Hà Nội: Phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở, tạo nguồn lực phát triển

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các ý kiến nhấn mạnh, phát huy dân chủ ở cơ sở trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là giải pháp quan trọng, tiền đề phát huy dân chủ trong toàn xã hội; củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Sáng 15/12, Thành ủy Hà Nội và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”.

PGS-TS Đoàn Minh Huấn - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS Nguyễn Văn Phong- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Thạc sĩ Nguyễn Doãn Toản - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, quận, huyện, các tổ chức chính trị - xã hội của Hà Nội.

Phát huy tối đa các nguồn lực của Nhân dân

Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư cho rằng, Hà Nội có nhiều đặc thù, về tổ chức đảng là một Đảng bộ đông nhất cả nước với 47 vạn đảng viên, 50 tổ chức Đảng trực thuộc Thành ủy, trình độ dân trí ngày càng nâng cao, tập trung nhiều tinh hóa trí thức, nhiều cán bộ có trình độ cao về mọi lĩnh vực, cả học vấn lẫn chính trị, thực tiễn…

GS-TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư phát biểu tại hội thảo
GS-TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư phát biểu tại hội thảo

“Đó là thuận lợi trong việc thực hiện cuộc vận động dân chủ của Hà Nội. Chưa kể đến địa bàn, dân cư đông đảo, Hà Nội có 30 quận, huyện, thị có dân tộc thiểu số, có nhiều tầng lớp dân cư, xu hướng đô thị hóa, đồng thời gắn liền với dân chủ hóa, công nghiệp hóa. Những tác động này liên quan đến sự vận động của dân chủ của Hà Nội cũng như cả nước” - GS-TS Hoàng Chí Bảo nhận định.

Theo PGS-TS Dương Trung Ý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát huy dân chủ ở cơ sở trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị là giải pháp quan trọng, tiền đề phát huy dân chủ trong toàn xã hội. Đồng thời, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực của Nhân dân.

PGS.TS Dương Trung Ý cũng kiến nghị các nhóm giải pháp để phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở ở Hà Nội hiện nay. Trong đó, cần xây dựng và ban hành Luật Dân chủ ở cơ sở thay thế cho Quy chế dân chủ ở cơ sở; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho đảng viên và Nhân dân. Trước khi ban hành chủ trương, kế hoạch, quyết sách liên quan đến quyền và lợi ích của đảng viên và Nhân dân phải lấy ý kiến của đảng viên và Nhân dân.

PGS-TS Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phát biểu tại hội thảo
PGS-TS Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phát biểu tại hội thảo

Trong khi đó, PGS-TS Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho rằng, để thực sự phát huy dân chủ cơ sở góp phần tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp của TP trong sạch, vững mạnh, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần thực sự phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng. Trong đó, Thành ủy tiếp tục lãnh đạo cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng về phát huy dân chủ thành các quy chế, quy định, hướng dẫn để thống nhất tổ chức thực hiện…

Từ thực tiễn phát huy dân chủ ở địa phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Văn Cương đề xuất, cần thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và hoạt động chính quyền các cấp. Trong đó, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành chủ trương, nghị quyết, chỉ thị. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường giữ vững kỷ luật, kỷ cương và nguyên tắc của Đảng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát quyền lực; gắn trách nhiệm về Đảng với trách nhiệm về chính quyền...

Xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS-TS Đoàn Minh Huấn - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, hội thảo đã tập hợp được hơn 50 bài tham luận, thu hút được sự tham dự của hơn 150 đại biểu đến từ nhiều cơ quan, ban, bộ, ngành khác nhau, đặc biệt là các đại biểu đến từ Thành ủy – UBND TP Hà Nội, các quận, huyện và từ Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản.

PGS-TS Đoàn Minh Huấn - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại hội thảo
PGS-TS Đoàn Minh Huấn - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại hội thảo

Các ý kiến phát biểu, tham luận đã làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội; hướng tới mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Các ý kiến chỉ rõ, xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng, trong đó phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở là nội dung trọng yếu.

Từ thực tiễn tại Hà Nội, các ý kiến nhấn mạnh, niềm tin của Nhân dân Thủ đô đối với vai trò lãnh đạo của Thành ủy, hệ thống chính trị toàn TP được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng được củng cố. Nhờ phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, trong thời gian qua, nhiều ý kiến phản ánh, góp ý của đảng viên, hội viên, đoàn viên đã giúp các cấp ủy đảng trong công tác xây dựng tổ chức, lựa chọn cán bộ, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm trọng điểm sát với tình hình thực tiễn của địa phương.

“Đặc biệt, nhiều bài viết tập trung phân tích, làm rõ kết quả triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội và những vấn đề đặt ra cần nhận diện kịp thời… Sau hội thảo, chúng tôi chắt lọc, tham mưu cho những kế hoạch gắn với phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, góp phần tiếp tục xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả hơn” - PGS.TS Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần