Hà Nội: Nhiều dự án thoát nước chậm trễ do vướng giải phóng mặt bằng

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện kế hoạch giám sát tình hình, kết quả triển khai thực hiện quy hoạch thoát nước trên địa bàn TP Hà Nội, sáng 18/10, đoàn giám sát do Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDA ĐTXD) công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội cùng đại diện một số sở, ngành, quận huyện liên quan.

Nhiều vướng mắc
Theo đại diện BQLDA ĐTXD công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP, thực hiện chuyển chủ đầu tư các dự án của UBND TP, đơn vị được giao 28 dự án thuộc lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, trong đó: Có 13 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị dự án, 10 dự án đang triển khai thi công và sẽ hoàn thành trong năm 2017 - 2018, 5 dự án khác đã hoàn thành thi công và đang bàn giao đưa vào sử dụng.
Với 5 dự án đã hoàn thành này, vẫn còn 2 dự án đang được làm thủ tục bàn giao, quyết toán, gồm: Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (dự án II-đã kết thúc ngày 31/12/2016); dự án ĐTXD hạ tầng kỹ thuật (HTKT) hồ Văn Chương; có 2 dự án được báo cáo đề xuất tạm dừng thực hiện tại thời điểm dừng kỹ thuật: Dự án ĐTXD hoàn thiện cơ sở HTKT khu công viên hồ Ba Mẫu, hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn tồn tại ô đất tái định cư số 3 (300m2) do bị lấn chiếm nên chưa thể thi công hạ tầng và giao đất tái định cư cho 6 hộ; dự án Xây dựng cải tạo HTKT xung quanh hồ Kim Liên, do hạng mục hồ nhỏ chưa thực hiện được GPMB nên không thể triển khai thi công từ năm 2004, Ban đang báo cáo TP dừng triển khai hạng mục hồ nhỏ để quyết toán hạng mục hồ lớn. 

Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân phát biểu tại Hội nghị.
Cũng theo lãnh đạo BQLDA, đơn vị đang gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện quy hoạch và triển khai các dự án được giao làm chủ đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ. Bởi, các dự án thoát nước thường là công trình phục vụ lợi ích công cộng nên khó huy động vốn đầu tư; đặc điểm chung là theo tuyến, nằm trong khu dân đông đúc, mặt bằng thi công nhỏ hẹp. Đồng thời, công tác GPMB trải dài trên nhiều quận huyện, nên không thực hiện được 100% khối lượng theo thiết kế được phê duyệt hoặc phải điều chỉnh thiết kế, hoặc chỉ cơ bản hoàn thành thi công các hạng mục thoát nước; thời gian thực hiện kéo dài, không phát huy triệt để, hiệu quả mục tiêu dự án, phát sinh chi phí… Đặc biệt, trong 28 dự án thoát nước Ban được giao, có 10 dự án đang triển khai thi công nhưng trong đó tới 7 dự án không được bố trí vốn để triển khai, hoàn thiện thi công, bàn giao đưa vào sử dụng, quyết toán hoàn thành.

Đáng chú ý, Giám đốc Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Ban được giao 71 dự án, trong đó chỉ 6 dự án mới sau khi Ban thành lập (sáp nhập từ 3 ban), còn lại 65 dự án là từ các ban cũ bàn giao lại, thậm chí có những dự án từ 1998, 2008, nay hồ sơ không đầy đủ… “Chúng tôi đang phải tháo gỡ rất nhiều khó khăn đặc thù. Sau khi thành lập, Ban rà soát toàn bộ quy trình mà đơn vị tư vấn tham mưu cho Ban làm chủ đầu tư để thực hiện dự án, thấy rất nhiều thiếu sót…”, ông Hùng nói.

“Rà soát kỹ, chỉ rõ vướng ở đâu để phối hợp giải quyết sớm”

Trước thực tế nhiều khó khăn, để tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, lãnh đạo BQLDA đề nghị HĐND TP bố trí bổ sung vốn cho các dự án dầu tư đủ điều kiện triển khai thi công nhưng chưa được bố trí vốn, chỉ đạo các quận huyện tích cực GPMB để đẩy nhanh tiến độ các dự án vướng mắc do GPMB. Bên cạnh đề nghị TP xem xét, bổ sung 3 dự án vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, Ban cũng đề nghị sớm chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án được UBND TP thống nhất, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: Nạo vét bùn, bổ cập nước, xây dựng cột nước cho hồ Tây; xây dựng, nâng cấp trạm bơm Phương Trạch; hệ thống thoát nước, hồ điều hòa và trạm bơm Vĩnh Thanh; mở rộng khu xử lý chất thải Sóc Sơn theo quy hoạch 609 của Thủ tướng.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến thống nhất rằng, hầu hết dự án mà BQLDA ĐTXD công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP đang triển khai đều là trước đây được giao cho các đơn vị khác nhau nhưng nay được giao cho Ban, nếu đối chiếu về tiến độ theo quyết định của TP thì đa số không đạt. Nguyên nhân được nhận định, ngoài vấn đề nguồn vốn, cơ chế thì chủ yếu do vướng mắc về GPMB. Trong đó, đại diện UBND các quận Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm đã nêu lên những kiến nghị tháo gỡ khó khăn liên quan đến GPMB, giúp đẩy nhanh một số dự án thoát nước trên địa bàn, như: Cải tạo cống hóa tuyến mương Vĩnh Tuy, xây dựng khu công viên và hồ điều hòa CV1 khu đô thị mới Cầu Giấy, ĐTXD hoàn thiện cơ sở HTKT khu công viên hồ Ba Mẫu…

Lắng nghe các ý kiến, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân khẳng định BQLDA đã có nhiều cố gắng, góp phần quan trọng tổ chức thực hiện quy hoạch thoát nước của TP, trong điều kiện Ban mới thành lập, vừa phải ổn định tổ chức bộ máy vừa phải tiếp nhận bàn giao tổng cộng 71 dự án từ các đơn vị, với nhiều dự án được triển khai qua rất nhiều thời kỳ (dự án cũ nhất từ năm 2001). Tuy nhiên, trong điều kiện công tác bàn giao còn nhiều vướng mắc, BQLDA cần quan tâm hơn việc rà soát lại hồ sơ các dự án để có thống nhất hoàn thiện, có phương án xử lý cho từng dự án. “Với những dự án đã hoặc cơ bản hoàn thành, nhiệm vụ thanh quyết toán phải được đặt lên hàng đầu, BQLDA cần đẩy nhanh tiến độ sớm quyết toán các công trình, bởi có dự án như Thoát nước Hà Nội giai đoạn I triển khai từ năm 2001 mà đến nay chưa quyết toán được, cho thấy thiếu sót trong công tác quản lý dự án. Nếu hoàn thành được quyết toán, mới giảm đáng kể kiến nghị của người dân”, ông Quân nêu rõ.

Bên cạnh đó, với các dự án đang triển khai có nhiều vướng mắc, ông Quân nhấn mạnh: Nếu thuộc về vốn thì Sở Tài chính và Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND TP và tới đây trình HĐND TP, đề nghị BQLDA hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục trình các sở, ngành. Nếu vướng GPMB, các quận, huyện tuy có số hộ dân, diện tích vướng mắc không lớn nhưng lại ảnh hưởng đến toàn bộ việc triển khai dự án và hoàn thành thanh quyết toán công trình, nên các quận cần báo cáo kỹ cho từng dự án. Trong đó, đề nghị quận nêu rõ hiện trạng, nguyên nhân, giải pháp và nhất là kiến nghị, đề xuất với các sở ngành liên quan; BQLDA cần phối hợp rất chặt với các quận để xây dựng phương án, gỡ vướng trong GPMB.

Ngoài ra, với các dự án BQLDA đang chuẩn bị đầu tư, ông Quân cho biết, UBND TP Hà Nội đang cùng các sở, ngành rà soát toàn bộ danh mục để điều chỉnh trước 31/10/2017. Trong đó, với những dự án cấp bách, BQLDA phải tham mưu UBND TP Hà Nội đề xuất HĐND TP bổ sung vào kế hoạch năm 2018.

Đoàn giám sát cũng đồng ý với các kiến nghị của Ban và cho biết sẽ kiến nghị các sở, ngành, UBND TP giải quyết; các sở, ngành trên cơ sở các kiến nghị này, cần quan tâm phối hợp tạo điều kiện để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần