Ngày 8/7, Hội LHPN Hà Nội tổ chức hội thảo “Phát triển thương mại điện tử cho phụ nữ khởi nghiệp”, ký kết Hỗ trợ tiếp cận thương mại điện tử và kinh doanh online giữa các trang thương mại và DN.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương cho biết, phụ nữ Thủ đô chiếm trên 50% dân số, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi gia đình và cộng đồng. Phụ nữ chiếm tỷ lệ lao động lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực phụ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm 26,7%; nữ chủ hộ kinh doanh chiếm 67%.
Thời gian qua, các cấp uỷ, Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy vai trò của mình trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Vì vậy, trên cơ sở đề xuất của Hội LHPN Hà Nội, ngày 18/4/2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1901/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp do Hội LHPN TP Hà Nội chủ trì, thực hiện.
Hơn 4 năm qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ 2.560 phụ nữ khởi nghiệp, kết nối; hỗ trợ hàng nghìn phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh do nữ làm chủ đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ. Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm qua các kênh trực tiếp, trực tuyến. Từ đó, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ đã vượt qua mọi khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ổn định sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022, các cấp Hội đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, tạo được nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp xây dựng cho ngân sách Thủ đô.
“Hội thảo hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cho phụ nữ khởi nghiệp nhằm tiếp tục hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay. Tại đây, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ, tư vấn cho chị em về ứng dụng nền tảng thương mại điện tử trong kinh doanh. Đồng thời, tiếp cận cho các chị em về ứng dụng nền tảng thương mại điện tử trong kinh doanh, tiếp cận với những ứng dụng thông minh từ nền tảng google, qua đó, có thể ứng dụng vào thực tế để thúc đẩy các giao dịch thương mại có hiệu quả cao, tăng doanh số, sớm phục hồi phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn” – bà Thiên Hương cho biết.
Thông qua hội thảo, các nữ doanh nhân đã tận dụng cơ hội để trao đổi, đề xuất mong muốn và phát triển thương mại điện tử để được chuyên gia tư vấn, hướng dẫn, kết nối hỗ trợ tiếp cận với thương mại điện tử một cách thuận lợi và hiệu quả nhất.
Chia sẻ tại hội thảo, chuyên gia Nguyễn Văn Chính - Giám đốc Công ty cổ phần Icheck cho biết, hiện nay, số người sử dụng điện thoại rất phổ biến, có đến 67,72% dân số đã sử dụng internet, 100% các nhóm trong độ tuổi lao động và đang đi học sử dụng mạng xã hội. Các ngành nhiều người mua trên sàn thương mại điện tử gồm: thời trang (72%), điện thoại (35%)… Động lực mua sắm online thường là thuận tiện, khách hàng nắm được thời gian, đa dạng hoá lựa chọn thương hiệu. Các hình ảnh trên sàn thương mại điện tử đều rõ ràng, đầy đủ, có sự đánh giá trực tiếp từ khách hàng khiến động lực mua hàng online của người dân nhiều hơn. Một số ngành hàng đang bán tốt trên sàn Lazada là đồ điện, mẹ và bé, sản phẩm gia đình, chăm sóc sức khoẻ; ở sàn Shopee là đồ gia dụng, mẹ và bé, thời trang…. Việc nhận biết các sàn giao dịch với sức mua sắm của khách hàng giúp cho các DN lựa chọn được một đơn vị tốt nhấ, phù hợp với mặt hàng đang bán.
“Tăng trưởng của ngành hàng truyền thống từ 2020-2025 chỉ trung bình từ 9-13%; ngành hàng online là 25-43%. Thị trường thương mại điện tử đang tăng trưởng rất mạnh. Do đó, việc lựa chọn tham gia thị trường thương mại điện tử là rất đúng, đây là xu thế không nên bỏ qua. Khi tham gia thương mại điện tử, các DN cần quan tâm đến sàn giao dịch mà mình tham gia, mặt hàng đang bán để các hộ kinh doanh có cơ hội tiếp cận kinh doanh online và thương mại điện tử, gia tăng khách hàng và doanh số” – ông Chính chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Hảo - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển phụ nữ Hà Nội, hiện tại, đa số các chị em đều là kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh truyền thống. Thương mại điện tử là sàn giao dịch trên công nghệ, người mua, sử dụng nền tảng internet để kết nối nhà sản xuất. Người sản xuất có cơ hội thông qua kênh truyền thông để phát triển DN. Khách hàng ở bất cứ đâu có thể mua được sản phẩm. Thói quen tiêu dùng dần dần thay đổi bằng cách không ra ngoài nắng, đến chợ với ô nhiễm môi trường, với ứng dụng chuỗi, không có sản phẩm, nhà máy, công xưởng mà vẫn kết nối cơ hội cho nhà sản xuất, nhà kinh doanh tìm khách hàng và mua sắm.
“Ở Việt Nam đang khá an toàn trong môi trường kinh doanh thương mại điện tử. Chị em phụ nữ cũng cần phải lựa chọn sản phẩm và sàn đồng hành hợp pháp, không mang tính chất lừa đảo, kêu gọi đa cấp thì mới an toàn, đồng thời, có kỹ năng bán hàng trên mạng xã hội” – bà Hảo nhấn mạnh.