Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội: Toàn diện và bền vững

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, sáng tạo, cùng bản lĩnh vượt khó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đã tiếp tục đưa TP phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội.

Những thành tựu đạt được không những khẳng định tầm vóc mới của Hà Nội là Thủ đô vươn tầm khu vực, mà còn góp phần tạo lập vị thế vững chắc của Việt Nam trên trường quốc tế.

Xứng đáng là trung tâm lớn về kinh tế

Dù phải chịu những biến động phức tạp của kinh tế quốc tế, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nôi vẫn luôn đạt mức khá. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%. Năm 2020, quy mô GRDP ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, khoảng 45 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.500 USD, gấp 1,3 lần so với năm 2015, gấp 1,8 lần bình quân cả nước. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn liên tục tăng và vượt dự toán; lũy kế giai đoạn 5 năm qua ước đạt gần 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1%/năm, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011 - 2015.
 Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao chứng nhận đầu tư cho các dự án tại Hội nghị ''Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển''. Ảnh Phạm Hùng 
Đặc biệt, trong khi thế giới đang vật lộn, chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều nơi có mức tăng trưởng âm hoặc tăng trưởng không đáng kể, Hà Nội vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh và duy trì được mức tăng trưởng. Kể cả vào những thời điểm khó khăn nhất khi làn sóng dịch bệnh đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam cũng như Hà Nội, TP vẫn giữ được mức tăng trưởng quý I/2020 là 4,43%. Lũy kế 9 tháng năm 2020 GRDP của Hà Nội tăng 3,27%, gấp 1,54 lần mức tăng của cả nước.

5 năm qua, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại. Tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng mạnh; khu vực nông nghiệp giảm còn 2,09%. Tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân đạt 7,12%/năm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 ước đạt 48,47 tỷ USD, tăng 1,34 lần so với năm 2015. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô được cải thiện rõ rệt.

Điểm sáng trong nhiệm kỳ vừa qua của TP Hà Nội là công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và xúc tiến đầu tư. Sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập, liên tiếp trong 2 năm 2018 và 2019, Hà Nội đứng đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Thông qua Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” các năm 2016, 2017, 2018, vốn đầu tư thu hút năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song TP đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 17,6 tỷ USD. Tổng số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với “Hội nghị xúc tiến đầu tư” năm 2016.

Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Để đạt được những thành quả đó, Hà Nội đã thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được xác định là điểm đột phá của TP Hà Nội giai đoạn 5 năm qua. TP đã chỉ đạo quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN khi đăng ký DN; nâng dần tỷ lệ từ 56% năm 2016 đến 100% đăng ký kinh doanh qua mạng trong năm 2017 - 2018. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng bậc liên tiếp, năm 2019 nằm trong top 10 tỉnh, TP cao nhất nước, xếp thứ 9/63, tăng 15 bậc so với năm 2015.

Nhờ vậy, DN đăng ký thành lập mới trong giai đoạn 2016 - 2019 đã có sự tăng đáng kể về số lượng và vốn đăng ký, với 99.503 DN đăng ký thành lập, tăng 24% so với tổng số DN đăng ký, với số vốn đăng ký là 1,225 triệu tỷ đồng, tăng 118% so với tổng số vốn đăng ký giai đoạn trước. TP cũng tích cực tiến hành rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 261 TTHC; là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, ước đạt 100%. Qua đó, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) năm 2018 xếp thứ 2 cả nước, tăng 7 bậc so với 2015.

Ngay khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Thành ủy đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 31 về thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống có hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô, vừa duy trì và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Với phương pháp chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng sâu sát, “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND các cấp từ TP đến cơ sở cũng được tăng cường.

Ngoài ra, TP đẩy mạnh cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, mở rộng các DVCTT mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và DN.

Diện mạo đô thị văn minh, hiện đại

Cùng với những con số ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế, công tác phát triển đô thị, nông thôn; phát triển văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, khoa học... TP tiếp tục quan tâm phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Đến năm 2020, diện tích đất đô thị dành cho giao thông, tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng của TP đều tăng, ước đạt lần lượt là 10,05% và 20,05%.

Một “Hà Nội xanh” đang dần được hình thành khi TP đã hoàn thành Chương trình một triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600.000 cây. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới; các tuyến phố được chỉnh trang, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. TP cũng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, làm thay đổi diện mạo kiến trúc Thủ đô; từng bước phát triển vùng đô thị khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Một số dự án tiêu biểu như: Tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Keangnam 72 tầng; Khu đô thị Ciputra; Khu đô thị Tây Hồ Tây; Trung tâm thương mại, khách sạn Lotte 65 tầng, Trung tâm thương mại Aeon mall; Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Nhà máy nước mặt sông Đuống…

Với tổng mức vốn huy động đầu tư hàng năm trên 8.000 tỷ đồng, diện mạo nông thôn Thủ đô đã “thay da đổi thịt” từng ngày. Đến cuối năm 2020, Hà Nội là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước, với 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành mục tiêu trước 2 năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần so với năm 2016. Đáng chú ý, bằng nhiều giải pháp thiết thực như huy động nguồn lực tài chính hay xây dựng, sửa chữa mới nhà ở cho đối tượng chính sách và hộ nghèo, TP đã cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm.

Hình ảnh một Hà Nội hội nhập và năng động, đang vươn mình thay đổi mạnh mẽ từng ngày, từng giờ không chỉ được người dân Thủ đô và cả nước ghi nhận mà còn gây ấn tượng với bạn bè quốc tế.

Khắc phục khó khăn, xây dựng Thủ đô phát triển bền vững

Bên cạnh hình ảnh một Thủ đô rạng rỡ với sức sống mới, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, sức chống chịu khá tốt với tác động các cú sốc bên ngoài và đại dịch Covid-19 nhưng nhìn chung chưa tạo được các đột phá lớn và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của TP. Chất lượng một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý dân cư, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông vẫn còn hạn chế. Hạ tầng phục vụ giao thông công cộng và kết nối liên vùng còn khó khăn. Công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ. Điều đó dẫn tới tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường còn nhiều vấn đề đặt ra.

Xác định được những khó khăn, thách thức đó, trong giai đoạn 2021 – 2025, TP Hà Nội đưa ra 14 nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025. Trong đó, xây dựng Đảng bộ TP có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.100 - 8.300 USD.

Trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội XVII Đảng bộ TP, Hà Nội đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 – 2025 từ 7,5 - 8,0%. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Dịch vụ 65 - 65,5%, công nghiệp và xây dựng 22,5 - 23%, nông, lâm nghiệp và thủy sản 1,4 - 1,6%; GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn của TP cuối nhiệm kỳ dưới 0,5%; tỷ lệ đô thị hóa từ 60 - 62%; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới cấp TP; tỷ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 100%; tỷ lệ và tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đạt trên 75%...