Hà Nội: Nhiều dự án công viên "đắp chiếu", gây lãng phí tài nguyên

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công viên cây xanh là phúc lợi xã hội, thước đo cho sự phát triển đồng thời thể hiện bộ mặt của một đô thị lớn như Hà Nội. Tuy nhiên, có một nghịch lý là hàng trăm héc-ta đất tại Hà Nội đã được quy hoạch làm công viên, hồ nước lại đang bị chậm tiến độ, bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích cả chục năm qua. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai đô thị mà nếu không có cơ chế, chính sách kịp thời những diện tích đất dành cho quy hoạch công viên có nguy cơ dần biến mất.

Nhiều dự án chậm tiến độ, bị lấn chiếm
Trong 20 năm qua, Hà Nội đã có nhiều quy hoạch xây dựng công viên, hồ điều hòa tuy nhiên với nhiều lý do như điều chỉnh quy hoạch, thiếu nguồn lực đầu tư… nên rất nhiều dự án hiện vẫn đang nằm trên giấy, trong khi đó một vài dự án chậm tiến độ nhiều năm, bị lấn chiếm hoặc có dấu hiệu biến tướng dẫn đến lãng phí tài nguyên đất đai.
Bên trong Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang còn nhiều hạng mục dang dở sau hơn 4 năm thi công.
Cụ thể, Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông, dự án được tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt quy hoạch trên địa bàn phường Hà Cầu và Kiến Hưng từ năm 2008, có diện tích 98ha. Sau khi sáp nhập Hà Tây và Hà Nội, UBND TP giao cho quận Hà Đông triển khai xây dựng bao gồm các hạng mục khu Liên hiệp thể dục thể thao 25,18ha, khu công viên cây xanh - văn hóa 52,87ha, khu chung cư và trung tâm thương mại quốc tế Booyoung Kiến Hưng 11,34ha.
Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông được coi là một dự án lá phổi xanh, đáp ứng yêu cầu tạo lập không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao nhằm cải thiện môi trường sống của người dân, mong muốn dự án sẽ tái thiết lập không gian đô thị, trở thành điểm nhấn mới của TP, tuy nhiên, do chưa có vốn triển khai nên dự án không được đưa vào xây dựng.
Để tránh tình trạng đất bỏ hoang gây lãng phí, năm 2015, TP đã ra quyết định thu hồi đất, chỉ đạo UBND quận Hà Đông hoàn thành GPMB và tổ chức quản lý, sử dụng khai thác tạm khu đất. Thế nhưng tình trạng hiện nay trong khu đất hơn 50ha này là hàng loạt công trình kiên cố nhà hàng, chợ tạm, sân tập golf, kho xưởng. Việc dự án chậm triển khai theo quy hoạch, phần bị xẻ thịt, phần để bỏ hoang và không biết đến bao giờ mới triển khai đã gây ra sự lãng phí, thất thoát tài nguyên đất vô cùng lớn, mặt khác các sai phạm chậm bị xử lý dứt điểm càng khiến việc đưa dự án công viên vào thực tế đã khó lại càng khó hơn.
Ngoài 2 dự án trên còn rất nhiều các dự án công viên, hồ điều hòa đã được quy hoạch trên địa bàn TP đang chờ được "thức tỉnh sau giấc ngủ dài", có thể kể đến như dự án Công viên Chu Văn An, dự án kè hồ điều hòa Rẻ Quạt, dự án Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội, dự án cải tạo hồ Linh Quang, dự án Công viên cảnh quan hồ điều hòa Bách Hợp Thủy... Những dự án này có nơi vẫn là ao bèo, rác thải, có nơi chỉ là bãi đất trống quây tôn sau nhiều năm quy hoạch và chưa hẹn ngày cán đích.
 Dự án công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông ''treo'' nhiều năm do chưa có vốn triển khai.
Có cơ chế hợp lý nhằm thu hút đầu tư
Hà Nội sẽ dần biến mất những mảng xanh và không thể phát triển thành một đô thị xanh đúng nghĩa nếu không có định hướng sử dụng quỹ đất hợp lý. Đặc biệt, bên cạnh có chế tài nghiêm đối với những dự án chậm triển khai, hành lang pháp lý để công tác quy hoạch luôn được bảo đảm thì việc xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình công viên cây xanh cũng rất quan trọng.
