn chế, các chuyên gia kinh tế cũng đề xuất, chính quyền các cấp nên tạo cơ chế tốt nhất để đẩy mạnh hàng tiêu dùng tới người dân, phải bảo đảm lợi ích, quyền lợi của người tiêu dùng.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thời gian tới, chương trình bình chọn sẽ được đổi mới. Công tác tổ chức cũng sẽ được thay đổi nhằm tối ưu hóa. Trong đó, không giới hạn số lượng doanh nghiệp tham gia; tăng cường truyền thông, quảng bá chương trình trên phương tiện truyền thông tại các quận, huyện… để tạo hiệu ứng cho chương trình, đặc biệt là tập trung vào truyền thông đến người tiêu dùng về lợi ích khi dùng sản phẩm hàng Việt.
“Hà Nội sẽ đổi mới trong công tác tổ chức về tiêu chí sản phẩm, dịch vụ đăng ký tham gia, trong đó ưu tiên sản phẩm mới, qua đó thúc đẩy doanh nghiệp tích cực sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” – ông Nguyễn Thế Hiệp cho hay.
Theo số liệu khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Winmart, Hapro… cho thấy hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90-95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60-96%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.
Điều này đã cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà hiện tại "Hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt".