Hà Nội: Phát triển bền vững trục không gian quan trọng của Thủ đô

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sông Hồng có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với Thủ đô Hà Nội mà còn là cả vùng đồng bằng rộng lớn. Việc cần phải làm thế nào để khai thác sông Hồng là trục cảnh quan quan trọng nhưng đã mấy chục năm trôi qua hiện vẫn chưa có dự án thực sự lớn...

 Ngày 23/5, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Metropoli Ecosystems tại Việt Nam tổ chức toạ đàm khoa học “Gợi ý giải pháp phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050” với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Tham vấn các ý tưởng phát triển Thủ đô

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết, Thủ đô Hà Nội đang thực hiện nhiều nhiệm vụ để triển khai các Nghị quyết quan trọng của Bộ chính trị có liên quan đến Hà Nội. Trong đó, 3 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đang được triển khai cùng lúc là Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Điều chỉnh, bổ sung Luật Thủ đô. Đây chính là các văn kiện quan trọng, trả lời các câu hỏi Hà Nội cần làm gì, ở đâu, bao giờ và  xác định các giải pháp, hành lang pháp lý để triển khai cụ thể các nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới theo Nghị quyết 15-NQ/TW..

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng được TP giao, các cơ quan thường trực 3 nhiệm vụ trên thường xuyên tổ chức buổi tọa đàm khoa học nhằm kêu gọi các tổ chức, cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp các ý tưởng phát triển Thủ đô.

“Nội dung chính của tọa đàm hôm nay tập trung vào thảo luận các ý tưởng quy hoạch sông Hồng bởi đây được xác định là một trong năm trục phát triển quan trọng của Hà Nội giai đoạn tới. Ngoài ra, Viện cũng mong muốn tiếp thu các ý kiến trao đổi về các chính sách và sáng kiến phát triển Thủ đô trong bối cảnh liên kết vùng, đặc biệt quan tâm các lĩnh vực liên quan tới đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh, tăng trưởng xanh và liên kết đô thị nông thôn. Đây là những vấn đề thời đại, có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển Thủ đô, phục vụ cho việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050” -  ông Lê Ngọc Anh nhấn mạnh.

Khai thác tối đa điều kiện tự nhiên hiện có của sông Hồng

Tại toạ đàm, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đã nghe đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội giới thiệu về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP phê duyệt vào tháng 3/2022. Theo đó, định hướng quy hoạch, phân khu đô thị sông Hồng có chức năng chính là không gian thoát lũ. Đồng thời, đây cũng được quy hoạch là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô.

Bàn về tầm quan trọng của sông Hồng trong lịch sử phát triển Thủ đô, GS. TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô khẳng định, sông Hồng luôn là trục phát triển chủ đạo của Thăng Long - Hà Nội. Sông Hồng đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành và biến đổi của vùng châu thổ, cùng với toàn bộ diễn tiến lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa của nó, đặc biệt là khu vực Hà Nội – trung tâm của châu thổ.

Phối cảnh minh họa phân khu đô thị sông Hồng.
Phối cảnh minh họa phân khu đô thị sông Hồng.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính bày tỏ trăn trở, sông Hồng có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với Thủ đô Hà Nội mà còn là cả vùng đồng bằng rộng lớn.Việc cần phải làm thế nào để khai thác sông Hồng là trục cảnh quan quan trọng nhưng đã mấy chục năm trôi qua hiện vẫn chưa có dự án thực sự lớn để khai thác sông Hồng đúng với tiềm năng, quỹ đất hiện có.

Phó Viện trưởng phụ trách Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia, KTS Phạm Thị Nhâm cho rằng, từ trước đến nay, hướng phát triển của Thủ đô chủ yếu vẫn chỉ nằm ở phía nam sông Hồng trong khi từ năm 1992, TP Hà Nội đã đặt vấn đề phát triển đô thị hai bên bờ sông.

Đưa ra các gợi ý để phát triển không gian hai bên bờ sông một cách bền vững, KTS Phạm Thị Nhâm cho rằng phải tôn trọng tối đa tính thuận thiên, thuận theo các dòng chảy của sông Hồng, hạn chế bê tông hoá và không chất tải hạ tầng quá lớn hai bên bờ sông. Khu vực bãi sông cần tạo ra chuỗi các công viên vườn hoa lớn giữa lòng Thủ đô để người dân tiếp cận, các con đường ven sông phải là những con đường thân thiện cho người đi bộ, xe đạp…

Dẫn giải các kinh nghiệm phát triển nhiều đô thị trên thế giới, TS Alfonso Vegara - Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Metropoli Ecosystems, đơn vị nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển đô thị thông minh đưa ra các gợi ý, giải pháp về mô hình phát triển kim cương đối với sông Hồng cùng những vấn đề cần ưu tiên. Các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc trong nước cùng trao đổi, đi tới đồng thuận quan điểm phải phát triển, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên hiện có của sông Hồng.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh cho biết sẽ tiếp thu tối đa, chọn lọc các ý kiến đóng góp cùng các giải pháp, kiến nghị nêu ra tại toạ đàm vào quá trình Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Viện thực hiện.