Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Những ngành nghề nào đang cần tuyển dụng lao động nhiều nhất?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những tháng cuối năm 2023, các DN tại thị trường Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, từ 60.000 – 80.000 chỉ tiêu tập trung nhiều ở nhóm ngành Thương mại – Dịch vụ, Bán buôn và bán lẻ. Công nghiệp chế biến chế tạo; Xây dựng,…

155.679 người lao động được giải quyết việc làm

Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, trong tháng 8/2023 toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 22.889 người lao động, tăng 4,2% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 2.513 người lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 153,8 tỷ đồng; 1.829 người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm và 18.547 lao động được giải quyết việc làm qua xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các DN và hình thức khác. Tính cả 8 tháng đầu năm 2023, toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 155.679/162.000 người lao động, đạt 96,1 % chỉ tiêu kế hoạch năm, bằng cùng kỳ năm 2022.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ảnh: Trần Oanh. 
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ảnh: Trần Oanh. 

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị về kết quả giải quyết việc làm, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho hay: Năm 2023, Sở LĐTB&XH Hà Nội lấy chủ đề trọng tâm để đưa vào chỉ tiêu thi đua là giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là quý 1, quý 2/2023, có nhiều người lao động giãn việc, ngừng việc, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tham mưu UBND TP thực hiện đa dạng các giải pháp.

Thứ nhất là đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Năm nay, ban đầu có 12 quận, huyện, thị xã đăng ký tổ chức phiên giao dịch việc làm. Sở LĐTB&XH Hà Nội đã làm việc với các quận, huyện, thị xã và đôn đốc, động viên địa phương nào chưa tổ chức phiên giao dịch việc làm thì thực hiện. Địa phương nào có điều kiện thì Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp tổ chức 2 - 3 phiên giao dịch việc làm. Đến nay đã có 10 phiên giao dịch việc làm được tổ chức ở các quận, huyện; tới đây Sở đang tiếp tục tổ chức các phiên như vậy.

Người lao động xem thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ảnh: Trần Oanh. 
Người lao động xem thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ảnh: Trần Oanh. 

Thứ hai, Sở LĐTB&XH Hà Nội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, trực tuyến kết nối 9 tỉnh, TP và gần đây tăng lên 12 - 14 tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc. Qua đó, số lượng người lao động được giải quyến việc làm tăng lên rất nhanh.

Tiếp đó, Sở LĐTB&XH Hà Nội mạnh dạn phối hợp với các quận, huyện, thị xã mở rộng đối tượng tham gia phiên giao dịch việc làm (thanh niên, bộ đội xuất ngũ, người khuyết tật…), kể cả những người đã chấp hành xong hình phạt tù, người sau cai nghiện ma túy đang được quản lý ở địa phương. Sở LĐTB&XH phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đẩy mạnh cái việc cho vay vốn giải quyết việc làm bằng các nguồn…

4 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động

Để hoàn thành chỉ tiêu tạo việc làm cho 162.000 người lao động năm 2023, từ nay đến cuối năm, Sở LĐTB&XH Hà Nội vẫn tập trung trọng tâm vào các kế hoạch của TP Hà Nội như Kế hoạch số 84/KH-UBND của UBND TP Hà Nội. Sở LĐTB&XH Hà Nội đã ban hành Kế hoạch, trong đó đẩy mạnh việc kết nối cung cầu lao động và tiếp tục giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, trực tuyến tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội và các sàn vệ tinh.

Các phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức ở quận, huyện thu hút nhiều người lao động đến ứng tuyển. Ảnh: Trần Oanh. 
Các phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức ở quận, huyện thu hút nhiều người lao động đến ứng tuyển. Ảnh: Trần Oanh. 

Ngoài ra, Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã như Ba Vì… tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động mở rộng đối tượng tham gia. Cùng với đó là tổ chức phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ, công an hoàn thành nghĩa vụ, người khuyết tật, sinh viên làm việc bán thời gian dịp cuối năm…

Dự báo kinh tế TP Hà Nội những tháng cuối năm 2023 có mức tăng trưởng tốt sẽ kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân lực. Nhận định về thị trường lao động 4 tháng cuối năm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, các DN ở khu vực phía Bắc sẽ tăng nhu cầu tuyển dụng lao động. Riêng tại thị trường Hà Nội, các DN có nhu cầu tuyển dụng từ 60.000 - 80.000 người lao động. Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động là Thương mại – Dịch vụ, Bán buôn và bán lẻ, Công nghiệp chế biến chế tạo, Xây dựng,…

Khu vực Thương mại – Dịch vụ, các DN tập trung tuyển dụng nhân viên kế toán, nhân viên nghiên cứu thị trường, nhân viên quản lý chất lượng. Nhóm ngành Bán buôn và bán lẻ, các DN tuyển nhiều nhân sự ở vị trí nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân, nhân viên kinh doanh, nhân viên mua hàng. Nhóm ngành Công nghiệp chế biến chế tạo, các DN có nhu cầu tuyển lao động ở vị trí công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp linh kiện, kỹ sư cơ khí chế tạo máy. Còn về nhóm ngành Xây dựng có vị trí nhân viên giám sát kỹ thuật, kiến trúc sư, nhân viên kỹ thuật sự án… sẽ được các DN tuyển dụng nhiều nhân sự.

Như vậy, những người lao động mới tham gia thị trường lao động, người lao động thất nghiệp, người lao động yếu thế… vẫn có nhiều cơ hội việc làm. Kể cả những người lao động 35 tuổi trở lên hoàn toàn có thể tìm được công việc phù hợp với năng lực bản thân. “Khi có những lao động lớn tuổi đến Trung tâm Dịch vu việc làm Hà Nội thì chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận và có những tư vấn và giới thiệu việc làm ở vị trí phù hợp nhất” – ông Thành cho hay.

Trước thực tế, nhiều DN áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động, song vẫn cần con người để vận hành, kiểm tra, ông Quang Thành cũng khuyên người lao động khi đã có công việc thì chủ động cập nhật kiến thức, rèn luyện để nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu công việc. Trong trường hợp người lao động có chuyển đổi sang vị trí việc làm mới thì cũng sẽ nhanh chóng trở lại thị trường lao động.