Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phát triển Chương trình OCOP: Nâng chất lượng gắn với tiêu thụ sản phẩm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thành công của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu từ năm 2021 trở đi, trung bình mỗi năm sẽ có từ 400 sản phẩm trở lên được đánh giá, phân hạng và cấp sao. Dù vậy, để đạt được mục tiêu trên, vẫn còn rất nhiều việc cần làm.

Ba yếu tố mang lại thành công
Với 1.054 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp sao trong giai đoạn 2018 - 2020, Hà Nội là địa phương đi đầu của cả nước trong triển khai Chương trình OCOP. Điều vui mừng hơn là chương trình đã và đang tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, đón nhận được sự ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế.

Cụ thể đến nay, Chương trình OCOP của Hà Nội đã thu hút được sự tham gia, phát triển sản phẩm OCOP của 72 DN, 82 hợp tác xã và 101 hộ sản xuất - kinh doanh; qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hơn 5.000 lao động nông thôn.

Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình OCOP trong 3 năm qua, Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Có 3 yếu tố chính góp phần tạo nên thành công bước đầu của chương trình cho đến nay. Trước hết, công tác thông tin, tuyên truyền được Thành phố tổ chức sâu rộng; từ đó tạo sức lan tỏa, giúp chính quyền các cấp và mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các chủ thể hiểu được ý nghĩa của Chương trình OCOP và tích cực tham gia hưởng ứng.
 Sản phẩm OCOP được giới thiệu đến người dân tại hội chợ diễn ra ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ các cấp, chủ thể, DN, hợp tác xã… được quan tâm, chú trọng thực hiện là yếu tố thứ hai, giúp cho việc tổ chức triển khai Chương trình OCOP tại cơ sở ngày một bài bản, chuyên nghiệp, có hiệu quả. Và yếu tố quan trọng nhất chính là sự quan tâm, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đặc biệt là trong việc kết nối, giao thương, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm

Quá trình triển khai chương trình OCOP thời gian qua cho thấy, các địa phương rất tích cực trong việc nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm. Các chủ thể cũng đã ý thức được tầm quan trọng của việc tham gia chương trình đánh giá sản phẩm cấp quốc gia này. Đây được xem là tiền đề rất quan trọng để Hà Nội tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong 5 năm tới, Thành phố phấn đấu trung bình mỗi năm sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP. Cụ thể hóa mục tiêu trên, Thành phố sẽ ưu tiên nâng cấp các đặc sản vùng miền, làng nghề truyền thống, tiếp tục cải tiến, hoàn thiện bộ nhận diện để “nâng sao” cho các sản phẩm.

Song hành với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ giám sát chặt chẽ chất lượng của sản phẩm OCOP được cấp sao. Quán triệt chủ trương xuyên suốt là tuyệt đối không chạy theo phong trào trong phát triển chương trình, xây dựng niềm tin và hướng đến bảo vệ người tiêu dùng khi quyết định lựa chọn ủng hộ các sản phẩm OCOP.

Để chương trình OCOP đạt được thành công như mong đợi, bên cạnh việc nâng chất cho các sản phẩm, việc tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, hiện toàn Thành phố đã có 14 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 8 quận, huyện, thị xã. Trong năm 2021, đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp cùng các sở ngành, địa phương phát triển mới từ 30 - 40 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khác; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành trên cả nước.

Sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ

Thành công bước đầu của Chương trình OCOP tại Hà Nội là rất đáng khích lệ. Dù vậy, theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, khó khăn trong việc thực hiện chương trình này chưa phải đã hết.

Theo đánh giá, các hình thức tổ chức sản xuất hiện nay, nhất là ở khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố còn nhỏ lẻ, manh mún. Chất lượng sản phẩm nhìn chung không đồng đều. Nhiều chủ thể ít quan tâm đến việc cải tiến, nâng cấp bao bì, nhãn mác khiến sức hấp dẫn của các sản phẩm chưa cao…

Nhưng rào cản lớn hơn cả, theo ông Chí là những hạn chế về chính sách phát triển Chương trình OCOP. Đơn cử như hiện nay, Chính phủ chưa có quy định về mức hỗ trợ trực tiếp cho chủ thể có sản phẩm OCOP được cấp sao khiến nhiều tỉnh, thành (bao gồm cả Hà Nội) không thực hiện được cơ chế này. Hay như quy định mức chi đối với đơn vị tư vấn cho các chủ thể tham gia, thành viên hội đồng thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố cũng chưa được các cấp có thẩm quyền ban hành…

Để việc tổ chức thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả mong đợi, Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình theo hướng hỗ trợ đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm; quy định rõ mức thưởng, mức chi cho các nhóm đối tượng tham gia nhằm động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho các chủ thể, tập thể, cá nhân tích cực đóng góp cho sự phát triển của Chương trình OCOP.

Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP từ ngân sách T.Ư và địa phương.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT nghiên cứu, tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số phụ lục thuộc Quyết định số 1048/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

"Trong giai đoạn 2021 - 2025, các sở ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiêu thụ, tạo động lực phát triển cho Chương trình OCOP, mà còn giúp mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô những sản phẩm vùng miền tốt nhất, cũng như mang đặc sản, hình ảnh của Hà Nội đến được với người dân trong nước và quốc tế…" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến


"Muốn phát triển bền vững Chương trình OCOP trong giai đoạn tới, Hà Nội cũng như các tỉnh, TP cần tiếp tục tuân thủ quy luật đi từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp. Không thể ngay lập tức yêu cầu chủ thể phải làm ở quy mô lớn khi chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP. Đây là nhận thức rất quan trọng, bởi mấu chốt trong phát triển Chương trình OCOP là nâng cao thu nhập cho chủ thể tham gia…" - Cố vấn quốc gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - PGS.TS Trần Văn Ơn