Công khai hoạt động khai thác cát giữa lòng sông
Để có thêm cứ liệu cho bài viết, ngày 10/11, chúng tôi có mặt tại cầu Vĩnh Tuy - cây cầu vắt qua sông Hồng đi qua địa phận TP Hà Nội. Mặc dù mới đầu giờ chiều, song qua quan sát, chúng tôi nhận thấy hoạt động khai thác trái phép ở lưu vực con sông này đã cạn dòng nước này diễn ra khá nhộn nhịp.
Ở các bãi trống trơ lớp phù sa - cát phía dưới đã có nhiều xe xúc án ngữ… Điều đáng nói, hoạt động múc cát ngay giữa con sông Hồng này diễn ra rất công khai và chẳng hề thấy có cơ quan chức năng nào xuất hiện đểngăn cản, xử lý.
Tiếp tục "hành trình" tìm hiểu về hoạt động khai thác cát trên địa bàn, chúng tôi tìm tới khu vực cầu Phù Đổng - đoạn thuộc địa phận huyện Gia Lâm. Tương tự với con sông Hồng, khu vực bãi bồi ven con sông Đuống đang siết chảy bên dưới chân cầu vào thời điểm chúng tôi có mặt cũng nhộn nhịp xe, sà lan xúc, chở cát lui tới...
Hoạt động khai thác cát nhộn nhịp là vậy, song vấn đề được đặt ra ở đây đó chính là việc dòng chảy của các con sông cũng như các công trình công cộng xung quanh có bị ảnh hưởng?
Trao đổi với đại diện Ban Điều hành dự án cầu Phù Đổng 2 - đơn vị thi công cầu Phù Đổng làn 2 thuộc dự án cầu Thanh Trì và đoạn tuyến phía Nam vành đai 3 Hà Nội, chúng tôi được ông Vũ Đăng Khoa, Giám đốc Ban điều hành cho biết: Cuối năm 2008, khi đơn vị tiến hành thi công công trình cũng là lúc mà khu vực khai thác cát gần công trình bắt đầu hình thành và đi vào hoạt động. Việc khai thác cát dưới lưu vực con sông Đuống này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình thi công công trình cầu Phù Đổng 2.
Theo đơn vị này thì chủ bãi cát đã lợi dụng con đường đấu nối với đường QL1 Hà Nội - Lạng Sơn vốn phục vụ cho việc xây cầu để làm đường cho các phương tiện của mình khai thác và vận chuyển cát…
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, để khai thác được trên các con sông, chủ cơ sở phải sử dụng phương tiện đào hút sâu xuống dòng chảy do đó việc ảnh hưởng tới các bờ, công trình công cộng kế cận, gây xói lở, xáo trộn dòng chảy… là không tránh khỏi.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 31/7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Văn bản số 5202/VPCP-KTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành lập quy hoạch sử dụng cát, sỏi xây dựng trên địa bàn, có các chế tài cụ thể để quản lý chặt chẽ việc khai thác cát xây dựng, ngăn chặn việc khai thác trái phép, không phép.
Kiến nghị nhiều lần nhưng… chưa thấy phản hồi
Trở lại khu vực khai thác cát dưới chân cầu Phù Đổng 2, khi tiếp xúc với chúng tôi, đại diện Ban Điều hành dự án cầu Phù Đổng 2 cho biết: Khi đơn vị nhận thầu xây dựng chiếc cầu này, Ban Điều hành dự án đã xin giấy phép của các cơ quan chức năng về việc sử dụng đường ngang (lý trình Km157 + 367 đến Km157 + 339) giao cắt với QL1 hướng Hà Nội - Lạng Sơn để phục vụ cho quá trình thi công.
Tuy nhiên, khi công trình cũng như con đường ngang trên đi vào hoạt động, việc thi công, chở vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng vì tại khu vực này có một số bãi tập kết cát đen và chủ các bãi cát này đã sử dụng đường công vụ trên để vận chuyển cát đi các nơi khác với tần suất chạy xe rất lớn nhất là vào ban đêm.
Đại diện của Ban Điều hành dự án cũng khẳng định, đường ngang mà đơn vị đang sử dụng chỉ phục vụ cho việc thi công công trình, các xe chở cát đi qua khu vực này là trái với quy định. Đặc biệt, khi ra vào đường ngang này, không chỉ không có giấp phép mà nhiều xe tải chở cát còn không có người điều khiển giao thông, điều này tiểm ẩn sự mất an toàn.
"Tất cả những khúc mắc trên, Ban điều hành dự án cầu Phù Đổng 2 đã nhiều lần kiến nghị tới chủ các cơ sở khai thác cát cũng như chính quyền huyện Gia Lâm. Song đến nay, hoạt động khai thác, vận chuyển cát vẫn diễn ra trên khu vực này. Chủ khai thác cát vẫn chưa gửi giấy phép của cơ quan chức năng có thẩm quyền cho phép các xe chở cát lưu thông trên đường ngang trên tới Ban Điều hành dự án" - ông Vũ Đăng Khoa cho biết thêm.