Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Nhiều doanh nghiệp nỗ lực quay lại hoạt động 100% công suất

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm khôi phục sản xuất nhưng vẫn thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19, TP Hà Nội đã thiết lập nguyên tắc 3 vùng phù hợp với các mức độ nguy cơ. Tại “vùng xanh”, nhiều đơn vị nỗ lực khôi phục sản xuất, dốc sức thực hiện các hợp đồng và đơn hàng đã ký, thậm chí, có DN đã quay lại hoạt động với 100% công suất.

Dốc sức thực hiện đơn hàng
Những ngày này, tại nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn các huyện, thị xã “vùng xanh” theo Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của UBND TP Hà Nội đã tất bật sản xuất trở lại.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây) Phạm Huy Vệ cho biết, trên cơ sở phương án phòng dịch của công ty, từ cuối tháng 8/2021 thị xã Sơn Tây đã cho phép 500 công nhân công ty quay trở lại làm việc. Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất lên quy mô 1.000 lao động (chiếm 50% số công nhân) gửi Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 thị xã Sơn Tây phê duyệt.
“Điều này cho thấy doanh nghiệp đã dần khôi phục hoạt động sản xuất, đặc biệt từ nay đến cuối năm thời điểm cao điểm của ngành dệt may, doanh nghiệp sẽ “dốc sức” thực hiện những những đơn hàng và hợp đồng gia công đã ký kết với các đối tác”- ông Phạm Huy Vệ khẳng định.
 Sản xuất tại Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam tại KCN Thạch Thất

Thực tế, hoạt động khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp “vùng xanh” những ngày qua cho thấy những đơn vị này luôn xác định vừa khôi phục sản xuât vừa chủ động chống dịch trong mọi phương án, không làm chậm quá trình sản xuất.
Là doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực gia công cơ khí chính xác, thiết kế chế tạo máy và dây chuyền tự động hóa, những ngày qua Công ty PMTT Group (KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã áp dụng những biện pháp vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa ổn định sản xuất kinh doanh.
Giám đốc Công ty PMTT Đinh Hồng Lương cho biết, công ty nhận thức được tầm ảnh hưởng của Covid-19 tới sản xuất nên luôn tăng cường, rà soát nguồn cung ứng vật liệu đầu vào để kịp thời cập nhật giá cả cũng như kế hoạch giao hàng. DN này cũng tăng cường quản lý quản trị về kinh doanh, cắt giảm chi phí trong sản xuất… Để đảm bảo sản xuất nhưng vẫn phòng chống dịch Covid-19, đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định 5K của Bộ Y tế. “Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty vừa thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch, vừa nỗ lực duy trì doanh thu”- ông Đinh Hồng Lương thông tin.
Tương tự, Công ty TNHH B.Braun Việt Nam (Cụm Công nghiệp Thanh Oai) là đơn vị sản xuất thiết bị y tế với hơn 1.500 công nhân, nên công tác phòng dịch Covid-19 đã được kích hoạt ở mức cao nhất.
Giám đốc tài chính Công ty TNHH B.Braun Việt Nam Nguyễn Việt Hùng cho biết, để duy trì sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, công ty đã được UBND huyện Thanh Oai hoàn thành việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 cho hơn 1.500 cán bộ, nhân viên. “Từ ngày 6/9, chúng tôi đã quay trở lại hoạt động 100% công suất. Để bảo đảm sản xuất an toàn, tất cả công nhân của công ty đều được làm xét nghiệm PCR 3 ngày/lần và tiếp tục thực hiện “1 điểm đến, 2 cung đường”, ông Nguyễn Việt Hùng cho hay.
 Sản xuất tại Công ty CP Tomeco An Khang (Cụm Công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai)

Đánh giá về sự chủ động khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp “vùng xanh”, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng nêu rõ, nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn Hà Nội đã có sự chủ động, xây dựng phương án với quyết tâm nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, duy trì tăng trưởng công nghiệp ở mức cao nhất.
Tăng cường gỡ khó cho doanh nghiệp
Báo cáo của Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho thấy, trong tháng 8/2021 đơn vị thực hiện thủ tục giải thể cho 244 doanh nghiệp; 833 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, nguyên nhân do hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã bộc lộ nhiều khó khăn. Cụ thể không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra do ách tắc tại khâu lưu thông, vận chuyển, thiếu nguyên vật liệu đầu vào, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch, tiền thuê đất cao và thay đổi liên tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... Những khó khăn này đã khiến nhiều doanh nghiệp không đảm bảo đảm nguồn thu nhập cho người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý các KCN và Chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn, đối với doanh nghiệp sản xuất trong các cụm công nghiệp mặc dù được phép hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến". Nhưng thực tế cho thấy phương thức này chưa thực sự hiệu quả do làm phát sinh chi phí sản xuất, năng suất lao động giảm, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không bảo đảm như mong muốn. “Nhiều doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp đã kiến nghị chỉ duy trì như là một giải pháp tình thế tạm thời, không thể kéo dài quá lâu”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Kiến nghị về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, hầu hết đơn vị đều có chung ý kiến, TP Hà Nội kiểm soát tốt thị trường, tránh việc các doanh nghiệp đầu mối găm hàng, đầu cơ trục lợi; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khoanh, giãn nợ ngân hàng, giảm lãi suất, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất...
Trả lời về những kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng  nêu rõ, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP. Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, UBND TP đã hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; Hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Đặc biệt TP Hà Nội đã thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức kết nối doanh nghiệp với ngân hàng qua đó doanh nghiệp tiếp cận nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp có vốn cho sản xuất kinh doanh. Ngành thuế cũng đã hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ gia hạn nợ, xóa nợ thuế, không tính tiền chậm nộp, xuất hóa đơn lẻ…
“Tính đến 31/8, gần 19.000 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội đã được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này cho thấy nỗ lực của các cơ quan chức năng Hà Nội trong việc gấp rút triển khai hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Đàm Tiến Thắng dẫn chứng.

Hà Nội cũng đã triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, đang thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: Sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch. Chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng