Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Quyết tâm cao nhất để sớm khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/8, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 và các tháng cuối năm 2021.

Hà Nội đã kích hoạt công tác phòng dịch cao nhất
Tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021, thành phố Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo an ninh, quốc phòng trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Quán triệt thực hiện nghiêm túc Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, các quan điểm, tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, đồng chí Bí thư, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành 5 công điện về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố cùng nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong phòng, chống dịch.
 Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì phiên họp của UBND
Thành phố đã kích hoạt công tác phòng dịch cao nhất, tận dụng tối đa nguồn lực, “thời gian vàng” 15 ngày giãn cách để tổng lực tấn công, khoanh vùng, truy vết các ca bệnh, quyết tâm dập dịch trên địa bàn. Các cấp, ngành, quận, huyện, thị xã đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, chung sức cùng Thành phố chống dịch.
UBND Thành phố hoan nghênh một số quận, huyện vừa tập trung công tác phòng chống dịch vừa đạt kết quả phát triển kinh tế tốt như: huyện Mỹ Đức (thu ngân sách đứng đầu Thành phố, đạt 129%), quận Hoàng Mai (thu ngân sách đứng thứ 9/30 quận, huyện, thị xã, đạt 69%), các quận: Thanh Xuân, Phú Xuyên, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm có tỷ lệ giải ngân trên 50% (quận Thanh Xuân đứng đầu Thành phố, tỷ lệ giải ngân đạt xấp xỉ 95%). Biểu dương và nhân rộng sáng kiến của quận Tây Hồ về việc thực hiện phát phiếu đi chợ và phát thẻ lao động trong 15 ngày giãn cách.
Một số chỉ tiêu kinh tế tháng 7 có xu hướng giảm
Về tình hình phát triển KT-XH, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Thành phố trong tháng 7 có xu hướng giảm so với tháng 6 và cùng kỳ năm 2020 như: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng 6 và giảm 5,9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 41,4 nghìn tỷ đồng, giảm 7% so với tháng 6 và giảm 19,7% so với cùng kỳ.
Khách du lịch nội địa ước đón 17 nghìn lượt, giảm 98,6% so cùng kỳ; dự kiến 7 tháng năm 2021 ước đón 2,92 triệu lượt khách, giảm 43,1% so cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 8,17 nghìn tỷ đồng, giảm 63,6% so cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp thành lập mới 7 tháng đầu năm là 15.022 đơn vị, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2020; 1.706 doanh nghiệp giải thể, tăng 22%. Đầu tư trong nước ngoài ngân sách 7 tháng đạt 7.778 tỷ đồng; thu hút vốn FDI đạt 824,2 triệu USD. Lúa vụ Mùa gieo trồng giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021, sản xuất công nghiệp của Thành phố có xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng 1% so với tháng 6 và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 7 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 4%). Hầu hết các ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ (8,7%).
Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước đạt 2.85 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng 6 và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 7 tháng đạt 19,5 tỷ USD, tăng 19,6% (cùng kỳ giảm 9,2%). Chăn nuôi lợn có sự phục hồi, hoạt động tái đàn được chú trọng, đàn lợn tăng 13,9%, đàn trâu tăng 8,4%. Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm ước đạt 152.176 tỷ đồng, đạt 64,6% dự toán Trung ương giao (đạt 60,6% dự toán Thành phố giao), bằng 112,7% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước đạt 35.380 tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán và bằng 94,8% cùng kỳ.
Thành phố đã tổ chức thành công, an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền, thăm hỏi nhân Kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7. Đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối tại các mục tiêu trọng điểm, công tác phòng chống dịch Covid-19 và các điều kiện khác phục vụ Kỳ họp Quốc hội khóa XV.
Quyết tâm cao nhất để sớm khống chế, đẩy lùi dịch Covid-19
5 tháng cuối năm 2021, Thành phố còn rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần tập trung thực hiện, phải hoàn thành theo kế hoạch. UBND Thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, triển khai quyết đoán, linh hoạt các giải pháp quyết tâm chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh; đồng thời tận dụng thời cơ bứt tốc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, chú trọng các nhiệm vụ sau:
UBND TP yêu cầu Từng cấp, ngành, đơn vị cần rút kinh nghiệm, phân tích kỹ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch vừa qua trên địa bàn Thành phố. Trong bất cứ tình huống nào tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay tình trạng thực hiện chưa nghiêm quy định phòng dịch tại một số cơ quan, đơn vị, bộ phận người dân.

