Hà Nội: Quan tâm nhận diện để tìm giải pháp đổi mới toàn diện Giáo dục

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021- 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022- 2023 của ngành GD&ĐT Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã nhấn mạnh nhiều vấn đề ngành Giáo dục Hà Nội cần nhìn thẳng, nhìn thật; đồng thời chỉ ra các khâu phải thực hiện.

Vì sao Hà Nội đứng thứ 25 tại kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, năm học 2021- 2022 là năm học rất đặc biệt, và với riêng Hà Nội- là Thủ đô, là trung tâm đầu não của cả nước với quy mô hơn 10 triệu dân, gần 140.000 cán bộ nhà giáo và trên 2,2 triệu học sinh nên năm học qua còn đặc biệt hơn nhiều.

“Đóng góp của ngành GD&ĐT cho sự phát triển chung của Thủ đô trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 là rất quan trọng, khẳng định sự nỗ lực, tinh thần chủ động, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên từ cấp TP đến cơ sở, của phụ huynh, học sinh trên địa bàn toàn TP”- Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Đóng góp của ngành GD&ĐT cho sự phát triển chung của Thủ đô là rất quan trọng
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong: Đóng góp của ngành GD&ĐT cho sự phát triển chung của Thủ đô là rất quan trọng

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, ngành Giáo dục nói chung, trong đó có Giáo dục Hà Nội nói riêng đã bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục như: Tư vấn tâm lý học đường cho học sinh còn bỏ ngỏ, mối quan hệ gia đình- nhà trường- xã hội tại một số nơi còn chưa thực sự được quan tâm, điều kiện cơ sở vật chất của các nhà trường vẫn nhiều thiếu thốn…

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn cũng đặt ra cho  Hà Nội nhiều trăn trở. “Báo cáo của ngành cho thấy, giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì nhưng cũng cần nhìn nhận lại. Bên cạnh đó, cần xem giáo dục toàn diện đã thực sự ổn chưa? Môn Toán và tiếng Anh thuộc tốp đầu nhưng các môn khác (như Sinh học), Hà Nội đang đứng thứ bao nhiêu của cả nước? Vì sao nhiều năm liền, Hà Nội vẫn loanh quanh vị trí 25 cả nước về thứ hạng điểm thi tốt nghiệp THPT? Tuy không quan trọng việc xếp hạng nhưng ngành GD&ĐT Hà Nội cần bình tĩnh để xem xét, lý giải nguyên nhân của vấn đề này bởi bên cạnh nhiều nguyên nhân khách quan, còn có các nguyên nhân chủ quan khác.

“Tôi đã từng làm việc với một số huyện và khi hỏi về thứ hạng giáo dục của huyện, bí thư, chủ tịch không biết huyện mình đứng thứ bao nhiêu. Và các huyện đó chỉ đứng vị trí cuối TP. Tôi cũng đặt vấn đề: Vậy lãnh huyện có nghị quyết, đề án, kế hoạch cụ thể gì để cải thiện vị trí giáo dục, giúp nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương mình không? Câu trả lời nhận về là “không”. Đây là một trong nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến thứ hạng chưa tốt trên…”- Phó Bí thư Nguyễn Văn Phong dẫn chứng.

Hà Nội sẵn sàng là nơi thí điểm chính sách, mô hình mới về giáo dục

Thí sinh Hà Nội tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022
Thí sinh Hà Nội tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết ĐH Đảng XIII, Nghị quyết ĐH Đảng bộ TP lần thứ XVII, mới đây nhất là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị nêu rất rõ: Đất nước ta đang bước vào giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng (trong đó hội nhập GD&ĐT) và xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu cả nước. Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi, vì vậy phải vươn ra để  so sánh với các Thủ đô trong khu vực và thế giới- những nơi có quy mô dân số tương đồng. Giáo dục Hà Nội cần nhận diện và tiến hành tổng rà soát để đánh giá thực chất về mình, từ cơ sở vật chất, mạng lưới trường học, chất lượng đội ngũ, đặc biệt là đánh giá về tình hình dân cư… để có đề án, kế hoạch, phương thức quản lý, bộ máy vận hành tương ứng, đặc biệt khi Hà Nội đã có quyết định hạn mức đầu tư trung hạn với số vốn 21.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết: Hà Nội là TP sáng tạo, là TP duy nhất Việt Nam tham gia vào mạng lưới sáng tạo UNESCO, đòi hỏi phải có công dân sáng tạo. Để có lớp công dân này, nhà trường đóng vai trò quyết định, do đó, phải quan tâm hơn đến giáo dục sáng tạo trong nhà trường, coi đây là nền tảng để hội nhập quốc tế; cần đưa giáo dục sáng tạo vào các trường phổ thông, ĐH, CĐ của Hà Nội để tạo sự riêng biệt giữa Hà Nội và các TP khác. Bên cạnh đó, cần khéo léo lồng ghép giáo dục lịch sử, văn hóa ở từng địa phương vào chương trình môn học để nâng cao giáo dục truyền thống cho học sinh.

Nhìn trực diện ngành GD&ĐT, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng, giáo dục Hà Nội nên tập trung vào 3 nhóm việc: Thứ nhất, với vai trò, vị thế của mình, Giáo dục Hà Nội phải tiên phong, đột phá về hợp tác quốc tế, trong đó phải có cạnh tranh về giáo dục, quan tâm tạo điều kiện cho các chương trình hợp tác quốc tế giáo dục và Hà Nội sẵn sàng là nơi thí điểm về chính sách, mô hình mới.

Thứ hai, cần mạnh dạn tham mưu đề xuất cách thức, cơ chế, chính sách, cơ chế quản lý mới về giáo dục để tạo điều kiện cho các nhà trường phát triển.

Thứ ba, tiếp tục quan tâm đến giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục đại trà bởi Hà Nội có có vùng xa trung tâm, có đồng bào dân tộc, có xã đảo với hơn 10 triệu dân, quy mô giáo dục lớn nên chất lượng giáo dục còn chênh nhau nhiều.

Phó Bí thư Nguyễn Văn Phong nêu kế hoạch: Sau khai giảng năm học mới, Hà Nội sẽ có kế hoạch làm việc và đánh giá thẳng thắn đối với từng quận, huyện về công tác giáo dục để xem cái gì quận, huyện đã làm được, cái gì chưa được, cái gì cần khắc phục. Đây là cơ hội đổi mới cho giáo dục từng địa phương, là dịp nhận diện, có giải pháp giúp phát triển đồng đều, toàn diện và đổi mới giáo dục; qua đó bí thư, chủ tịch các quận, huyện phải nắm được công tác GD&ĐT ở địa phương vì mình ngành giáo dục thì không thể giải quyết được.

“Mong Giáo dục Thủ đô phải là nền giáo dục thực sự sáng tạo, thực chất, hạn chế thấp nhất bệnh thành tích; công tác kiểm định, đánh giá trong giáo dục được tiến hành thực chất, thầy cô có trách nhiệm trong nâng cao chất lượng bài giảng, học sinh có ý thức tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo… để giáo dục Hà Nội bền vững, thực sự tiêu biểu cho Giáo dục cả nước”- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.