Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Quỹ Phòng chống thiên tai được quản lý, sử dụng thế nào?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Nghị định số 78/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT), Hà Nội đã tập trung triển khai nghiêm túc, tiến hành thu, chi theo đúng quy định.

 Thu 227 tỷ đồng, đứng thứ 5 cả nước 

Quỹ PCTT được UBND TP Hà Nội thành lập năm 2016,  Sở NN&PTNT Hà Nội là đơn vị được giao quản lý quỹ, có chức năng tiếp nhận, quản lý kinh phí đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Những năm qua, nguồn quỹ đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác PCTT trên địa bàn TP. Hàng năm, UBND TP đều có quyết định triển khai đến từng quận, huyện, thị xã, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... Tính đến tháng 4/2023, tổng số tiền Quỹ PCTT mà Hà Nội thu được là gần 227 tỷ đồng. Đáng chú ý, kinh phí quỹ thu được tăng dần qua các năm.

Hệ thống đê kè tại Hà Nội được nâng cấp ngày một kiên cố. Ảnh: Trọng Tùng.
Hệ thống đê kè tại Hà Nội được nâng cấp ngày một kiên cố. Ảnh: Trọng Tùng.

Song song với việc thu, nộp Quỹ PCTT, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện việc chi quỹ cho các hoạt động được quy định tại Quyết định số 2024/QĐ-UBND của UBND TP. Đến nay, Quỹ đã chi gần 6,6 tỷ đồng cho công tác ứng phó chủ động, khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và PCTT (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tiến cho biết, trên bình diện cả nước, tính đến tháng 4/2023, đã có 62/63 tỉnh, TP thực hiện việc thu quỹ PCTT. Tổng kinh phí đã thu được từ các địa phương tổng hợp là hơn 5.231 tỷ đồng. Hiện, chỉ còn tỉnh Quảng Bình chưa thu Quỹ PCTT.

“Với gần 227 tỷ đồng Quỹ PCTT thu được, Hà Nội là địa phương đứng thứ 5 của cả nước về tổng nguồn thu cho quỹ. Top 4 địa phương đứng đầu là: TP Hồ Chí Minh (gần 631 tỷ đồng), Đồng Nai (hơn 287,5 tỷ đồng), Bắc Ninh (gần 326,5 tỷ đồng), Bình Dương (khoảng 247,2 tỷ đồng)…” - ông Nguyễn Văn Tiến thông tin thêm.

Hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV

Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội Nguyễn Duy Du, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ PCTT, mới đây UBND TP Hà Nội đã kiện toàn tổ chức và hoạt động của quỹ. Theo đó, quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phòng chống thiên tai mà ngân sách Nhà nước chưa đầu tư, hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.

Một tuyến kè ven sông Hồng đoạn qua thị xã Sơn Tây đã được kiên cố hoá.
Một tuyến kè ven sông Hồng đoạn qua thị xã Sơn Tây đã được kiên cố hoá.

Từ năm 2023, Quỹ PCTT được quy định là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Quỹ hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Dù có quy chế tổ chức, hoạt động chi tiết, cụ thể, tuy nhiên, theo đại diện Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội, việc quản lý và thu, chi tài chính thời gian tới sẽ có những khó khăn nhất định, đặc biệt là trong việc sử dụng Quỹ PCTT. Do đó, Ban kiến nghị Trung ương cần sớm hoàn thiện hướng dẫn cụ thể hoạt động của Quỹ theo mô hình doanh nghiệp để Hà Nội và các địa phương dễ dàng triển khai trong thực tiễn. 

“Quỹ PCTT Hà Nội sẽ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính; thực hiện chế độ báo cáo, kế toán theo quy định của pháp luật hiện hành; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…” - ông Nguyễn Duy Du cho biết thêm.

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở NN&PTNT thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động, kết quả hoạt động, cũng như nhiệm vụ báo cáo tình hình thực hiện Quỹ PCTT theo quy định tại Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ PCTT; đồng thời chịu trách nhiệm trong quá trình tổ chức triển khai thu, chi Quỹ.

 

Theo Quyết định số 622/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ Phòng, chống thiên tai gồm: Hội đồng quản lý, ban kiểm soát và cơ quan quản lý quỹ. Trong đó, Hội đồng quản lý quỹ có 5 thành viên, với Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phụ trách lĩnh vực phòng, chống thiên tai.