Hà Nội phân luồng, tiếp nhận F0 ra sao?

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều ngày qua, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca F0 ghi nhận mới mỗi ngày với gần 3.000 ca/ngày. Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thành phố đã thay đổi phân luồng, tiếp nhận, điều trị F0.

Nhân viên y tế quận Bắc Từ Liêm mang thuốc cho bệnh nhân F0 tại nhà. Ảnh: Thanh Bình
Nhân viên y tế quận Bắc Từ Liêm mang thuốc cho bệnh nhân F0 tại nhà. Ảnh: Thanh Bình

Hà Nội thay đổi phân luồng, tiếp nhận, điều trị F0 phù hợp  thực tế

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 11/1, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 2.884 ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 30 quận, huyện, thị xã. Tính từ ngày 15/12/2021 đến nay, trên địa bàn đã có 33.184 trường hợp dương tính được xác định bằng test nhanh.

Toàn TP Hà Nội có 50.946 F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (133), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (218), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3079), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1330), cơ sở thu dung quận, huyện (5533), theo dõi cách ly tại nhà (40.653). Số bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung là 1 người.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tùy tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, việc phân luồng, tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Trước tình hình số ca mắc Covid-19 gia tăng, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tầng 3 sẽ tiếp nhận F0 nếu F0 được đánh giá ở nguy cơ rất cao (có tình trạng cấp cứu, SpO2 dưới 90%). Cơ sở tiếp nhận bệnh nhân tầng 3 gồm 5 bệnh viện của Hà Nội (Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn và Sơn Tây); các bệnh viện Trung ương/bộ/ngành; riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân sản khoa.

Trước đây, bệnh viện tầng 3 ở Hà Nội sẽ tiếp nhận F0 có tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa. F0 ở mức độ nguy cơ cao sẽ được xếp vào tầng 2 (như mắc bệnh lý nền có triệu chứng đợt cấp; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày, trẻ em dưới 3 tháng tuổi và F0 có SpO2 từ 90-96%). Các cơ sở tiếp nhận gồm các bệnh viện thuộc tầng 2 (thường là các bệnh viện các quận/huyện và một số bệnh viện thuộc thành phố); riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận F0 sản khoa cần can thiệp chuyên khoa. Bên cạnh đó, bệnh viện tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, nay chỉ có trường hợp nguy cơ cao mới vào tầng 2.

F0 có nguy cơ thấp hoặc trung bình sẽ được điều trị ở tầng 1. Cụ thể, nhóm có nguy cơ trung bình gồm: Người từ 65 tuổi trở lên chưa phát hiện bệnh nền hoặc mắc bệnh nền ổn định (nghĩa là không dùng thuốc hoặc uống thuốc theo đơn tại nhà, không có triệu chứng của đợt tiến triển); người từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm vaccine; người mắc bệnh nền ổn định; có dấu hiệu như sốt, ho, đau họng, khó thở… và SpO2 từ 97% trở lên. Nhóm này sẽ điều trị tại cơ sở thu dung điều trị của Thành phố. Nhóm nguy cơ thấp gồm: Những người từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền nhưng đã tiêm đủ liều vaccine; người từ 3 tháng tới dưới 49 tuổi không có bệnh lý nền hoặc bệnh nền đã ổn định, chưa tiêm đủ vaccine và SpO2 từ 97% trở lên. Nhóm này sẽ điều trị tại cơ sở thu dung của quận/huyện.

Nhóm F0 được quản lý, điều trị tại nhà gồm người từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vaccine, không mang thai, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng quy trình phối hợp quản lý và điều trị F0 tại nhà, đề nghị UBND quận, huyện, thị xã, Thành đoàn Hà Nội, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hà Nội và Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành phối hợp triển khai thực hiện đáp ứng công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP. Trong đó, Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý F0; chủ trì tổ chức tập huấn hoặc mời các chuyên gia tổ chức tập huấn cho Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19.

Để người dân chủ động cách ly, điều trị

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, việc điều chỉnh hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 dựa trên 2 nguyên tắc. Đó là người bệnh Covid-19 được phân luồng, quản lý, điều trị tại nhà, các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tập trung tuyến quận/huyện, tuyến TP và tại các bệnh viện theo mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ của người bệnh. Các cơ sở điều trị thường xuyên đánh giá diễn biến, mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ và kết quả xét nghiệm của người bệnh Covid-19 để quyết định chuyển tuyến, ra viện, kết thúc cách ly; tập trung điều trị người bệnh nhẹ và không triệu chứng tại các cơ sở thu dung, hạn chế chuyển tầng, chuyển độ; ưu tiên giường bệnh tại bệnh viện để tiếp nhận người bệnh tầng 2, tầng 3.

Liên quan đến vấn đề này, theo Phó Chủ tịch Hội Nhiễm khuẩn Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, để tránh quá tải về y tế, giảm số ca tử vong, TP nên tăng số F0 được cách ly, điều trị tại nhà. Theo đó, quy định các ly F0, F1 tại nhà cũng phải mở rộng. Hiện tại F0 điều trị tại nhà phải từ 1-50 tuổi, không có các bệnh nền và đủ điều kiện cách ly nhưng nên mở rộng thêm các đối tượng trên 50 tuổi, không có bệnh nền và đủ các điều kiện cách ly. Ngành y tế cần tăng cường khả năng thông tin, hướng dẫn cho người dân tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Đó là hướng dẫn người dân tự xét nghiệm, tự theo dõi sức khỏe (phát hiện dấu hiệu trở nặng), phát thuốc và hướng dẫn sử dụng…

Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần nhất quán trong việc cách ly, điều trị tại nhà để người dân chủ động trong việc cách ly, điều trị, nhất là trong những ngày đầu mắc Covid-19.

TP Hà Nội cũng hỗ trợ tối đa cho người dân về các kiến thức tự cách ly, điều trị; cung cấp nhanh nhất thuốc thiết yếu, đặc biệt là thuốc kháng virus cho F0 điều trị tại nhà.

TP Hà Nội cũng cần phải thành lập các trung tâm điều phối thuốc để đảm bảo cung cấp thuốc kịp thời cho người nhiễm. Tăng cường hơn nữa năng lực xét nghiệm để đảm bảo trả kết quả dưới 12 giờ, tránh tình trạng chờ kết quả xét nghiệm nhiều ngày như hiện nay.

 

Mạng lưới thầy thuốc đồng hành trực tiếp chủ động theo dõi, gọi điện hỗ trợ nhóm F0 có triệu chứng theo phân tầng trên phần mềm, ưu tiên màu đỏ - cam - vàng theo danh sách trên phần mềm. Mạng lưới phối hợp với nhân viên y tế tại các trạm y tế và trạm y tế lưu động để trao đổi, chia sẻ, cảnh báo khi F0 có dấu hiệu tăng nặng để kịp thời khám, chuyển tuyến đến các bệnh viện đã phân tầng theo quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần