Chủ động trong dạy trực tiếp- trực tuyến
Theo phương án điều chỉnh của Sở GD&ĐT Hà Nội, ngày 7/12 có 50% học sinh lớp 12 tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên được phân công lịch ngày lẻ (thứ Ba- Năm- Bảy) đã đến trường học trực tiếp. Ghi nhận chung trên toàn TP sau buổi sáng nay, việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các nhà trường diễn ra chu đáo, an toàn, thuận lợi. Cũng giống sáng 6/12, mọi công tác vệ sinh, khử khuẩn, đo nhiệt độ, phân làn học sinh; bố trí lớp học, chỗ ngồi giãn cách… được thực hiện đúng quy định phòng chống dịch; đồng thời các học sinh đều có ý thức và chấp hành nghiêm.
Nhà giáo Hoàng Chí Sỹ- Hiệu trưởng THPT Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) cho hay: Trường có tổng 390 học sinh khối 12 với 11 lớp thì chia ra thứ Hai- Tư- Sáu cho 6 lớp đi học còn thứ Ba- Năm- Bảy cho 5 lớp đến trường. Nếu hôm qua (6/12) có 255 học sinh đi học (đạt 100%) thì hôm nay có 163/165 học sinh đến lớp (2 học sinh nghỉ do đang là F1, F2). Như vậy sỹ số học sinh lớp 12 của trường THPT Hợp Thanhh đi học trực tiếp đạt gần 100%.
Trường THPT Hợp Thanh có 18 phòng học thì cả 18 phòng đều đã lắp đầy đủ thiết bị dạy- học với máy tính, camera, đường truyền mạng tốc độ cao. Ngoài giờ lên lớp dạy trực tiếp, các thầy cô giáo cũng được bố trí phòng dạy trực tuyến ngay tại trường với cơ sở vật chất đảm bảo. Mỗi lớp học có trên 30 học sinh, sắp xếp mỗi tầng 2 lớp học; học sinh được phân luồng, khử khuẩn, đo thân nhiệt cẩn thận ngay từ cổng nên phụ huynh tương đối yên tâm. Về chương trình dạy, ban giám hiệu và giáo viên đã họp và thống nhất trong tuần đầu tiên phần lớn dành thời lượng để ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh để các em nắm chắc những nội dung đã học trong thời gian học trực tuyến.
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Hoàng Mai có hơn 120 học sinh lớp 12 đi học khá đầy đủ trong 2 ngày đầu tiên, 100% học sinh đã tiêm mũi 1 vaccine ngừa Covid- 19; cơ sở vật chất đảm bảo nên các em đến trường với tinh thần phấn khởi, tuân thủ nghiêm quy định 5K và nguyên tắc “một cung đường, hai điểm đến”. Cũng giống các trường và trung tâm khác, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên quận Hoàng Mai cũng bố trí phòng trống để giáo viên có thể dạy trực tuyến ngay tại trường theo thời khóa biểu.
Đảm bảo quyền lợi học tập cho tất cả học sinh
Trong đợt tổ chức cho học sinh khối 12 đi học lần này, trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng khá đặc biệt do nằm trên địa bàn dịch bệnh Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều học sinh cư trú ở vùng dịch mức độ 3 (phường Phố Huế) và không ít học sinh ở nơi phong tỏa; học sinh diện F0, F1, F2. Theo nhà giáo Vũ Thị Hậu - Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông, toàn trường có 681 học sinh khối 12 chia làm 15 lớp. Về phương pháp tổ chức, các ngày chẵn (thứ Hai- Tư- Sáu), trường cho 7 lớp học trực tiếp; ngày lẻ (thứ Ba- Năm- Bảy, trường cho 8 lớp học trực tiếp. Tuy nhiên, từ thực tế dịch bệnh tại địa bàn nên trong ngày 6/12, khối 12 chỉ có 33 học sinh đến trường và ngày hôm nay (7/12), trường có 9 học sinh đi học. Trường đã có khảo sát ý kiến phụ huynh từ trước và nắm được tình hình, số lượng học sinh sẽ đến lớp. Tất cả chương trình, thời khóa biểu vẫn được trường thực hiện như cũ. Quan điểm của trường là dù học sinh đến trường ít nhưng trường vẫn chấp hành nghiêm văn bản chỉ đạo của TP, của Sở GD&ĐT về việc tổ chức cho học sinh lớp 12 học trực tiếp- trực tuyến theo hình thức phân ca; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất- trang thiết bị vật tư y tế, dụng cụ đo thân nhiệt cũng như các phương án tổ chức dạy học hoặc các tình huống phát sinh.
“Trường có cơ sở vật chất hiện đại: 100% lớp học có máy chiếu, hệ thống đường truyền internet tốc độ cao với bộ phát wifi mắc vào từng lớp. Các ngày có lịch học trực tiếp, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và các bộ phận liên quan sẽ đến trường thực hiện nhiệm vụ của mình. Lớp có tiết trực tiếp, các thầy cô đến lớp, ngồi trên bục giảng dạy trực tiếp cho những học sinh đến trường. Song song với đó, những học sinh không đến trường cũng đồng thời được kết nối trực tuyến qua màn hình máy chiếu để tương tác, hỏi đáp nếu có nhu cầu; do vậy không ảnh hưởng đến tiến độ học tập và chất lượng bài giảng”- Hiệu trường trường THPT Trần Nhân Tông Vũ Thị Hậu chia sẻ.
Để việc dạy và học được tổ chức ổn định, nền nếp, trước đó, trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa đã đầu tư lắp đặt thêm webcam cho 30 phòng học với tổng chi phí khoảng 70 triệu đồng; cho nên học sinh vì lý do nào đó không thể đến lớp học trực tiếp thì vẫn có thể theo dõi, tương tác với thầy cô và các bạn qua trực tuyến.
Với các trường tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp, số học sinh không đến trường có thể thuộc các đối tượng: Trong khu phong tỏa, thuộc diện F0, F1, F2, ốm đau… và cũng có những em nghỉ học do bản thân và phụ huynh vẫn còn băn khoăn khi đến trường. Những học sinh này đều được quan tâm rà soát, xem xét, lên danh sách để học cùng/ghép với học sinh các lớp khác hoặc có thể được tổ chức học vào các buổi chiều/tối trên cơ sở quyền lợi học tập của các em cũng được đảm bảo đầy đủ như các học học sinh khác.