Một trong những chỉ tiêu quan trọng mà Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội đặt ra là từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục xây dựng, cải tạo hệ thống cây xanh, công viên, vuờn hoa và hồ nước theo quy hoạch. Cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có, đầu tư xây mới 5 công viên, vườn hoa. Để thực hiện được chỉ tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề tiên quyết là cơ chế để thu hút xã hội hóa đầu tư.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho rằng, hiện nhiều dự án công viên lớn bế tắc không thể triển khai là do cơ chế khó khăn. Việc thu hút xã hội hóa xây dựng công viên hiện nay chủ yếu trông chờ vào mật độ xây dựng của công viên là 5% và 15% đối với công viên chuyên đề. Các nhà đầu tư sẽ được khai thác phần đất xây dựng này theo cơ chế thuê lại của Nhà nước, đổi lại nhà đầu tư xây dựng toàn bộ công viên và bàn giao lại cho chính quyền địa phương quản lý.
“Vấn đề đảm bảo lợi ích để nhằm huy động nhà đầu tư vào lĩnh vực xây dựng công viên nếu không được nhìn nhận, đề cập đến thì chưa biết đến bao giờ chúng ta mới thực hiện được các dự án” - ông Trần Đức Hoạt nêu.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Trương Văn Quảng cho rằng, trong khi Nhà nước chưa đủ nguồn lực thì việc xã hội hóa để phát triển công viên cây xanh, mặt nước là tốt.
Tuy nhiên, phải có một cơ chế hợp lý, đảm bảo được diện tích cây xanh mặt nước được xây dựng theo đúng quy hoạch đồng thời đảm bảo được lợi ích cho nhà đầu tư. Có cơ chế, chính sách hợp lý để tạo sự đồng bộ, hài hòa lợi ích giữa các bên nhưng đồng thời phải tăng cường quản lý để tránh những biến tướng trong quá trình thực hiện. Bởi thực tế, tình trạng cắt xén diện tích trong quy hoạch cây xanh, mặt nước để xây các hạng mục nhà ở, chung cư nhằm thu lợi đang diễn ra. Khi đó, bản thân doanh nghiệp thì có lợi nhưng cộng đồng dân cư trong đô thị sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, còn lâu dài, đô thị sẽ phải đối mặt với sự phát triển không bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thi Hà Nội TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, hiện có nhiều doanh nghiệp đề nghị được tham gia phát triển công viên, không gian xanh nhưng sau đó lại tăng diện tích xây dựng so với quy định để làm công trình thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe… đây là tồn tại, hạn chế cần được xem xét. Hiện Hà Nội đang thực hiện rà soát để điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Do đó, đây là thời điểm TP cần rà soát quyết liệt diện tích dành cho việc xây dựng công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, cùng đó hoàn thiện cơ chế chính sách để xử lý những vi phạm đang tồn tại; đồng thời thu hút đầu tư đẩy nhanh việc xây dựng công viên cây xanh phục vụ Thủ đô phát triển xanh, văn hiến, văn minh và bền vững.
Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, xác định một trong nhiệm vụ là đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 45 công viên, vườn hoa, cải tạo, chỉnh trang cảnh quan xung quanh các hồ (Trúc Bạch, Giảng Võ, Thiền Quang,  Đống Đa, Thành Công,...). Nghiên cứu cải tạo cảnh quan một số công viên như Vườn Thú Hà Nội, Công viên Thống nhất, Công viên Hòa Bình… đồng bộ với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật xung quanh, hình thành các không gian đi bộ, sinh hoạt văn hóa kết họp thương mại, dịch vụ. Đồng thời tiếp tục rà soát, kêu gọi đầu tư xây dựng mới các công viên quy mô lớn. Hoàn thành đầu tư xây dựng một số công viên  như CV1 Cầu Giấy, Phùng Khoang,... Triển khai đầu tư xây dựng Công viên Kim Quy tại huyện Đông Anh, Công viên thể thao văn hóa - giải trí tại quận Hà Đông,…
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần