Hà Nội: Nhiều mô hình mới thúc đẩy chính quyền điện tử, chính quyền số

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Phát huy những kết quả đã đạt được, quý I năm nay, TP Hà Nội xác định ưu tiên triển khai phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính, với nhiều mô hình điểm, mô hình mới đã được triển khai thực hiện hiệu quả tại các quận, huyện.

Đẩy mạnh chính quyền số từ cấp cơ sở

Triển khai các văn bản của TP, của quận về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lãnh đạo quản lý điều hành cũng như chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh, từ đầu năm, UBND quận Long Biên đã xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2024 với 27 chỉ tiêu, 54 nhiệm vụ. Mục tiêu là phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao của Chương trình số 01-CTr/QU, Đề án “Ứng dụng CNTT trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, hướng tới chuyển đổi số quận Long Biên giai đoạn 2022-2026” và Kế hoạch của Quận ủy về triển khai thực hiện chủ đề “Năm hành động vì cảnh quan, môi trường đô thị và chuyển đổi số 2024".

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, năm nay, quận tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả mô hình điểm tại Đề án 06/CP trên địa bàn Hà Nội và mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp phường của quận giai đoạn 2023-2024, đáp ứng những yêu cầu về chuyển đổi số theo Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của TP.

Tiếp tục triển khai kế hoạch của UBND quận đưa vào những mô hình thí điểm về chuyển đổi số cấp phường trên địa bàn quận Long Biên giai đoạn 2023-2024, trong tháng 2/2024, tại các phường đã lựa chọn đăng ký thực hiện những mô hình điểm và tổ chức ra mắt một số mô hình chuyển đổi số, đồng thời chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện tại các khu dân cư.

Cán bộ phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, góp phần đẩy mạnh chính quyền điện tử, chính quyền số
Cán bộ phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, góp phần đẩy mạnh chính quyền điện tử, chính quyền số

Trên toàn quận triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, ứng dụng CNTT trong hoạt động, như: Duy trì, bảo trì, bảo đảm vận hành ổn định hạ tầng kỹ thuật CNTT dùng chung hiện có phục vụ công tác chỉ đạo điều hành chung tại quận; duy trì bản quyền thiết bị tường lửa và chứng thư số cho tên miền “longbien.gov.vn” và "tenphuong longbien.hanoi.gov.vn"; duy trì, bảo trì, bảo đảm vận hành ổn định các phần mềm dùng chung tại quận và vận hành triển khai hiệu quả các phần mềm theo chỉ đạo chung của TP.

Quận cũng duy trì hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn, vận động người dân sử dụng công nghệ số, thực hiện các giao dịch giải quyết TTHC, thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia và DVC TP. Cùng đó, chủ động triển khai thanh toán trực tuyến đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận, phường; tại bộ phận “một cửa” quận và 14 phường tạo mã QR phục vụ thanh toán cho Nhân dân, tổ chức khi giải quyết TTHC tại đơn vị.

Tại quận Bắc Từ Liêm, đến nay, 100% văn bản, tài liệu chính thức (trừ những văn bản không chuyển qua mạng theo quy định) trao đổi giữa các cơ quan hành chính đã được giao dịch hoàn toàn dưới dạng điện tử. Song song đó, 100% đơn vị sử dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung kết nối Cổng DVC thống nhất toàn TP…

Tại bộ phận ''một cửa'' nhiều quận, huyện, xã, phường đã tạo mã QR phục vụ Nhân dân, tổ chức thanh toán trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số
Tại bộ phận ''một cửa'' nhiều quận, huyện, xã, phường đã tạo mã QR phục vụ Nhân dân, tổ chức thanh toán trực tuyến khi giải quyết thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số

Đáng chú ý, theo Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên, triển khai và thực hiện DVC trực tuyến mức độ 3, 4, đến nay mô hình “Tổ dân phố điện tử” dưới hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trên địa bàn quận đã xây dựng được 36 mô hình tổ dân phố điện tử. Từ khi triển khai thực hiện các DVC trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3 tại quận luôn đạt 100%: Tại cấp quận phải giải quyết 412 hồ sơ, đạt tỷ lệ nộp trực tuyến 100%, trong đó 100% hồ sơ công dân nộp tại nhà; tại cấp phường phải giải quyết 3.014 hồ sơ, đạt tỷ lệ nộp trực tuyến 100%, trong đó hồ sơ công dân nộp tại nhà chiếm 96,52%.

Đặc biệt, quận đang thực hiện hiệu quả 2 mô hình “Số hóa nộp hồ sơ cấp giấy phép xây dựng tại cấp phường” và “Ứng dụng CNTT 4.0 trong xử lý kiến nghị phản ánh của người dân, tổ chức, doanh nghiệp liên quan TTHC”- mô hình giải đáp nhanh phản ánh, kiến nghị của người dân 24/7 qua hotline. Nội dung về số hóa tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân thông qua số điện thoại đường dây nóng của Chủ tịch UBND quận sử dụng gói VCC Call Center, gồm 1 máy chủ và 30 nhánh máy lẻ thuộc các phòng, ngành, đơn vị có TTHC và UBND 13 phường.  

