Hà Nội: Phụ huynh ấm lòng vì chính sách học phí năm học 2021- 2022

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Một trong những nỗi lo thường trực của phụ huynh vào đầu năm học mới là các khoản phí phải đóng góp để đảm bảo cho con được học tập. Năm nay, với chính sách không tăng học phí, hỗ trợ 50% học phí và giãn thời gian đóng học đối với hơn 2 triệu học sinh các cấp của TP Hà Nội đã khiến các bậc phụ huynh thấy nhẹ nhõm và ấm lòng.

Phụ huynh bớt lo
Với hình thức học trực tuyến, từ đầu năm học đến giờ, thông tin trao đổi giữa thầy cô và phụ huynh hầu hết xoay quanh chương trình, nội dung học tập mà chưa nhắc đến các khoản phí phải đóng. Ngoài ra, thông tin năm nay không những không tăng học phí mà còn được hỗ trợ 50% học phí trong cả năm đã giảm áp lực rất lớn về tài chính cho các bậc phụ huynh, nhất là với những hộ có 2 con trở lên đang độ tuổi đến trường.
“Năm nay kinh tế khó khăn, vợ chồng em mất việc gần 4 tháng, lo nhất là lúc con đi học không biết phải xoay xở thế nào để đóng góp đầy đủ. Thật may mắn, từ đầu năm đến giờ trường chưa triển khai đóng góp gì cả. Con học tại nhà nên tiền ăn uống, xe đưa đón, phí bán trú… không phải đóng; như vậy là đã giảm được khá nhiều chi phí…”- phụ huynh Ngô Thị Hà, trú tại huyện Đông Anh, có con học bậc tiểu học chia sẻ.
 Việc không tăng học phí, giảm 50% học phí và giãn thời gian đóng học năm học 2021- 2022 làm giảm áp lực cho nhiều gia đình
Theo cô Phạm Thị Hương- Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Đông La (huyện Hoài Đức): “Năm học này, trường mới triển khai thu Bảo hiểm y tế theo quy định chứ chưa triển khai bất cứ khoản đóng góp nào khác. Hiện tại, nhà trường tập trung vào nâng cao chất lượng dạy và học online cho giáo viên, học sinh; những vấn đề còn lại sẽ triển khai sau”.
Tương tự, khi được hỏi về các khoản thu đầu năm, Hiệu trưởng các trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân), trường THPT Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), đều cho rằng trường chưa thực hiện thu học phí năm học 2021-2022 mà chỉ phổ biến về khoản thu Bảo hiểm y tế bởi đây là khoản phải nộp đúng thời gian quy định. Giữ ổn định nền nếp và chất lượng học online; quan tâm rà soát thiết bị của học sinh nghèo… là những vấn đề trường triển khai trong giai đoạn này; các khoản phí nhà trường sẽ chờ chỉ đạo cấp trên và tiến hành sau khi họp phụ huynh đầu năm.  
Với trường ngoài công lập, học phí và các khoản đóng góp được tiến hành trên cơ sở thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Do triển khai dạy trực tuyến trong khoảng đầu tháng 8/2021, các trường chủ động đề xuất giảm mức đóng học phí trực tuyến, xin ý kiến, thống nhất với cha mẹ học sinh; trong đó học phí thu phổ biến ở mức 75% so với học trực tiếp và thống nhất nguyên tắc “không tăng học phí trong năm học 2021-2022”.
Thấu hiểu và chia sẻ
Việc giãn thời gian thu phí đầu năm học cùng việc thống nhất chủ trương giảm 50% học phí cho hơn 2 triệu học sinh trên địa bàn TP Hà Nội là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia của TP với những khó khăn mà người lao động, phụ huynh học sinh đang phải đối mặt.
“Nếu thông báo đóng học từ đầu tháng 9, quả thật em phải đi vay mượn vì có 2 con đi học mà nhà không còn tiền sau thời gian dài em mất việc vì dịch bệnh. Hà Nội nới lỏng giãn cách, hiện em đã được đi làm, sẽ có thu nhập nên thời gian tới khi nhà trường có thông báo đóng góp các khoản phí, em sẽ có tiền để lo ăn học cho con. Việc được giảm 50% học phí trong giai đoạn này mang lại niềm vui lớn cho những phụ huynh lao động tự do như chúng em”- chị Ngô Thị Ngọc, trú tại quận Long Biên bày tỏ.
 Sự quan tâm của các cấp, các ngành đã tiếp thêm niềm tin cho nhiều phụ huynh học sinh, đặc biệt là với gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Còn chị Nguyễn Thu Huyền (quận Đống Đa) bộc bạch: “Con tôi học trường mẫu giáo chất lượng cao trên địa bàn quận với mức học phí 4,2 triệu đồng/tháng. Theo lộ trình, mức học phí sẽ tăng hàng năm. Thật may mắn, trong giai đoạn khó khăn này, TP đã quyết định giữ nguyên mức trần học phí như năm trước. Điều này làm giảm nhiều áp lực cho gia đình tôi”.
Về vấn đề tổ chức thu tiền của các nhà trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, bên cạnh các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định, các nhà trường cần huy động các nguồn lực để có các chính sách hỗ trợ thêm cho học sinh.
Đây cũng là hoạt động thường xuyên được các trường trên địa bàn TP thực hiện. Đầu năm học mới, trường THCS Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ đã trao tặng 30 suất quà cho 30 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Với những em gia đình không có khả năng đóng học phí, nhà trường cũng xem xét miễn học phí để đảm bảo quyền lợi học tập cho các em. Trong dịp tết Trung thu, hoạt động thăm hỏi, tặng quà với đối tượng học sinh nghèo cũng được các trường phối hợp đại diện cha mẹ học sinh tích cực triển khai. Và đặc biệt, chương trình “Sóng và máy tính cho em” được ngành Giáo dục Hà Nội cùng các đơn vị quận, huyện, thị xã đã và đang tích cực đẩy mạnh trở thành món quà, lời động viên ý nghĩa với học sinh khó khăn để các em tự tin, vươn lên trong cuộc sống và để cha mẹ, gia đình các em thấy được sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, của toàn xã hội đến công tác giáo dục.
Không tăng học phí và hỗ trợ 50% học phí năm học 2021 - 2022
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập, THPT của TP; Nghị quyết quy định mức trần học phí với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao năm 2021-2022 và Nghị quyết quy định cơ chế hỗ trợ học phí cho trẻ em học mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, học phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông và mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao năm học 2021-2022 giữ nguyên như năm học 2020-2021.
HĐND TP cũng thông qua đề xuất của UBND TP về mức hỗ trợ hàng tháng bằng 50% mức thu học phí đã được HĐND TP quy định đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tương ứng với từng vùng, từng cấp học và hình thức học thực tế của tháng. Thời gian hỗ trợ theo thời gian học thực tế (trực tiếp, trực tuyến), tối đa không quá 9 tháng/năm học 2021-2022.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần