70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội phổ biến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đến các cơ quan, đơn vị

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 12/3, Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội chủ trì hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được ấn định vào ngày Chủ nhật (23/5/2021). Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và Thủ đô, được tổ chức vào thời điểm kế thừa 35 năm đổi mới, đất nước và Thủ đô đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trong giai đoạn 2016 - 2020 với những dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhất là dịch bệnh Covid-19.

Đây là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội khóa XV, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại HĐND TP, quận, huyện, thị xã và xã, thị trấn, cơ quan quyền lực nhà nước trên địa bàn TP trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Năm 2021, Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Do đó tại phường của TP Hà Nội sẽ không tổ chức bầu đại biểu HĐND phường nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là điểm khác biệt trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2021-2026 so với các cuộc bầu cử trước đây.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đề nghị các lãnh đạo quán triệt để cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn Hà Nội nắm được đầy đủ, nội dung về điển khác biệt này để thông tin tới cán bộ, công chức, và người dân trên địa bàn Thủ đô được biết để tạo sự đồng thuận trong xã hội trong quá trình triển khai thực hiện cuộc bầu cử trên địa bàn TP.

“Ngay sau hội nghị, các đồng chí lãnh đạo vận dụng vào thực tế công tác, tiếp tục thực hiện tuyên truyền sâu rộng Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả trước, trong, sau cuộc bầu cử theo đúng tinh thần chỉ đạo tại các văn bản của Trung ương và TP đã ban hành.

Quang cảnh hội nghị 

Tiếp đó, hội nghị đã được nghe Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Phương Thủy phổ biến, quán triệt một số nội dung cơ bản Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Phương Thủy, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND gồm 10 chương với 98 điều.

Trong đó, Chương I: Những quy định chung (gồm 6 điều, từ Điều 1 đến Điều 6) quy định về các nguyên tắc bầu cử; tuổi ứng cử và tuổi bầu cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử, ngày bầu cử và kinh phí tổ chức bầu cử.

Chương II: Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu (gồm 5 điều, từ Điều 7 đến Điều 11) quy định về dự kiến và phân bổ số lượng, cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; đơn vị bầu cử, khu vực bỏ phiếu.

Chương III: Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương (gồm 17 điều) chia làm 2 mục: Mục 1: Hội đồng bầu cử quốc gia (từ Điều 12 đến Điều 20); Mục 2: Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương (từ Điều 21 đến Điều 28).

Chương IV: Danh sách cử tri (gồm 6 điều, từ Điều 29 đến Điều 34) quy định về nguyên tắc lập danh sách cử tri; những trường hợp không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri; thẩm quyền lập danh sách cử tri; việc niêm yết danh sách cử tri; khiếu nại về danh sách cử tri và việc bỏ phiếu nơi khác.

Chương V: Ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (gồm 27 điều, từ Điều 35 đến Điều 61).

Chương VI: Tuyên truyền, vận động bầu cử (gồm 7 điều, từ Điều 62 đến Điều 68) quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử trong phạm vi cả nước; nguyên tắc vận động bầu cử; thời gian tiến hành vận động bầu cử; những hành vi bị cấm khi vận động bầu cử; các hình thức vận động bầu cử; về các hội nghị tiếp xúc cử tri; về việc vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Chương VII: Nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu (gồm 4 điều, từ Điều 69 đến Điều 72) quy định về nguyên tắc bỏ phiếu; thông báo về thời gian bầu cử, nơi bỏ phiếu; thời gian bỏ phiếu và việc bỏ phiếu sớm, hoãn ngày bỏ phiếu.

Chương VIII: Kết quả bầu cử (gồm 16 điều, từ Điều 73 đến Điều 88) chia thành 4 mục: Mục 1 về việc kiểm phiếu; Mục 2 về kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử; Mục 3 về việc bầu cử thêm, bầu cử lại; Mục 4 về việc tổng kết cuộc bầu cử.

Chương IX: Bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (gồm 6 điều, từ Điều 89 đến Điều 94) quy định về việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tổ chức phụ trách bầu cử bổ sung; danh sách cử tri trong bầu cử bổ sung; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung; trình tự bầu cử và xác định kết quả trong bầu cử bổ sung và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử bổ sung.

Chương X: Xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử  và điều khoản thi hành (gồm 4 điều, từ Điều 95 đến Điều 98) quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử; về quy định chuyển tiếp; hiệu lực thi hành và việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.