Phát biểu tại lễ phát động, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội là TP có dân số đứng thứ 2 cả nước, địa bàn rộng, di biến động dân cư rất lớn. Vì vậy, nguy cơ về SXH luôn ở mức cao.
Các khu vực có ổ dịch hàng năm diễn biến phức tạp cả ở khu vực nội thành và một số huyện ngoại thành. Đặc biệt là các huyện vùng ven tiếp giáp như: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai... Năm 2022, toàn TP Hà Nội đã có hơn 19.000 trường hợp mắc bệnh, 25 ca tử vong liên quan đến bệnh SXH.
Tính đến tháng 6/2023, số ca mắc SXH tăng gần 100 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đánh giá tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam, đặt biệt tại Hà Nội, ngành Y tế đã sớm nhận định tình hình SXH năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp và công tác phòng chống SXH còn nhiều khó khăn.
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh SXH và bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vây, để phòng ngừa SXH, nhận thức và thông tin là yếu tố quan trọng nhất. Các biện pháp phòng ngừa SXH không chỉ dừng lại ở việc duy trì môi trường sạch sẽ và diệt muỗi, mà còn nằm trong sự thay đổi thói quen sống.
Hãy loại bỏ nơi sinh sống của muỗi bằng cách không để nước đọng trong chậu hoa, bể cá và thường xuyên làm sạch các vật dụng có thể chứa nước, từ những hành động đơn giản nhất như đậy kín và lật úp các đồ chứa nước. Đồng thời sử dụng các phương tiện phòng ngừa muỗi để giảm nguy cơ mắc SXH.
Để phòng ngừa được dịch bệnh này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các cấp, ngành.
Đối với ngành y tế, tiếp tục theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch trên địa bàn, tập trung chính vào các nhiệm vụ chuyên môn.
Đơn cử như tổ chức việc thu dung khám bệnh, phân độ, phân tuyến, điều trị bệnh nhân, đảm bảo sự tham gia của tất cả các tuyến khám, chữa bệnh. Tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhân chuyển nặng và tử vong.
Đối với các quận, huyện, thị xã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH một cách đồng bộ. Trong đó, tập trung quyết liệt việc diệt muỗi, diệt bọ gậy, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND TP theo phương châm 4 tại chỗ. Chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hoá chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, đảm bảo tiết kiệm.
Các địa phương tập trung chú ý làm vệ sinh môi trường các khu vực nguy cơ cao như nơi có ổ dịch cũ, nơi có vệ sinh môi trường kém, nơi thiếu nước sạch, khu vực cho thuê trọ, công trường xây dựng, nhà hoang, nghĩa trang xen kẽ khu dân cư.
Đối với xã, phường, thị trấn cần làm tốt công tác giám sát phát hiện sớm các ca nghi SXH. Triển khai kịp thời các biện pháp đáp ứng chống dịch, không để dịch lây lan, bùng phát.
Tổ chức hoạt động giám sát côn trùng truyền bệnh tại các khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm, khu vực ổ dịch cũ, khu vực có bệnh nhân mới; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và các chiến dịch phun thuốc chủ động phòng chống dịch.
Chính quyền các cấp, chủ động trong phương thức tuyên truyền, sử dụng cả những hình thức công nghệ mới như zalo, tiktok để người dân chủ động tiếp cận thông tin về dịch bệnh.
Tại cơ quan xí nghiệp, tại trường, quán ăn... trong đó lưu ý nguy cơ SXH có thể đến từ cả những đồ vật bị bỏ quên như thùng xốp, phế liệu có thể đọng nước. Đồng thời người dân cũng nắm bắt được các số điện thoại để thông báo ngay với trạm y tế địa phương khi bị sốt cao liên tục trên 2 ngày để được hướng dẫn, khám, điều trị và triển khai các biện pháp phòng, chống tại cộng đồng, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.
Cũng tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chính thức phát động đợt chiến dịch các hoạt động chủ động phòng chống SXH trên toàn TP.
Ngay sau lễ phát động, các hoạt động hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH đã diễn ra: Ra quân diễu hành cổ động về phòng, chống SXH; hoạt động diệt bọ gậy tại hộ gia đình của đội xung kích; hoạt động phun hóa chất diệt muỗi bằng kỹ thuật phun ULV tại hộ gia đình và phun mù nóng phòng, chống SXH.