Sáng 6/7, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra và thảo luận tại hội trường, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết, tán thành thông qua 2 nghị quyết về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp TP; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội.
Theo đó, HĐND TP phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 43 dự án.
Trước đó, trình bày tờ trình, Giám đốc Sở KH&ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, UBND TP Hà Nội đề xuất thông qua chủ trương đầu tư 47 dự án. Trong đó, 40 dự án quyết định chủ trương đầu tư, 7 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư. (Trong số này có 1 dự án thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng sẽ được xem xét riêng theo quy định về bí mật nhà nước).
Các dự án UBND TP trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại kỳ họp này là những dự án được sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Quốc hội và Chính phủ thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng kỹ thuật, giao thông ( 25 dự án), văn hóa – giáo dục – thể thao (10 dự án), đê điều – thủy lợi ( 11 dự án).
Tuy nhiên, qua thẩm tra và xem xét 2 báo cáo bổ sung của UBND TP, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đề nghị đại biểu HĐND TP chưa xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 3 dự án, do chưa đảm bảo yêu cầu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể: Dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất; Dự án xây dựng, hoàn chỉnh, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, khu công nghiệp Dương Xá A, huyện Gia Lâm (giai đoạn 2); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường theo quy hoạch từ đường quy hoạch 24,5m Yên Viên đến đường quy hoạch Yên Viên - Đình Xuyên - Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm.
Đối với Dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng đường 70 (đoạn từ Trịnh Văn Bô đến hết địa phận quận Nam Từ Liêm), qua thẩm tra, Ban Đô thị HĐND TP cũng thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư. Tuy nhiên, tại thời điểm này chưa thuyết minh được sự phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đến năm 2025 của ngân sách thành phố nên đề nghị UBND TP rà soát, nghiên cứu, tính toán, đề xuất nguồn vốn để đảm bảo tính khả thi, sớm trình HĐND TP tại kỳ họp sau.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP cũng nhận định, tiến độ triển khai các dự án đầu tư công chậm, tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp (cả với kế hoạch vốn năm 2022 và kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài), nhiều đơn vị, lĩnh vực chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp dưới 10%. Công tác triển khai thủ tục đầu tư các dự án rất chậm. Việc chậm giải ngân và thủ tục triển khai chậm đã được UBND TP phân tích đánh giá với 4 nhóm tồn tại và nguyên nhân chủ yếu.
Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, hiện nay số vốn chưa phân bổ chi tiết còn lớn, hơn 3.200 tỷ đồng, bằng khoảng 6,2% kế hoạch vốn của cả năm. Đồng thời, nguồn vốn bổ sung từ tăng thu và kết dư ngân sách năm 2021 của thành phố cũng chưa được xem xét đề xuất phương án sử dụng. Việc chậm phân bổ và sử dụng các nguồn vốn này của thành phố là chưa quán triệt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để triển khai Chương trình hành động thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023.
Vì thế, đại biểu HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận huyện sớm rà soát các nhiệm vụ, đẩy nhanh thủ tục để phân bổ nguồn vốn này và thực hiện giải ngân hoàn thành kế hoạch đề ra…