Hà Nội: Phát huy tính chủ động của cộng đồng trong phòng chống thiên tai

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ động các phương án phòng chống thiên tai là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu những thiệt hại đáng tiếc xảy ra. Do đó, việc nâng cao kiến thức cho cộng đồng về phòng chống thiên tai là hết sức cấp thiết.

Còn chủ quan, lơ là
Xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai hàng chục năm qua đều ngập lụt mỗi mùa mưa đến. Để hạn chế úng ngập, người dân nơi đây đều xây nhà cao hơn so với bình thường và chủ động sơ tán của cải, vật nuôi khi mùa mưa bão tới. “Nhờ chủ động nên cuộc sống của người dân không bị đảo lộn khi có mưa lũ” - Trưởng thôn Cấn Hạ Bùi Đào Hoàng cho hay.
Trong khi đó, năm 2018, hộ anh Đồng Văn Đạt ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức đã thiệt hại hàng chục triệu đồng do nước sông dâng cao tràn vào chuồng nuôi nhím và vườn cây ăn quả.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong thiên tai, người dân là đối tượng đầu tiên chịu tác động, đối mặt với các rủi ro. Tuy nhiên, họ cũng là người hiểu rõ nhất về địa hình tại nơi ở để từ đó biết được những thuận lợi, khó khăn, thách thức và nhu cầu khi thiên tai xảy ra. Do đó, việc nâng cao tính chủ động, phát huy vai trò của cộng đồng trong phòng chống thiên tai là hết sức quan trọng.
Hình ảnh trận lụt tại Cấn Hữu, Quốc Oai năm 2018.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ứng phó kịp thời với thiên tai, ngay từ đầu năm, TP Hà Nội đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Cùng với đó đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện và các điều kiện cần thiết để ứng phó với mọi tình huống theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, lực lượng tại chỗ là yếu tố quan trọng nhất. Thời điểm này, 30/30 quận, huyện, thị xã của TP đã tổ chức xây dựng lực lượng xung kích PCTT cơ sở với sự tham gia của 64.948 người.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Việc giảm thiểu thiệt hại phụ thuộc nhiều vào cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhận thức của một bộ phận người dân về PCTT còn hạn chế. Điều đó có thể thấy ngay ở sự chủ quan của người dân hay tình trạng vi phạm hành lang đê điều, thủy lợi vẫn còn khá phổ biến. Trong năm 2019, toàn TP xảy ra 96 vụ vi phạm pháp luật về đê điều; riêng 6 tháng đầu năm 2020 đã phát sinh 33 vụ.
Nguyên nhân của tình trạng này một phần do cơ quan chức năng thiếu các hình thức tuyên truyền về thiên tai, pháp luật. Bên cạnh đó, các chính sách cụ thể để người dân, trong đó có các DN chủ động tham gia vào công tác phòng chống thiên tai còn thiếu và bất cập.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho rằng, điều cần thiết mà người dân mong muốn ở đây là được bổ sung kiến thức, được cập nhật thông tin và được nâng cao nhận thức, kiến thức của mình trong lĩnh vực PCTT, qua đó tăng khả năng ứng phó cho cộng đồng và cho chính gia đình của họ.
Trên cơ sở thực tế từng địa phương, các cơ quan chức năng cần xác định từng loại hình thiên tai ở khu vực đó và đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời đẩy mạnh phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCTT cho từng nhóm cộng đồng. Bên cạnh đó, các địa phương cần đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tập huấn, diễn tập PCTT, hoạt động thông tin tuyên truyền tới từng bản làng, thôn xóm.
Thông qua đào tạo, tập huấn sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ bản chất rủi ro thiên tai, từ đó có sự chủ động, chuẩn bị tốt các biện pháp phòng tránh. Người dân chủ động có phương án giảm nhẹ rủi ro thiên tai cấp độ gia đình; có các biện pháp để tự khắc phục những thiệt hại có thể có nếu thiên tai xảy ra trong khả năng của hộ gia đình trước khi yêu cầu trợ giúp từ bên ngoài.
“Khi người dân có sự chủ động từ trong nhận thức sẽ có thái độ, hành vi tích cực hơn trong PCTT. Đây cũng là yếu tố gia tăng sức mạnh, phát huy hiệu quả của phương châm 4 tại chỗ trong PCTT” - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần