70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội quy định 5 nơi công cộng người dân không được vào nếu không đeo khẩu trang

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tại Hà Nội, 5 nơi công cộng gồm: Bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; nếu ai không có khẩu trang thì sẽ không được vào.

Chiều 11/11, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội giao ban dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Trưởng ban chỉ đạo. Dự phiên họp còn có TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện về y tế công cộng Việt Nam.
 Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Qúy phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. 
Người dân qua chốt kiểm soát là bỏ khẩu trang
Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tuần qua, 5 đoàn kiểm tra của TP đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các quận, huyện: Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Mỹ Đức. Qua kiểm tra thực tế cho thấy còn nhiều người dân vẫn chủ quan với dịch bệnh, đặc biệt là không thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng như ở các khu chung cư và khu chợ.
“Các khu tập thể thao công cộng hầu như người dân không đeo khẩu trang, không có ai quản lý kiểm tra. Trách nhiệm của Ban quản lý các chợ, chung cư, bến xe cần phải kiểm tra, xử lý nghiêm việc bắt buộc đeo khẩu trang. Các quận huyện, xã phường báo cáo các số liệu là từ giai đoạn trước cần cập nhật, đôn đốc nhắc nhở việc xử phạt nghiêm các vi phạm” – Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền, Trưởng Đoàn kiểm tra số 1 cho biết.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, Trưởng Đoàn kiểm tra số 2 phản ánh, ở phố đi bộ ở quận Hoàn Kiếm, thời điểm kiểm tra đột xuất vào Chủ Nhật vừa qua, người dân hầu hết đều có khẩu trang nhưng khi đi qua chốt kiểm soát của lực lượng chức năng thì lại bỏ ra. “Khi được hỏi thì ai cũng có lý do là cần nói chuyện, hoặc tháo khẩu trang để ăn uống. Đây là việc cần phải giám sát chặt chẽ hơn nếu không người dân sẽ không thực hiện nghiêm túc. Các đơn vị cần tăng cường truyền thông về việc từ 1/11 nếu không đeo khẩu trang sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng” - bà Hà nói.
 Toàn cảnh phiên họp. 
Nêu rõ tinh thần ở trung tâm thương mại, siêu thị, nhất định ai không đeo khẩu trang thì không được vào Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan cho biết, tháng 11 là tháng khuyến mại của Hà Nội nên người dân đi mua sắm rất đông. Sở đã chỉ đạo từ chợ đến các trung tâm thương mại, siêu thị phải bố trí người đo thân nhiệt, nhắc nhở người đeo khẩu trang. Trung tâm thương mại, siêu thị thực hiện tương đối nghiêm túc. “Các chợ thì chưa quyết liệt. Các quận huyện cần nhắc nhở để thực hiện nghiêm túc đưa vào nền nếp việc đeo khẩu trang” - bà Lan đề xuất.
Báo cáo tình hình thực tế ở các chợ, đại diện huyện Gia Lâm cho biết chỉ có khoảng 10% người dân đeo khẩu trang. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhắc nhở: “Phải bố trí người đứng ở ngay cổng chợ, ai không đeo khẩu trang thì nhất định không cho vào”.
Đeo khẩu trang vẫn là biện pháp phòng dịch cần được thực hiện quyết liệt nhất
Phát biểu tại phiên họp, TS Trần Đắc Phu đánh giá cao việc Hà Nội vẫn quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang. Qua mấy đợt dịch, các biện pháp mà Việt Nam, Hà Nội đã thực hiện là đúng đắn. TS Trần Đắc Phu đề xuất các bệnh viện, thỉnh thoảng ở TP cần lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở các khoa có bệnh nhân nặng để chủ động đề phòng ngừa. Bởi ông cho rằng, mặc dù hiện nay hàng trăm hãng trên thế giới đang sản xuất vaccine và đang thử nghiệm. Tuy nhiên câu hỏi về việc vaccine ấy miễn dịch kéo dài được bao lâu thì vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, giá vaccine và việc nhập khẩu vào Việt Nam còn khó khăn. Tại Việt Nam, có 4 nơi đặt vấn đề sản xuất vaccine. Có đơn vị đã thử nghiệm trên chuột, chuẩn bị xin thử nghiệm trên người; đơn vị khác đang thử nghiệm trên khỉ…cho nên cuối năm 2021, đầu năm 2022 may ra mới có vaccine…“Quan trọng nhất hiện nay vẫn là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, theo khuyến cáo “5k” của Bộ Y tế mà trong đó quan trọng nhất vẫn là đeo khẩu trang” - ông Phu nói rõ.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhắc nhở, việc đeo khẩu trang cơ bản có chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của TP là 100% người dân thực hiện.
Khẳng định công tác phòng dịch tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện thường xuyên, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, nhất là việc bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng; quản lý chặt chẽ các khu cách ly, các trường hợp nhập cảnh trái phép. TP và các quận huyện tiếp tục quyết liệt kiểm tra chuyên đề đeo khẩu trang trong tuần tới.
Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị 5 nơi là: Bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ phải bố trí người kiểm soát chặt chẽ. Ai không có khẩu trang không cho vào, bố trí điểm bán khẩu trang ngay ở cửa.
Chênh lệch giá xét nghiệm Covid-19 giữa cơ sở công và tư nhân
Về phản ánh của các quận huyện về việc chênh lệch giá xét nghiệm giữa các cơ sở công lập (734 nghìn đồng) và tư nhân (1,2 triệu đồng), Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt cho biết, hiện, giá xét nghiệm Covid-19 tại CDC Hà Nội là 734.000 đồng/mẫu theo quy định của Bộ Y tế. Đây chỉ là mức tạm thu, trong đó, chưa tính các chi phí về vận chuyển, mẫu vật tư tiêu hao… CDC cũng đã làm việc và sẵn sàng phối hợp với các Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; khách sạn làm khu cách ly tập trung và các khu cách ly của quân đội trong công tác lấy mẫu xét nghiệm theo đúng quy định.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý giao CDC Hà Nội thực hiện xét nghiệm ở tất cả các khu cách ly (cả ở các khách sạn) với mức giá 734 nghìn đồng/mẫu. Người dân nào có nhu cầu xét nghiệm ở các cơ sở tư nhân bên ngoài thì phải chấp nhận với mức giá 1,2 triệu…