Mở ra không gian phát triển, liên kết vùng
Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội ban hành tháng 6/2022 đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Đồng thời, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới, giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại. Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km, bao gồm: 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long. Đoạn trên địa bàn Hà Nội khoảng 58,2km, đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km và đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.
Dự án gồm 7 dự án thành phần, với 3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng (Hà Nội 23.524 tỷ đồng, Hưng Yên 1.505 tỷ đồng, Bắc Ninh: 3.164 tỷ đồng); vốn BOT 29.447 tỷ đồng. Thời gian chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Xác định tầm quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Dự án (gồm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh), Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề nghị các địa phương thể hiện sự quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, tập trung, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành T.Ư trong triển khai dự án. Tổ chức thực hiện nhanh, hiệu quả từng nội dung có liên quan đến địa phương mình, đảm bảo tiến độ chung của toàn bộ dự án.
Đối với TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô có ý nghĩa rất lớn, mở ra không gian phát triển và động lực để đẩy mạnh liên kết vùng trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội của các địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, TP đề ra.
Tính đến 10/2/2023, trên địa bàn TP Hà Nội đã phê duyệt phương án với diện tích 236,26ha; diện tích đất đã bàn giao mặt bằng 213,02ha (đạt tỉ lệ 26,69%); chi trả bồi thường, hỗ trợ GPMB 1.779,39 tỷ đồng; kiểm đếm 8.958/11.687 ngôi mộ; phê duyệt phương án hỗ trợ di chuyển 6.678 ngôi; di chuyển và hoàn thành chi trả tiền đối với 5.218 ngôi (đạt tỉ lệ 44,65%)…
Giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ "trọng điểm của trọng điểm"
Để triển khai Dự án, TP Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã ký cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư cho Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, 3 địa phương đã thống nhất xác định phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30/6/2023 để phục vụ khởi công Dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.
Trong các cuộc họp giữa các địa phương, tại Hà Nội và qua các cuộc kiểm tra thực địa, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác GPMB, tái định cư luôn là điểm mấu chốt trong việc triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt với dự án có khối lượng lớn và có nhiều điểm đặc thù như đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; công tác GPMB, tái định cư là chìa khóa quyết định sự thành công của dự án.
Từ đó, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các cấp, ngành và từng quận, huyện liên quan phải xác định rõ, triển khai Dự án đường Vành đai 4 là nhiệm vụ “trung tâm của trung tâm” và thực hiện công tác GMPB là nhiệm vụ “trọng điểm của trọng điểm”. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, tập trung thực hiện với phương châm “không bàn lùi, chỉ bàn tiến”.
Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm công tác dân vận trong GPMB thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội giữa Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội và Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên diễn ra ngày 17/2, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, tất cả các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ GPMB đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đều được phê duyệt tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ. Đến nay cơ bản không có đơn thư khiếu nại, tố cáo…
Cụ thể hoá chỉ đạo đó, Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13/9/2022 về công tác GPMB của Dự án đường Vành đai 4. Đây là lần đầu tiên có Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác GMPB nhằm gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị của TP và cấp quận, huyện cùng vào cuộc để đạt mục tiêu đặt ra.
Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy nêu rõ: Chỉ đạo phải thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB, bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của dự án. Vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, quyết định thu hồi đất.
Công tác tuyên truyền được xác định là trọng tâm trong GMPB, các quận, huyện, nơi có Dự án đi qua cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về cơ chế, chính sách trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…