Ngày 8/2/2024, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh năm 2024 với mục tiêu tổng quát: Hoàn thiện một số cơ chế, chính sách về khai thác, chia sẻ dữ liệu, hạ tầng lưu trữ dùng chung của TP; hoàn thành triển khai hạ tầng số trong các cơ quan nhà nước TP; triển khai cung cấp dữ liệu mở của chính quyền TP theo lộ trình để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; tăng chỉ số xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh của TP Hà Nội.

 

Hoàn thiện cơ chế chính sách vận hành chuyển đổi số

Theo UBND TP, trong 3 tháng đầu năm nay, TP tiếp tục tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách vận hành chuyển đổi số, chính quyền điện tử, trong đó nổi bật là UBND TP đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước TP Hà Nội; Quy chế quản lý, khai thác và chia sẻ dữ liệu TP Hà Nội. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai "Tổ chuyển đổi số cộng đồng" trên địa bàn TP, với việc sáp nhập "Tổ Công nghệ số cộng đồng" với "Tổ triển khai Đề án 06" của các thôn, tổ dân phố, bảo đảm tinh gọn; song song với tổ chức đào tạo, hướng dẫn các Tổ chuyển đổi số và nghiên cứu xây dựng cơ chế duy trì hoạt động của Tổ.

Bên cạnh đó, TP tiếp tục duy trì ổn định hạ tầng dùng chung của TP và vận hành, khai thác các hệ thống lớn của TP phục vụ hoạt động nội bộ. TP cũng đang tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu chính phục vụ triển khai Chính quyền điện tử, Trung tâm điều hành thông minh của TP (IOC), chỉ đạo phát triển dữ liệu điện tử và đạt một số kết quả nổi bật.

Nhờ đẩy mạnh chính quyền số, đến nay Hà Nội có 89,1% trường hợp người dân thuộc đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội đã có tài khoản chi trả (cán bộ huyện Đông Anh tuyên truyền vận động mở tài khoản ngân hàng cho các đối tượng an sinh xã hội)
Nhờ đẩy mạnh chính quyền số, đến nay Hà Nội có 89,1% trường hợp người dân thuộc đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội đã có tài khoản chi trả (cán bộ huyện Đông Anh tuyên truyền vận động mở tài khoản ngân hàng cho các đối tượng an sinh xã hội)
Cụ thể, trong quý 1/2024, ở lĩnh vực giáo dục và đào tao, 100% trường tiểu học đã trang bị đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ để vận hành; 100% thông tin học sinh tiểu học được cấp mã số trên cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo xác thực định danh với dữ liệu dân cư; 100% trường tiểu học đã trang bị ký số cá nhân cho hiệu trưởng và chữ ký số của tổ chức phục vụ công tác quản lý điện tử. Cùng đó, 41% giáo viên, nhân viên được trang bị ký số cá nhân (đang đẩy mạnh cấp chữ ký số cho cán bộ, giáo viên); 100% giáo viên, nhân viên trường tiểu học đều có trình độ CNTT.
Lĩnh vực LĐTB&XH, đến nay có 261.565/293.633 (89,1%) trường hợp người dân thuộc đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội đã có tài khoản chi trả. Số người đã được chi trả qua tài khoản là 91.427 trường hợp (đạt 34,9% trên tổng số trường hợp đã có tài khoản); 261.565/293.432 trường hợp đã mở tài khoản (đạt 89,1%). Tổng kinh phí đã thực hiện chi trả qua tài khoản là 209 tỷ đồng.
Với lĩnh vực y tế, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử được tích cực đẩy nhanh, chuẩn bị triển khai kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện TP đã kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế (BHYT) của 46 bệnh viện, 27 phòng khám đa khoa, 213 trạm y tế để chuẩn bị hiển thị hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân trên ứng dụng VneID (đã đẩy thành công lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm 1.004.065 hồ sơ để sẵn sàng hiển thị trên Ứng dụng VneID).
Đồng thời, đã hoàn thành thí điểm kết nối, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh từ 2 bệnh viện Xanh Pôn và Đức Giang với Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử TP; có trên 7 triệu người có thẻ BHYT trên địa bàn TP đã được đồng bộ với dữ liệu dân cư, có thể sử dụng căn cước công dân để khám chữa bệnh. 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn TP áp dụng dùng căn cước công dân để tra cứu thông tin khi khám chữa bệnh BHYT.
Đến nay, các cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp đón trên 6 triệu lượt khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ BHYT; 60/71 đơn vị đã triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt (đạt 84,5%).
Bảo hiểm xã hội TP cũng đã chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng không dùng tiền mặt với tổng số đối tượng thuộc diện quản lý là 590.808 người; tỷ lệ chi trả lương hưu và các chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản đạt 44,24%.
Đến thời điểm này, 14/30 quận, huyện đã số hóa sổ hộ tịch; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt tỷ lệ cấp kết quả điện tử là 13,61%; tỷ lệ hồ sơ TTHC được số hóa hồ sơ, kết quả đạt 13,4%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại đạt 29,73%.

Đầu năm nay, nhiều cơ quan, đơn vị cũng đã triển khai lắp đặt thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị CNTT để tuyên truyền hỗ trợ người dân sử dụng DVC trực tuyến ở các chung cư, tổ dân phố, như tại các quận, huyện: Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hoài Đức, Chương Mỹ, Đông Anh…