Hà Nội: Phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lợi ích từ các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung của Hà Nội đã được khẳng định về chất lượng nông sản cũng như hiệu quả kinh tế. Để phát triển bền vững vùng sản xuất, TP đang ưu tiên các nguồn lực cho quy hoạch bài bản và đầu tư xứng tầm.

Hiệu quả kinh tế rõ rệt

Cùng với dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp Thủ đô xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; giúp nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện sản xuất chuyên canh, nâng cao thu nhập. Trong đó, hầu hết địa phương trên địa bàn TP đều tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp với lợi thế của địa phương.

Mô hình trồng nấm hữu cơ tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn
Mô hình trồng nấm hữu cơ tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn

Đáng chú ý, tại các huyện xa trung tâm còn nhiều khó khăn như: Sóc Sơn Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ba Vì... cũng đã nỗ lực chuyển đổi, hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Đơn cử như tại huyện Sóc Sơn, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, địa phương đã chuyển đổi được hơn 528ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các vùng chuyên canh tập trung.

Cụ thể: Vùng trồng rau hữu cơ - rau an toàn VietGAP, rau công nghệ cao với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Thanh Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh…; vùng trồng cây ăn quả với quy mô từ 5ha trở lên tại các xã: Phú Cường, Phú Minh, Nam Sơn…; vùng trồng cây dược liệu, thảo dược với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Bắc Sơn, Minh Trí, Xuân Giang…

Sản xuất hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Trọng Tùng
Sản xuất hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: Trọng Tùng

Hay tại huyện Thanh Oai, tận dụng lợi thế ven đô, địa phương đã và đang tập trung huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện đang duy trì, phát huy thế mạnh của vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung hơn 3.000ha, vùng trồng cây ăn quả 300ha, vùng rau an toàn 100ha.

Đồng thời, phát triển các chuỗi liên kết: Chuỗi thực phẩm an toàn A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước), chuỗi gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng), chuỗi trứng vịt Liên Châu (xã Liên Châu). Đặc biệt là hỗ trợ nhân rộng các mô hình trồng hoa lan nhân cấy mô, hoa lan hồ điệp, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện Hà Nội đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Trong đó, chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao hơn 15.600ha, cây ăn quả gần 7.400ha, rau an toàn gần 3.000ha, chăn nuôi xa khu dân cư hơn 700ha, nuôi trồng thủy sản hơn 6.900ha.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, trên địa bàn TP đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao cho thu nhập tăng 25 - 30% so với sản xuất lúa truyền thống; vùng sản xuất rau an toàn đạt từ 400 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả đạt 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/ năm; vùng trồng hoa, cây cảnh đạt 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư đạt 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm...

Chú trọng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng

Đánh giá về phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn TP, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định, mặc dù đạt được kết quả nhất định, song quá trình xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn ở Hà Nội còn không ít khó khăn, vướng mắc nội tại cần sớm được tháo gỡ.

Đó là: Sản xuất nông nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết; cơ sở hạ tầng (điện, đường giao thông, thủy lợi…) phục vụ sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho nông sản thiếu chuyên nghiệp, vẫn “mạnh ai nấy làm”...

Vùng trồng bưởi xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Ánh 
Vùng trồng bưởi xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Ánh 

Vì vậy, trong định hướng phát triển, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đây là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh nhu cầu về các mặt hàng nông sản chất lượng cao ngày càng lớn, đặc biệt là ở thị trường Hà Nội và xuất khẩu.

Cũng theo ông Chu Phú Mỹ, thời gian tới, Hà Nội sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa đã hình thành theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ "đầu ra" cho sản phẩm. Cụ thể, đối với cây ăn quả sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây chủ lực (bưởi, chuối, bưởi, nhãn…) quy mô hơn 20.000ha; rau màu hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh hơn 9.000ha.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tập trung phát triển chăn nuôi tại các vùng trọng điểm theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; chuyển đổi các vùng đất trũng, thấp sang mô hình lúa - cá (diện tích nuôi tập trung khoảng 11.500ha với các loại đặc sản như: Trắm đen, cá lăng, điêu hồng, tôm càng xanh…)

 

TP sẽ tiếp tục bố trí tăng nguồn ngân sách để thực hiện các chương trình, đề án, dự án của ngành nông nghiệp Thủ đô; xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh, lồng ghép trong các chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

 

Thực hiện mục tiêu trên, năm 2022, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá để bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch liên quan đến sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, đây là cơ sở quan trọng để các địa phương kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từ đó đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ngoài ra, thông qua quy hoạch, ngành nông nghiệp cùng các địa phương phải định hướng cho nông dân sản xuất theo vùng tập trung, trên cơ sở lợi thế địa phương về thổ nhưỡng, khí hậu, sản phẩm đặc trưng.

Đọc tiếp