Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Phương án quản lý vật dụng của thí sinh trong kỳ thi lớp 10

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chỉ còn 2 ngày nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022- 2023 tại Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Nhằm thể hiện quyết tâm của ngành GD&ĐT Thủ đô trong việc tổ chức kỳ thi thành công, sáng 15/6, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Hướng dẫn công tác coi thi.

Tăng cường vai trò của giám thị

Tham gia hội nghị có đầy đủ các hiệu trưởng THPT, trưởng phòng GD&ĐT 30 quận, huyện, thị xã, 203 trưởng điểm thi, 203 phó trưởng điểm phụ trách cơ sở vật chất, 234 cán bộ hỗ trợ kỹ thuật. Đây là hệ thống nhân sự góp phần quan trọng trong công tác coi thi và tổ chức thi.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2022, Hà Nội có 106. 609 thí sinh đăng ký dự thi với 4.550 phòng ở 203 điểm thi. Số cán bộ trực tiếp tham gia coi thi là khoảng 14.000 người; số cán bộ tham gia phục vụ, bảo vệ Điểm thi là khoảng 3.000 người; số cán bộ tham gia chấm thi là khoảng 2.500 người. Do kỳ thi có quy mô lớn nên đề nghị các thầy cô giáo, trưởng, phó điểm thi, cán bộ coi thi… phải nắm rõ các nội dung công việc của mình để thực hiện xuyên suốt, thống nhất, có trọng tâm, hoàn thành mọi nhiệm vụ; từ đó đảm bảo kỳ thi diễn ra minh bạch, khách quan, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ coi thi do Sở GD&ĐT tổ chức có sự tham gia của các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng trường  THPT, trưởng điểm, phó trưởng điểm thiTHPT,
Hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ coi thi - kỳ thi vào lớp 10 có sự tham gia của các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng trường THPT, trưởng điểm, phó trưởng điểm thi

Trong nghiệp vụ coi thi, Sở GD&ĐT lưu ý 4 nội dung quan trọng gồm: Các văn bản hướng dẫn, công tác chuẩn bị, công tác coi thi và công tác báo cáo; trong đó có đề cập đến trách nhiệm của cán bộ coi thi. Cụ thể: Cán bộ coi thi phải có mặt đúng giờ, không mang phương tiện thu/phát, không làm việc riêng, hút thuốc…trong khi thực hiện nhiệm vụ coi thi; không để thí sinh mang vào phòng thi: tài liệu, vật dụng cấm theo quy định Điều 14 Quy chế thi…; bình tĩnh xử lý nếu xảy ra tình huống bất thường, không làm ảnh hưởng đến thời gian làm bài của thí sinh… Các nhiệm vụ của bộ phận giám sát thi, trật tự viên, công an, y tế… cũng được quy định rõ.

Hội nghị được nghe đại diện PA03- Công an TP Hà Nội nhắc lại các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống gian lận thi cử trong mùa thi. Là thành viên trong Ban chỉ đạo thi, Công an TP đã xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn kỳ thi và huy động gần 1.000 cán bộ chiến sỹ tham gia công tác thi tại điểm thi và thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa, tuần tra kiểm soát, PCCC, kiểm tra an ninh… tại các điểm thi.

Nhấn mạnh về việc nhiều thiết bị tinh vi, hiện đại có thể được mang vào phòng thi như camera siêu nhỏ gắn vào khẩu trang, cúc áo, đồng hồ, kính, dây lưng,…, đại diện PA03, Công an TP đề nghị giám thị phòng thi tăng cường giám sát, quan sát nhất là sau khi phát đề thi nhằm phát hiện bất thường để tiến hành báo cáo, xử lý.

