Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội nỗ lực ngăn đà giảm xuất khẩu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trước tình hình trên, TP Hà Nội đang có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.

Kim ngạch xuất khẩu giảm sút

Số liệu của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội tháng 11/2023 đạt 1,462 tỷ USD,  giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 15,2 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,5 tỷ USD, giảm 9,8%.

Phân tích nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu Hà Nội giảm sút, TS Nguyễn Minh Phong nêu rõ,  ngay từ những tháng cuối năm 2022 trên thế giới đã xuất hiện lạm phát tăng cao khiến tổng cầu giảm trên toàn thế giới, ảnh hưởng tiêu cực đến một số chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu khiến hoạt động sản xuất gặp khó khăn.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP may Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP may Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam

Một số thị trường nhập khẩu chính ngày càng siết chặt với nhiều điều kiện khắt khe hơn. “Trung Quốc đã mở cửa nhập khẩu trở lại nhưng lại đưa ra nhiều quy định mới, liên quan tới nhãn hàng, chất lượng, quy cách của hàng hóa... Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý, kiểm soát dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, dịch đậu mùa khỉ... nên hoạt động xuất khẩu vào thị trường này gặp khó” - ông Phong nêu ví dụ.

Từ góc nhìn khác, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung cho biết, nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Nội như điện tử, nông sản, dệt may… chịu tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới giảm sức mua, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm.

Cụ thể, đối với mặt hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng chỉ đạt 2,094 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ 2022 do sức mua của những thị trường nhập khẩu lớn của nhóm hàng này như EU, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản giảm sút. Tương tự hàng dệt, may chỉ đạt kim ngạch 1,892 tỷ USD, giảm 19,4%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 700 triệu USD, giảm 12,6%; giày dép và sản phẩm từ da đạt 344 triệu USD, giảm 30,4%.

Sản xuất đèn xuất khẩu tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất đèn xuất khẩu tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy, việc ngoại tệ tăng giá cũng đã khiến doanh nghiệp phải tăng chi phí nhập khẩu, phí logistics và phải gánh khoản chênh lệch tỷ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD. Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường chia sẻ, tỷ giá ngoại tệ tăng đã làm cho hoạt động xuất khẩu gặp rất khó khăn khi doanh nghiệp sản xuất đối mặt cùng lúc 2 sức ép. Đó là giảm giá xuất khẩu, nhưng phải tăng giá thu mua nguyên liệu khiến chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh.

Nhanh chóng lấy lại đà xuất khẩu

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm sút, để khai thác tối đa lợi thế xuất, nhập khẩu, duy trì tốc độ tăng trưởng xuất nhập, khẩu ổn định, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1856/QĐ-UBND về kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Cụ thể trong giai đoạn 2023-2025, Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 4,4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt từ 5,1-5,5%/năm.

Doanh nghiệp Hà Nội giới thiệu sản phẩm tới đối tác tại Hội chợ FLAsia 2023. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Hà Nội giới thiệu sản phẩm tới đối tác tại Hội chợ FLAsia 2023. Ảnh: Hoài Nam

Để đạt mục tiêu này,  trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở Hà Nội đã đổi mới phương thức kinh doanh, ứng phó với những thay đổi của thị trường. Giám đốc Xuất khẩu Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn Trần Thị Hoài Tú cho biết, nhờ chú trọng đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử, nên sản phẩm của Thạch Bàn xuất khẩu qua hình thức này đã chiếm 20% sản lượng hàng hóa. “Xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba… giúp đơn vị tiết kiệm chi phí nhưng lợi nhuận có thể tăng gấp 3 lần so với hình thức truyền thống” - bà Tú chia sẻ

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, phục hồi xuất khẩu, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc,  TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng có những dự án công nghiệp quy mô lớn, qua đó gia tăng năng lực sản xuất.

Nhằm tranh thủ các cơ hội, Hà Nội tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ; hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Kịp thời cập nhật thường xuyên những chính sách mới về nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đến các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.

Doanh nghiệp Hà Nội giới thiệu sản phẩm tới đối tác tại Hội chợ FLAsia 2023. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Hà Nội giới thiệu sản phẩm tới đối tác tại Hội chợ FLAsia 2023. Ảnh: Hoài Nam

Đồng thời đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Thủ đô vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mexico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunei).

Để tăng kim ngạch xuất khẩu Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương cũng khuyến cáo: “mặc dù TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, tuy nhiên doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường, ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên tận dụng các FTA đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu.”

“Trước mắt doanh nghiệp có thể tranh thủ sự hồi phục nhanh của thị trường ASEAN và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu” - ông Dương đề xuất.