Hà Nội: phường Tây Hồ quyết liệt phòng, chống dịch sốt xuất huyết
Kinhtedothi- Với phương châm “phòng là chính, xử lý kịp thời”, phường Tây Hồ đã tăng cường truyền thông, xử lý triệt để ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi tại 100% điểm nguy cơ cao. Nhờ sự vào cuộc của chính quyền, ngành y tế và tổ dân phố, người dân đã nâng cao nhận thức và chủ động phối hợp trong phòng chống dịch.
Tính đến ngày 28/7/2025, phường Tây Hồ đã ghi nhận 35 ca mắc sốt xuất huyết với 4 ổ dịch được ghi nhận từ đầu năm, trong đó có 3 ổ dịch mới phát sinh từ đầu tháng 7. Hiện còn 2 ổ dịch đang hoạt động tại tổ 12, ngõ 445 Lạc Long Quân và tổ 2, tổ 4, ngõ 23 Xuân La.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trạm Y tế phường Tây Hồ đã chủ động tham mưu UBND phường kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo quyết liệt các biện pháp xử lý ổ dịch. Đến nay, toàn phường đã kiện toàn 1.017 đội xung kích diệt bọ gậy và mạng lưới cộng tác viên với 2.034 thành viên; 67 tổ giám sát gồm 134 đội viên thuộc lực lượng vệ sinh môi trường – diệt bọ gậy.
Các hoạt động truyền thông được tổ chức dưới nhiều hình thức: qua hệ thống loa truyền thanh phường, phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân trong các đợt vệ sinh môi trường, truyền thông qua nhóm Zalo tổ dân phố… Đồng thời, phường đã tổ chức 21 chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại 100% điểm nguy cơ cao như trường học, khu đất trống, đình, đền, chùa…
Việc xử lý ổ dịch được triển khai nghiêm túc theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng một số khó khăn vẫn tồn tại. Tình trạng người dân không khai báo khi mắc bệnh, một số cơ sở điều trị không nhập dữ liệu lên phần mềm quản lý theo Thông tư 54, hay việc chủ quan trong phòng bệnh khiến một số ổ dịch vẫn còn phát sinh ca bệnh mới. Dù chỉ số côn trùng tại các ổ dịch đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn vượt ngưỡng an toàn (theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, một số nơi chỉ số BI=8; có nơi BI=25). Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường – diệt bọ gậy và phun hóa chất tại khu vực ổ dịch đạt 90%.

Các cán bộ y tế cùng người dân tổ dân phố số 2 phường Tây Hồ đang kiểm tra từng chậu cây để loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng.
Trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, Trạm Y tế và các tổ dân phố đóng vai trò quan trọng. Ông Trần Bá Viêm, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 2, phường Tây Hồ cho biết: khi phát hiện trên địa bàn có các ca bệnh sốt xuất huyết, một số hộ dân khi cán bộ đi phun thuốc phòng dịch có tỏ vẻ không thoải mái. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ phường, Trạm Y tế và tổ dân phố vận động, tuyên truyền, tận tình chia sẻ thông tin và hướng dẫn kỹ năng phòng, chống sốt xuất huyết, các hộ gia đình đã dần nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Từ đó, bà con chủ động phối hợp, mong muốn được phun thuốc diệt muỗi đồng đều, triển khai vệ sinh khu vực theo hướng dẫn nhằm giảm thiểu nguy cơ phát sinh ổ dịch mới.
Trạm Y tế phường Tây Hồ cảnh báo, người dân cần chủ động phòng, chống sốt xuất huyết bằng cách: thường xuyên kiểm tra, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng – nơi muỗi vằn sinh sản; đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt; thả cá vào các bể nước, chum vại; lật úp các vật dụng không dùng đến; mặc quần áo dài tay, ngủ màn kể cả ban ngày; không tự ý điều trị tại nhà nếu có triệu chứng nghi ngờ sốt xuất huyết mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị đúng cách. Khi phát hiện có người mắc bệnh trong khu vực, cần lập tức thông báo cho Trạm Y tế để được xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Trạm Y tế phường Tây Hồ đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng để khoanh vùng, xử lý triệt để, đồng thời tăng cường giám sát cộng đồng nhằm phát hiện sớm các ca mắc mới, không để dịch lây lan diện rộng.
Trong thời gian tới, UBND phường Tây Hồ chỉ đạo tiếp tục tổ chức vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các bãi đất trống, khu nhà trọ, công trình xây dựng, nhà không có người ở. Các lực lượng sẽ tiếp tục giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng và xử lý kịp thời. Công tác tuyên truyền sẽ được tăng cường bằng nhiều hình thức như dùng loa di động, treo băng rôn cảnh báo tại khu vực có ổ dịch, vận động người dân chủ động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, báo ngay cho Trạm Y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.
Tính đến thời điểm hiện tại, phường Tây Hồ chưa ghi nhận trường hợp tử vong do dịch bệnh. Đây là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền, ngành y tế và các ban ngành, đoàn thể tại địa phương. Tuy nhiên, để kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, sự hợp tác chặt chẽ và ý thức chủ động của mỗi người dân vẫn là yếu tố then chốt.

Dịch sốt xuất huyết vào mùa: Kiểm soát sớm để tránh quá tải muộn
Kinhtedothi - Dịch sốt xuất huyết đang bước vào mùa cao điểm. Số ca mắc đang có xu hướng tăng, do bắt đầu bước vào các tháng cao điểm. Tuy nhiên, ngành y tế khẳng định, dịch vẫn trong tầm kiểm soát nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống.

Không để dịch sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn Thủ đô
Kinhtedothi - Ngày 24/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà – Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP chủ trì hội nghị giao ban công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP.

Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết
Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 116/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.