Một điểm mới được áp dụng năm nay, đó là vật dụng không được phép mang vào phòng thi của thí sinh phải đặt cách phòng thi tối thiểu 25m. Nội dung này cần được cán bộ giám thị, giáo viên phổ biến kỹ để học sinh, phụ huynh nắm được; đồng thời động viên, khuyến khích thí sinh không nên mang vật dụng không được phép đến điểm thi, nhất là ĐTDĐ. Tại mỗi điểm thi, tùy điều kiện vụ thể có thể bố trí thùng tôn, thùng giấy, móc treo, túi nilong.. có dán tem, đánh dấu, ghi tên… của từng thí sinh để hạn chế hiện tượng thất lạc đồ của sau mỗi buổi thi.

Gợi ý được Sở GD&ĐT đưa ra là: Trường hợp không bố trí được nhân lực trông đồ của thí sinh,  các trường mua mỗi phòng thi 1 thùng carton, ghi rõ số phòng, thí sinh để toàn bộ tư trang vào đó, dán kín và mang ra cách xa phòng thi 25m. 

100% điểm thi đảm bảo điều kiện

Liên quan đến việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, trước đó Thanh tra Sở GD&ĐT đã thành lập 16 tổ đi kiểm tra tại 203 điểm thi; cơ bản ghi nhận các điểm thi đều tổ chức, sắp xếp, chuẩn bị phòng thi và các điều kiện bám sát quy định; tuy nhiên cũng có một số điểm thi còn hạn chế như chưa đủ bàn ghế phục vụ thi, chưa có điện thoại loa ngoài, chưa có máy phát điện dự phòng, máy phô tô hoặc phòng xuống cấp…. Sau khi được yêu cầu bổ sung, hoàn thiện, hiện 100% điểm thi đã sẵn sàng về cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi.

Nhiều nội dung trong nghiệp vụ coi thi yêu cầu cán bộ coi thi phải nắm vững quy chế
Nhiều nội dung trong nghiệp vụ coi thi yêu cầu cán bộ coi thi phải nắm vững quy chế

Công tác thanh tra coi thi là vấn đề rất quan trọng của kỳ thi. Năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội huy động gần 700 cán bộ làm công tác, đảm bảo các điểm thi đều có cán bộ thanh tra giám sát theo hướng dẫn thanh tra thi của Bộ và số lượng cán bộ thanh tra tại một điểm thi tùy thuộc vào số phòng thi tại điểm.

Tại Hội nghị, một số trưởng điểm và phó trưởng điểm thi đưa ra thắc mắc về việc: Thí sinh có phải đeo khẩu trang không? Phòng thi có được bật điều hòa không? Làm thế nào để nhận biết thí sinh có mang thiết bị khi đeo khẩu trang kín mít…. Những vấn đề này đều được giải đáp thỏa đáng, thông rõ để các điểm thi thực hiện thống nhất, xuyên suốt.

Kết luận tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, mục tiêu của TP là tổ chức kỳ thi thành công ở mức cao nhất, đảm bảo an toàn, minh bạch, chất lượng. Hiện công tác ra đề đang được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo tính bảo mật cao.

Giám đốc Sở yêu cầu các trưởng điểm thi triển khai quán triệt các nội dung quy chế, quy định tới các cán bộ, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi; Phòng chống dịch Covid- 19 đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên, thí sinh…

Với các phòng GD&ĐT, cần tham mưu cho BCĐ địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ về tổ chức kỳ thi. Với Hiệu trưởng các trường THPT cần chuẩn bị nhân sự tham gia coi thi, chấm thi; tổ chức học tập quy chế thi cho toàn thể cán bộ giáo viên nhân viên; phối hợp với các phòng và trường THCS để chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo. 

Trưởng điểm thi xây dựng kế hoạch coi thi, phân công nhiệm vụ rõ người rõ việc; tổ chức công tác coi thi; học tập quy chế thi tới toàn bộ cán bộ coi thi, kiểm soát các tình huống phát sinh, báo cáo đầy đủ, xử lý chủ động, linh hoạt nhưng phải theo đúng quy chế.