Phát biểu tại "Hội nghị đánh giá kết quả các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PCI, PGI của TP Hà Nội và các giải pháp nâng cao các Chỉ số" diễn ra sáng nay, 29/8, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long thay mặt Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đánh giá cao TP đã đạt được những kết quả rất tích cực trong công tác CCHC, được minh chứng bằng kết quả tăng trưởng tích cực của Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính.
Tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế liên quan trực tiếp doanh nghiệp
Đánh giá cao việc Hà Nội tổ chức hội nghị để phân tích rõ những kết quả và hạn chế trong chỉ số thành phần chưa đạt, cũng như các dư địa để TP có thể làm tốt hơn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, CCHC là công việc thường xuyên liên tục, có những chỉ số vẫn đang thực hiện thường xuyên, làm tốt, nhưng nếu không đổi mới, kịp thời bám sát chỉ đạo để có giải pháp hiệu quả… có thể năm sau, những chỉ số đó sẽ đạt thấp. Có thể trong giai đoạn trước, những chỉ tiêu dễ đạt được thì đã làm hết rồi, sang giai đoạn sau không còn dư địa để đẩy mạnh, nên có những chỉ tiêu không đạt.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, TP Hà Nội tiếp tục có chỉ đạo điều hành xây dựng những kế hoạch bảo đảm theo sát các chỉ đạo, yêu cầu của T.Ư để đặt ra nhiệm vụ, phát huy lợi thế của các sở, ngành, quận, huyện, từ đó đóng góp chung vào kết quả CCHC của TP.
Để Hà Nội thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ CCHC, phục vụ tốt hơn cho người dân, DN, góp phần phát triển KT-XH, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị TP Hà Nội, trước tiên cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành- yếu tố rất quan trọng trong CCHC.
Theo Thứ trưởng, Ban chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số và phía dưới là các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục đề cao vai trò người đứng đầu, quan tâm công tác CCHC song song với có phương pháp lãnh đạo chỉ đạo hiệu quả. Các đơn vị chú trọng đổi mới liên tục, chia sẻ với nhau về tư duy, cách làm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới cách làm và đổi mới công nghệ. Cùng với ứng dụng, phát huy các cơ sở dữ liệu, ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, trong điều hành chung của TP và các sở, ngành cần có phương pháp quản lý sát hơn để triển khai nhiệm vụ hàng năm.
Bên cạnh đó, TP tiếp tục tập trung rà soát tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, cơ chế chính sách, nhất là liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển DN. Trong đó, HĐND TP nên ban hành những cơ chế khi Hà Nội đã triển khai thực hiện Luật Thủ đô 2024 với những chính sách riêng cho Hà Nội; ban hành những nghị quyết đặc thù trên địa bàn bảo đảm hiệu quả hơn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong phục vụ người dân, hỗ trợ DN.
Có cơ chế quản lý linh hoạt để tạo nguồn lực
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cũng lưu ý Hà Nội tiếp tục tập trung cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đánh giá Hà Nội đã triển khai rất hiệu quả việc quan tâm trực tiếp đến các nội dung nâng cao Chỉ số hài lòng. Tuy nhiên, Hà Nội vừa có khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu lại cao hơn, nên cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh điện tử hóa các mẫu đơn, tờ khai, tạo thuận lợi cho người dân trong việc nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), tiến tới trong năm nay TP triển khai Trung tâm Phục vụ hành chính công TP (Hà Nội là 1 trong 3 địa phương được chọn thí điểm mô hình) sẽ triển khai làm tốt.
Đồng thời, TP nâng cấp Cổng DVC và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu, dễ dàng sử dụng, có giao diện thân thiện với người dùng, cung cấp các tiện ích thông minh để hỗ trợ người dân khi giải quyết TTHC “một cửa”. Cùng với đó, thực hiện nghiêm việc xử lý những phản ánh kiến nghị liên quan giải quyết TTHC, nhất là về những nhũng nhiễu tại bộ phận “một cửa”.
Trong tổ chức bộ máy và con người, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị TP tiếp tục hoàn thiện việc sắp xếp bộ máy, đẩy mạnh phân cấp phân quyền phù hợp với năng lực và điều kiện bảo đảm thực hiện của cơ quan tổ chức, thực hiện tốt các chính sách mới về cải cách công vụ công chức, đẩy mạnh mô hình chính quyền đô thị, nhất là đề xuất các mô hình về chế độ công vụ ở Hà Nội với những đặc thù.
“Với đặc thù phục vụ những công dân tại Thủ đô, TP phải chấp nhận yêu cầu cao hơn, song cần có cơ chế quản lý linh hoạt hơn để tạo nguồn lực cho Hà Nội, như trong công tác tổ chức xây dựng vị trí việc làm, đổi mới thí điểm cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, có cơ chế khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm… Với các giải pháp đổi mới trong thực thi nhiệm vụ công vụ, các thể chế môi trường làm việc một cách công khai minh bạch thì tự nhiên sẽ giảm được tình trạng đùn đẩy, né tránh”- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nhận định.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị TP tập trung rà soát nâng cấp hạ tầng CNTT và CSDL để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; tăng cường số hóa hồ sơ giấy tờ; thường xuyên cập nhật các dữ liệu của cá nhân, tổ chức; ban hành chính sách khuyến khích nâng cao hiệu quả cung cấp DVCTT phục vụ Nhân dân; phát huy giá trị của chuyển đổi số bằng cách quan tâm việc số hóa, tăng giá trị của CSDL.
Cùng đó, duy trì sử dụng hiệu quả kết quả các Chỉ số CCHC, Chỉ số hài lòng của người dân - xác định là kênh thông tin quan trọng làm cơ sở đánh giá người đứng đầu, đánh giá các cơ quan đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ. Kết quả thực hiện các chỉ số thành phần cần được các cơ quan đơn vị công khai hàng tháng, từ đó từng cơ quan, người đứng đầu, từng bộ phận sẽ tự thấy phải làm gì để năng động, quyết tâm hơn trong thực hiện nhiệm vụ công vụ được giao.
“Tin tưởng với sự quan tâm sát sao, tinh thần cầu thị của tập thể lãnh đạo TP, nỗ lực quyết tâm của chính quyền các cấp trên địa bàn và nhất là tinh thần sáng tạo, tiên phong, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, Hà Nội sẽ đạt được những thành tựu cao hơn trong công tác CCHC. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hướng tới xây dựng và hoàn thiện chính quyền chuyên nghiệp - hiện đại - thân thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN, hướng tới xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại và xây dựng “người dân hạnh phúc”- Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.