Chúc mừng năm mới

Hà Nội quyết tâm cải tạo “lá phổi xanh”

Thuần Hưng - Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đô Hà Nội không chỉ nổi tiếng bởi các di sản văn hóa mà còn bởi hệ thống hồ nước tự nhiên phong phú. Từ lâu, các hồ đã làm nên vẻ đẹp riêng có và đóng vai trò là "lá phổi xanh" giúp điều hòa không khí cho toàn TP.

Chính vì thế, những năm qua, Hà Nội đã dành sự quan tâm lớn tới việc xử lý ô nhiễm, làm đẹp cảnh quan hệ thống hồ trên địa bàn.

Quyết tâm của chính quyền

Hiện nay, nội thành Hà Nội có khoảng 120 hồ lớn, nhỏ phân bố khắp TP. Nhiều hồ gắn liền với lịch sử và văn hóa đặc sắc, điển hình là hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Trúc Bạch,... Song, không ít trong số đó đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm đáng báo động.

Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp…, chưa qua xử lý xả trực tiếp vào hồ. Ngoài ra, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế, thường xuyên vứt rác thải bừa bãi xuống hồ. Tình trạng này dẫn đến sự tích tụ bùn đất, mất cân bằng hệ sinh thái và gây mùi hôi thối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của cư dân xung quanh.

Các hồ không chỉ có vẻ đẹp riêng mà còn đóng vai trò là “lá phổi xanh” giúp điều hòa không khí cho toàn thành phố. Ảnh: Công Hùng
Các hồ không chỉ có vẻ đẹp riêng mà còn đóng vai trò là “lá phổi xanh” giúp điều hòa không khí cho toàn thành phố. Ảnh: Công Hùng

Trước thực trạng ô nhiễm báo động, chính quyền TP Hà Nội đã thể hiện rõ quyết tâm xử lý ô nhiễm hệ thống hồ nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một thành phố xanh, sạch và hiện đại.

Mới đây, Hà Nội đã triển khai một loạt giải pháp mang tính đồng bộ và kịp thời, tập trung vào cải thiện chất lượng nước và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

Chính quyền đã bắt đầu bằng việc đánh giá tổng thể về ô nhiễm tại từng hồ và xác định nguyên nhân cụ thể cần khắc phục. Điều này giúp cho việc lập kế hoạch và triển khai các biện pháp xử lý trở nên hiệu quả và tiết kiệm hơn. Đồng thời, các dự án nạo vét, cải tạo lòng hồ, và xây dựng các trạm xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến đã được nhanh chóng xúc tiến thực hiện. Đây là bước đi quan trọng trong việc khôi phục hệ sinh thái tự nhiên và làm sạch nguồn nước.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng đã tiến hành lắp đặt các hệ thống quan trắc tự động cũng giúp giám sát chất lượng nước một cách chính xác và kịp thời, từ đó có thể nhanh chóng phát hiện và xử lý các sự cố ô nhiễm.

Bên cạnh đó, các giải pháp bền vững như tăng cường diện tích cây xanh xung quanh hồ, tổ chức các chiến dịch nhặt rác, tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân cũng đồng thời được triển khai.

Chính quyền TP đã tích cực kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là các tổ chức xã hội, trường học, và DN, qua các chương trình hợp tác trồng cây, làm sạch hồ nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường sâu rộng hơn.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, nhằm duy trì chất lượng nước tại các hồ trên địa bàn TP, công ty đã yêu cầu các xí nghiệp phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường công tác duy trì vệ sinh môi trường, nhặt rác hồ, dọn dẹp cá chết… mỗi khi thời tiết thay đổi. Đồng thời, tăng cường quản lý, duy trì mực nước hồ luôn ở mức an toàn nhằm bảo đảm chất lượng nước trong hồ, phục vụ tốt nhất cuộc sống của người dân.

Cần sự chung tay

Rất nhiều chuyên gia nhìn nhận, hành trình xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh, sạch không chỉ là nhiệm vụ của riêng chính quyền mà cần có sự chung tay của toàn thể xã hội.

Chính quyền TP Hà Nội vẫn luôn kêu gọi mỗi người dân hãy trở thành một "đại sứ xanh" bằng những hành động cụ thể như sử dụng dịch vụ công cộng, hạn chế sử dụng túi nilon, hay đơn giản là giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh.

“Có rất nhiều nhóm bạn trẻ thành lập để vừa kêu gọi, vừa tổ chức các buổi nhặt rác tại khu vực hồ của Hà Nội. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, và thực sự lan tỏa tới ý thức của mỗi người dân khi nhìn vào” - một người dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chia sẻ.

Rõ ràng, việc quản lý và bảo vệ hệ thống hồ còn là trách nhiệm của thế hệ tương lai. Do đó, việc giáo dục và nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên nước cần được chú trọng. Những hoạt động ngoại khóa, tham quan môi trường sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về vai trò của các hồ nước và trở thành những công dân có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường sống.

Quyết tâm của Hà Nội trong việc xử lý ô nhiễm hệ thống hồ để hướng tới một thành phố xanh, sạch là một mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng rất đáng kỳ vọng. Và hồ Linh Quang - “lá phổi xanh” của phường Văn Chương, quận Đống Đa là một ví dụ.

Sau hàng chục năm “đắp chiếu” vì nhiều lý do, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, với sự quyết tâm của quận Đống Đa, TP Hà Nội, hồ Linh Quang đã chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ chỗ là “ao tù, nước đọng”, đến nay hồ Linh Quang đã trở thành một điểm đến lý tưởng của người dân trong khu vực sau những ngày làm việc mệt mỏi.

Cùng với việc duy trì, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các hồ, TP Hà Nội đã luôn chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống công viên, đan xen với các hồ nước nhằm tạo cảnh quan cho khu vực.

Công viên mở The Matrix One (quận Nam Từ Liêm) là một ví dụ điển hình. Tại đây, mật độ xây dựng của công viên chỉ khoảng 5%, phần lớn diện tích còn lại dành cho cây xanh cùng hồ nước lớn có diện tích khoảng 25.000m2.

Theo nhiều chuyên gia, với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ chức xã hội, DN, và người dân, Hà Nội hoàn toàn có thể khôi phục lại vẻ đẹp vốn có, biến các hồ thành điểm nhấn thu hút không chỉ người dân địa phương mà còn du khách quốc tế.

Việc thành công trong cải tạo môi trường hệ thống hồ Hà Nội không chỉ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn khẳng định sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai.

 

Hiện nay, Hà Nội đang tập trung triển khai rất nhiều biện pháp nhằm bảo đảm môi trường của Thủ đô, đặc biệt là các hồ nước. Với việc hàng loạt hồ nước đã và đang được triển khai cải tạo, sửa chữa như: hồ Linh Quang, hồ Đắc Di, hồ Đống Đa... đã và đang được kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho bộ mặt đô thị của Thủ đô. Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tại nhiều khu vực trên địa bàn TP vẫn còn nhiều hồ nước đang bị xâm phạm, lấn chiếm… Do đó, Hà Nội cần có những biện pháp đủ mạnh để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng