Hà Nội: Nhiều địa bàn còn vướng mắc, khó khăn trong công tác phòng, chống cháy nổ

Hồng Thái- Trần Long- Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị giao ban quý III/2022 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã do Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 28/9, lãnh đạo các quận, huyện nêu nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị

Thừa nhận là “điểm nóng” trong công tác phòng, chống cháy nổ, vừa qua đã xảy ra một vụ cháy nghiêm trọng, lãnh đạo quận Cầu Giấy nêu ra nhiều khó khăn. Trong đó, địa bàn quản lý có mật độ dân cư đông, các công trình chủ yếu là nhà cao tầng, nhà ống, nhà liền kề. Nhiều công trình tập thể cũ xuống cấp, không đảm bảo an toàn về PCCC. Cùng đó, giao thông phức tạp, có nhiều ngõ sâu, ngõ nhỏ, mật độ người, phương tiện giao thông đông. Ngoài ra, nguồn nước, phương tiện chữa cháy còn thiếu; hệ thống dây cáp điện, cột điện, dây từ công tơ vào nhà xuống cấp; trong khi một bộ phận người dân chưa có ý thức quan tâm đến công tác PCCC…

Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, Thường Tín có nhiều làng nghề, cụm công nghiệp với nhiều loại hình sản xuất có nguy cơ cháy nổ cao. Trong đó, có các làng nghề nguy hiểm như Tiền Phong (sản xuất chăn, ga, gối, đệm), Duyên Thái (sản xuất vàng mã, sơn mài). Tuy nhiên, nhận thức về công tác PCCC, CNCH của người dân, doanh nghiệp còn chưa cao. Trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra 8 vụ cháy, tuy nhiên đã được phát hiện kịp thời, nhanh chóng xử lý nên gây thiệt hại ít, không có thiệt hại về người.

Thời gian qua, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC; quan tâm xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở; đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm. Qua kiểm tra 739 lượt cơ sở, đã xử phạt 60 trường hợp với số tiền 95,7 triệu đồng; tạm đình chỉ, đình chỉ 20 cơ sở…

Lãnh đạo huyện Thường Tín cũng đề nghị TP quan tâm, chỉ đạo về quy hoạch hạ tầng, đô thị, cụm công nghiệp; đầu tư kinh phí theo thẩm quyền. Đồng thời, quan tâm bổ sung cho huyện thêm xe, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an huyện Thường Tín đã được trang bị một số phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tuy nhiên, 1 xe chữa cháy có niên hạn sử dụng 40 năm (đã hỏng, không sử dụng được); 1 xe chữa cháy trên 25 năm, thường xuyên hỏng, chữa cháy không hiệu quả...

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, 9 tháng năm 2022, trên địa bàn quận nhận được 100 tin báo và vụ việc liên quan đến cháy, nổ; trong đó 1 vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng...
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, 9 tháng năm 2022, trên địa bàn quận nhận được 100 tin báo và vụ việc liên quan đến cháy, nổ; trong đó 1 vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng...

Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, 9 tháng năm 2022, trên địa bàn quận nhận được 100 tin báo và vụ việc liên quan đến cháy, nổ; trong đó 1 vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn; 13 vụ cháy trung bình; 73 vụ, sự cố cháy nhỏ... Trong đó, có 3 người chết, 3 người bị thương; thiệt hại về tài sản gần 3 tỷ đồng.

Lãnh đạo quận Hoàng Mai cũng đề xuất một số biện pháp, giải pháp cụ thể. Trong đó, triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC nói chung và đối với các loại hình cơ sở kinh doanh có điều kiện nhạy cảm về ANTT. Xây dựng kế hoạch, phân công lực lượng các ban, ngành, đoàn thể của UBND các phường có các biện pháp để xử lý triệt để các vi phạm và  các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, cà phê trá hình karaoke vi phạm không phép, thiếu các thủ tục hành chính, không đảm bảo điều kiện về ANTT, điều kiện an toàn về PCCC; biển, bảng quảng cáo kinh doanh sai quy định, các vi phạm về để xe máy, ô tô chiếm dụng lòng đường, vỉa hè gây mất trật tự đô thị; thông báo công khai trên hệ thống loa truyền thanh của phường về các cơ sở hoạt động kinh doanh karaoke, cà phê trá hình karaoke không có giấy phép, không đảm bảo về ANTT; không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC để Nhân dân biết, cùng giám sát.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, làm tốt công tác hướng dẫn, tập huấn cho chủ cơ sở, nhân viên phục vụ, khách sử dụng dịch vụ về kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi có tình huống cháy, nổ, mất ANTT. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC đối với các cơ sở nói chung và cơ sở kinh doanh có điều kiện nhạy cảm về ANTT trên địa bàn. Quyết liệt xử lý nghiêm, triệt để các vi phạm về PCCC&CNCH...