Hà Nội: Quy định thang điểm ưu tiên khi mua nhà xã hôi

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh quy định tiêu chí thang 10 điểm ưu tiên, UBND TP Hà Nội cũng quy định các điều khoản, trách nhiệm cụ thể đối với chủ đầu tư, chính quyền địa phương... nhằm thắt chặt việc quản lý thuê, mua nhà ở xã hội đúng đối tượng.

Tại Quyết định 25/2019/QĐ-UBND vừa được UBND TP Hà Nội ban hành và có hiệu lực từ ngày 15/11/2019, quy định cụ thể về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TP.
Theo đó, UBND TP Hà Nội quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Cụ thể, đối với nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, việc xét duyệt được thực hiện theo quy định tại Thông tư 19/2016/TT-BXD (các Khoản 1, 2 Điều 16) ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Luật Nhà ở và Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
 TP Hà Nội sẽ thắt chặt việc quản lý thuê, mua nhà ở xã hội đúng đối tượng.
Đối với nhà ở xã hội không thuộc sở hữu nhà nước, việc xét duyệt được thực hiện theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP (các Khoản 1, 2 Điều 23) về phát triển và quản lý nhà ở xã hội ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được hưởng các tiêu chí chấm điểm khác nhau, chỉ tính theo tiêu chí ưu tiên có thang điểm cao nhất. Chỉ thực hiện chấm điểm ưu tiên theo quy định tại Khoản 2 Điều này khi các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân đầu người trong hộ khẩu dưới 10m2/người).
Đặc biệt, UBND TP cũng quy định rõ tiêu chí thang 10 điểm ưu tiên. Trong đó, người được khen thưởng Huân chương cao quý của Nhà nước, thân nhân liệt sĩ, Công dân Thủ đô ưu tú đạt thang điểm cao nhất (10 điểm); Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Nhân dân, vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt Huy chương vàng hoặc giải Nhất tại các cuộc thi khu vực hoặc thế giới, công nhân có tay nghề bậc cao nhất của ngành được xét 8 điểm; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội được xét 6 điểm; người được nhận Bằng khen của UBND TP, danh hiệu "Người tốt, việc tốt"... được xét 2 điểm.
Tại Quyết định này, UBND TP cũng quy định các điều khoản, trách nhiệm cụ thể đối với chủ đầu tư, chính quyền địa phương... trong việc giám sát, chuyển nhượng, trả lại, thu hồi nhà ở xã hội.
Đồng thời, UBND TP quyết định thành lập Hội đồng xét duyệt nhà ở xã hội TP. Trong đó, Giám đốc Sở Xây dựng là Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phó Giám đốc Sở Xây dựng. Các ủy viên Hội đồng gồm: Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Liên đoàn Lao động TP, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hội đồng có nhiệm vụ xét duyệt đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thành lập Tổ chuyên viên liên ngành giúp việc để tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
Đáng chú ý, nhằm thắt chặt quản lý việc bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đúng đối tượng, UBND TP quy định, sau khi ký hợp đồng theo quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập đầy đủ danh sách các hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng tại dự án, có dán ảnh các thành viên trong hộ gia đình. Đồng thời, UBND TP ban hành quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, đơn vị quản lý vận hành, công an theo dõi địa bàn về nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng... để tổ chức kiểm tra, theo dõi và xử lý vi phạm theo quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần