Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phấn đấu có thêm 5 huyện nông thôn mới trong năm 2020

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 1/7, Ban Chỉ đạo Chương trình 02/CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” tổ chức họp giao ban để đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy 6 tháng đầu năm và bàn nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 chủ trì hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm 2020, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của TP Hà Nội tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước.
Về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM, 13 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn TP đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.
Ngoài ra, Đoàn Thẩm tra TP đã tiến hành thẩm định thêm 5 huyện, thị xã đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và các huyện đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 0,69%.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, nhiệm vụ từ nay tới cuối năm 2020, ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng năm 2020 tăng 4,12% trở lên. Phấn đấu đến hết năm 2020 có thêm 15 xã đạt chuẩn NTM, 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất có thêm 5 huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Phấn đấu có thêm ít nhất 700 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Tập trung chỉ đạo quyết liệt các huyện, thị xã triển khai xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu theo chỉ đạo của Trung ương và TP theo quy định.
Phát biểu kết luật hội nghị, Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương những kết quả ngành nông nghiệp Thủ đô đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp đã có những bước bứt phá để đạt được kết quả đáng mừng. Nếu như trong quý I/2020, tăng trưởng ngành nông nghiệp âm thì sang quý II đã lấy lại đà tăng trưởng 1,61%. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát.
Các địa phương đã xây dựng được những đề án chuyển đổi cây trồng vật nuôi cụ thể, tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cơ cấu lại cây lâu năm trên địa bàn. Về chăn nuôi, số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng hơn so với trước. Đặc biệt, mặc dù diện tích nuôi trồng thủy sản không tăng nhưng giá trị sản xuất lại tăng, thông qua các mô hình nuôi trồng thủy sản năng suất chất lượng cao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực xây dựng NTM, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TP và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện Chương trình 02, đó là công tác vệ sinh môi trường, nước sạch tại nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm. Tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Về chương trình mỗi xã một sản phẩm, tiềm năng lớn nhưng đạt được thấp.
6 tháng cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương cần rà soát lại chỉ tiêu, mục tiêu của huyện, đánh giá một cách thực chất để có giải pháp quyết liệt, đề ra phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới. Chương trình 02 càng về sau càng khó, vì vậy các địa phương không lơ là, chủ quan, quyết tâm hơn, không để tình trạng “đầu voi, đuôi chuột“. Phải xây dựng các đề án, nhất là 5 huyện đã được phê duyệt thành quận, phải đưa vào xây dựng NTM tiệm cận với đô thị. Tập trung đồng bộ giải pháp, phấn đấu tăng trưởng đúng kịch bản.
Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương đôn đốc nông dân triển khai vụ Đông, đẩy mạnh phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết, kiểm soát dịch bệnh, nhất là tăng đàn lợn nhưng phải đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Tăng cường liên doanh liên kết giữa các tổ hợp tác. Sở TN&MT tiếp tục tháo gỡ việc chuyển đổi đất lúa cho người dân.
Sở KH&ĐT và Sở Tài chính khẩn trương cấp kinh phí cho các xã đăng ký hoàn thành NTM năm 2020 và có hướng dẫn thủ tục cho các quận hỗ trợ các huyện trong xây dựng NTM. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng hoan nghênh các đơn vị đã và đang hỗ trợ cho các huyện, đồng thời đề nghị các huyện cũng cần đăng ký công trình cụ thể để TP vận động các quận hỗ trợ xây dựng.
Đặc biệt, chương trình OCOP, TP đặt mục tiêu hết năm nay có thêm 700 sản phẩm, do đó các huyện phải tập trung cao độ. Đây chính là thương hiệu phát triển làng nghề, nâng cao đời sống nông dân.