70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội: Phân khúc căn hộ, văn phòng hạng cao cấp vẫn chiếm ưu thế

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) tại Hà Nội vẫn ghi nhận có sự gia tăng về nguồn cung và vốn đầu tư dành cho phân khúc căn hộ và văn phòng cao cấp (hạng A).

Nguồn cung tiếp tục gia tăng
Số liệu thống kê từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhưng nguồn cung mới sản phẩm căn hộ cao cấp tại thị trường Hà Nội vẫn tăng trưởng. Chỉ tính từ đầu quý III/2020 đến nay, tỷ lệ nguồn cung mới của phân khúc này chiếm tới 14,3% tổng lượng cung mới, phân khúc trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất với 75,3%. Mặc dù vậy, giá căn hộ phân khúc trung, cao cấp tiếp tục gần như đi ngang, phân khúc bình dân tăng nhẹ khoảng 3 - 5%.
“Sản phẩm phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ rất chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Kể từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể. Tình trạng này cũng không ngoại trừ các đại dự án đang được quảng cáo rầm rộ” - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.
Căn hộ cao cấp và văn phòng hạng A tại Hà Nội vẫn chiếm ưu thế về nguồn cung và vốn đầu tư.
Các chuyên gia cho rằng, tại những đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, khiến cho giá bán không ngừng tăng cao, vì vậy để đảm bảo lợi nhuận các chủ đầu tư thường ưu tiên phát triển những dự án trung - cao cấp. Trong khi đó, phân khúc căn hộ giá thấp (có giá bán dưới 25 triệu đồng/m2 - PV) và nhà ở xã hội ít được quan tâm, do lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm.
Văn phòng hạng A lợi nhuận hấp dẫn
Cùng với phân khúc căn hộ cao cấp, phân khúc văn phòng cho thuê hạng A tại địa bàn Hà Nội cũng được ghi nhận có sự tăng trưởng về nguồn cung, do thị trường có nhu cầu tốt, xuất phát từ xu hướng dịch chuyển của nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam trước những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng được ghi nhận có sự chuyển biến tích cực vào phân khúc này.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng GRDP của Thủ đô Hà Nội vẫn đạt mức 3,27%. Theo kế hoạch, mục tiêu trọng tâm trong quý IV/2020 của TP là tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để bảo đảm tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn cả năm  2020 đạt từ 4% - 4,5%.
Phó Giám đốc đầu tư Savills Hà Nội Hoàng Nguyệt Minh cho biết, ngoài sự tăng trưởng về kinh tế, nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ tác động đến hoạt động thị trường nhờ các cam kết thuế quan, cạnh tranh nâng cao, nguồn vốn FDI mạnh mẽ và tăng trưởng kinh tế nói chung. Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khi ngày càng nhiều công ty đa quốc gia xem xét chuyển dịch sang nước ta. Theo đó, văn phòng chất lượng cao có xu hướng hấp dẫn khách thuê nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, về mặt tài chính, lợi nhuận từ kinh doanh của các tòa văn phòng cũng là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư. Sự quan tâm của nhà đầu tư với thị trường văn phòng ngày càng cao dẫn đến làm tăng giá trị tòa nhà văn phòng ở mức tỷ suất vốn hóa rất hấp dẫn. Tại Hà Nội, tỷ suất vốn hóa cho văn phòng hạng A hiện đang ở mức 6 - 7%.
“Nhà đầu tư đến từ Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc... đang dành sự quan tâm hơn đối với thị trường Hà Nội, vì so về mặt bằng giá thuê, thị trường văn phòng Hà Nội đang thấp hơn so với TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến các nhà đầu tư kỳ vọng vào thị trường văn phòng Hà Nội có thể sớm bắt kịp với thị trường TP Hồ Chí Minh về giá thuê. Về tỷ lệ lấp đầy, nhìn chung cả thị trường không bị ảnh hưởng quá nhiều. Ngay cả trong giai đoạn Covid-19, vẫn có những giao dịch với giá trị không hề thấp hơn so với thời điểm trước dịch” - bà Hoàng Nguyệt Minh nhìn nhận.