Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: phong trào thanh niên gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội TP Hà Nội về vị trí, vai trò thanh niên được nâng lên.

Hoạt động của Đoàn Thanh niên các cấp có nhiều tiến bộ và đổi mới theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị của TP, địa phương, đơn vị…

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư Phạm Tất Thắng và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích trong thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW.

Hơn 2 triệu lượt cán bộ trẻ được đào tạo về lý luận chính trị

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành uỷ Vũ Hà, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ tập trung dân cư lớn với khoảng 8,5 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc, trong đó có khoảng gần 3 triệu thanh niên (từ 16-30 tuổi), chiếm khoảng 35% dân số TP.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Ban Chấp hành T.Ư (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá” và chương trình hành động của Thành ủy, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội TP về vị trí, vai trò thanh niên và công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế được nâng lên.

Cụ thể, trong 15 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo tổ chức Đoàn các cấp tổ chức hơn 14.300 buổi học tập, quán triệt, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, góp phần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho thanh niên Thủ đô.

 

Từ năm 2008 - 2023, tổ chức Đoàn các cấp đã tổ chức được hơn 1.500 phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 2,5 triệu người và tạo cơ hội cho hơn 375.000 lao động trẻ có việc làm. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%.

Ngoài ra, TP luôn quan tâm chú trọng công tác giáo dục và đào tạo, coi đó là một trong những ưu tiên hàng đầu của định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay trên địa bàn TP mạng lưới trường, lớp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT đạt 2.256 trường công lập và 553 trường ngoài công lập; đào tạo gần 2,2 triệu học sinh. Trên địa bàn TP hiện có 97 trường đại học, học viện và 33 trường cao đẳng (chiếm 1/3 số trường và 40% tổng số sinh viên cả nước) với trên 700.000 sinh viên đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, đến nay toàn TP có tỷ lệ trường công lập chuẩn quốc gia chiếm 63,1%, đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân Thủ đô.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục, đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên trong những năm qua luôn được các cấp ủy, chính quyền TP quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả tuyển sinh đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP cũng liên tục tăng lên, từ 176.086 lượt người năm 2013 lên 252.286 lượt người năm 2023 (tăng 43,27% trên cả giai đoạn). Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Từ năm 2008 - 2023, đã tổ chức được hơn 1.500 phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 2,5 triệu người, tạo cơ hội cho hơn 375.000 lao động trẻ có việc làm.

Trong 15 năm, đã đào tạo, bồi dưỡng trên 2 triệu lượt cán bộ trẻ về lý luận chính trị, đào tạo sau đại học. Hàng năm, TP tổ chức tuyên dương Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP. Theo đó, có trên 2.067 Thủ khoa được vinh danh và tuyển dụng khoảng 200 thủ khoa về công tác tại TP. Từ năm 2008-2023, toàn Đoàn đã giới thiệu cho Đảng hơn 105.000 đoàn viên ưu tú, trong đó có hơn 77.000 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng…

Tuổi trẻ quận Bắc Từ Liêm triển khai Đội hình “Hỗ trợ cài đặt, sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử” .
Tuổi trẻ quận Bắc Từ Liêm triển khai Đội hình “Hỗ trợ cài đặt, sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử” .

Tạo điều kiện để thanh niên học tập, cống hiến, trưởng thành

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho biết, trong những năm qua, việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của tổ chức Đoàn Thanh niên TP đã bám sát các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong nghị quyết.

Các cấp bộ Đoàn Thủ đô đã tổ chức 14.327 buổi học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Đoàn, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới nhiều hình thức; 14.978 buổi gặp mặt truyền thống, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, các hành trình về nguồn, đến các “địa chỉ đỏ”, hành trình “Theo dấu chân Bác”. Thành đoàn Hà Nội triển khai nhiều đợt thi đua cao điểm trong các dịp kỷ niệm, sự kiện chính trị quan trọng của Thủ đô và đất nước.

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của thanh niên Thủ đô góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, dưới giác độ của tổ chức Đoàn, Bí thư Thành đoàn Hà Nội đề nghị trong giai đoạn mới, các cấp, các ngành cùng tổ chức Đoàn và toàn xã hội cần tiếp tục đặt niềm tin ở thanh niên. Quan tâm hơn nữa đối với công tác thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường lành mạnh để thanh niên được học tập, lao động, cống hiến và trưởng thành. Đồng thời, tạo điều kiện để người trẻ được phát triển toàn diện, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

 

Tháng 3/2022, TP ra mắt Mạng lưới Câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Thủ đô HUB Network. Dự kiến mỗi năm xây dựng và vận hành ít nhất 1 không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô cấp TP; 20 không gian cấp cơ sở trong giai đoạn 2022-2025.

Trong khi đó, đề xuất thêm giải pháp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong cho rằng, cần phải quan tâm đến đầu tư cho giáo dục và xây dựng các thiết chế văn hóa để thanh niên có điều kiện học tập, nâng cao đời sống tinh thần.

Để xây dựng và phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của thanh niên Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm thực chất và toàn diện đối với công tác thanh niên, trong đó chú trọng quy hoạch các thiết chế văn hóa, thể thao dành cho thanh niên.

Ngoài ra, các cấp chính quyền cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về thanh niên trên cơ sở Luật Thanh niên, Chương trình phát triển về thanh niên của TP. Đối với các cấp đoàn, tiếp tục tham mưu với cấp ủy để tổ chức các phong trào thanh niên mang hơi thở thời đại, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...