Khi tình hình dịch ổn định, không phát sinh thêm ca nhiễm mới cần canh gác thật chặt, bảo vệ vững chắc Thủ đô, giữ vững thành quả chống dịch, hạn chế tối đa sơ hở để dịch bệnh xâm nhập Thành phố. Các trường hợp về Hà Nội từ vùng có dịch phải được rà soát, quản lý theo từng địa bàn, đồng thời theo dõi chặt chẽ, hướng dẫn khai báo, cách ly y tế theo đúng quy định. Toàn cấp, ngành, địa phương của Thành phố cần quán triệt sâu sắc nguyên tắc, phương châm trên trong triển khai hành động; trước tiên, tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
UBND Thành phố phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ tại văn bản số 585-CV/BCSĐ ngày 28/7/2021 của Ban cán sự đảng UBND Thành phố về thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và Chỉ thị số 17/CT-UBND; Thông báo số 570/TB-UBND ngày 31/7/2021 về việc phân công nhiệm vụ của Chủ tịch UBND Thành phố, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy và các Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện thị xã bám sát thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản, thông báo kết luận của Trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, công điện, chỉ thị… của UBND Thành phố, mới nhất là Công điện số 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 01/8/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19:

Kiên định các giải pháp chống dịch “3 trước”, “4 tại chỗ”. Triển khai các kịch bản chi tiết chủ động ứng phó với dịch bệnh theo từng cấp độ, diễn biến thực tế. Có phương án dự phòng trong tình huống phải kéo dài thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Xử lý khẩn trương, quyết liệt khi có ca nhiễm mới; rà soát kỹ F0, cách ly triệt để các trường hợp F1, F2 và người liên quan với mục tiêu dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới. Khoanh vùng, điều tra, xử lý triệt để ổ dịch tại ngõ 651 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng và các ổ dịch khác trong thời gian sớm nhất, không để dịch lan rộng trên địa bàn.

Kiểm tra, rà soát, tăng cường công tác lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở... và nghi nhiễm SARS-CoV-2 khác ngoài cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao.

Khẩn trương rà soát, bổ sung năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị, vật tư y tế đạt tiêu chuẩn. Tổ chức tốt hệ thống, mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng.

Tập trung triển khai Phương án số 170/PA-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố về chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn Thành phố với phương châm “vaccine về tới đâu phải tiêm ngay cho người dân tới đó”. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại các quận, huyện, thị xã bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng tiêm, đúng nguyên tắc, quy định, an toàn, hiệu quả.
UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các sở chỉ huy phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố đảm bảo phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương. Huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của các lực lượng từ quận, huyện, thị xã tới các xã, phường, thị trấn, lực lượng dân phòng, tổ dân phố,...
Chỉ đạo các lực lượng bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ không để người dân di chuyển khỏi Thành phố tới khi hết giãn cách xã hội (trừ những trường hợp được chính quyền cho phép). Phối hợp với các đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các công ty, xí nghiệp, nhà máy… đóng trên địa bàn và trong các khu công nghiệp nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng chống dịch; chỉ cho phép cơ sở sản xuất hoạt động khi đáp ứng đầy đủ điều kiện phòng, chống dịch và phương án phòng, chống dịch đã được được phê duyệt.
Triển khai hiệu quả Kế hoạch cung ứng hàng hóa; đảm bảo hoạt động của các hệ thống bán hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân. Quản lý, sắp xếp việc mua bán hàng hóa, phân bổ và quy định thời gian hợp lý cho nhân dân mua sắm tại các chợ. Bảo vệ vững chắc địa bàn, rà soát chặt chẽ tình hình dịch tại từng phường, xã, đẩy mạnh xác lập các vùng không có dịch (“vùng xanh”) để tập trung quản lý, không để dịch bệnh xâm nhập.
Giao Công an Thành phố tiếp tục triển khai ra quân kiểm soát việc chấp hành giãn cách xã hội; duy trì các chốt kiểm soát 100% phương tiện ra/vào Thành phố tại các cửa ngõ lớn, đường nhánh, đường mòn, lối mở, bến đò ngang, bến thủy nội địa. Phối hợp với UBND các quận, huyện thị xã kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản số 2434/UBND-KT ngày 29/7/2021 về thống nhất mẫu giấy tờ sử dụng cho một số đối tượng đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội; xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định.
Giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Công an Thành phố kiểm soát tại các chốt dịch 24/24; tổ chức tốt hoạt động vận tải, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, không đứt gãy chuỗi cung ứng trên địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội. Triển khai thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19; văn bản số 2453/UBND-ĐT ngày 30/7/2021 về vận chuyển công nhân, chuyên gia và triển khai phương án tổ chức giao thông “luồng xanh” cho các phương tiện vận chuyển hàng hoá có nhu cầu đi qua và ra vào Thành phố.
Giao Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu; thực hiện tốt các biện pháp bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, mất ổn định thị trường.
Giao các sở, ngành: Tài chính, Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Bảo hiểm Xã hội Thành phố, Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tập trung triển khai Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND Thành phố về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng. Kịp thời hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, người sử dụng lao động được tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các chính sách hỗ trợ. Xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân sai phạm, cố tình gây khó khăn, chậm trễ trong triển khai thực hiện. Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội theo dõi, tổng hợp, định kỳ hằng tháng báo cáo UBND Thành phố.
Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế, đơn vị liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Thành phố đẩy mạnh thông tin tuyên truyền chủ trương, đường lối chỉ đạo của Thành phố về công tác phòng chống dịch để người dân được tiếp cận thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, chủ động các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống dịch và việc thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố.
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thành phố vừa căng sức chống dịch, vừa phải thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH, tạo đà tăng tốc về đích trong các tháng cuối năm. UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị tập trung các nhiệm vụ sau:
Ngay từ đầu tháng 8, các cấp, ngành bắt tay ngay vào việc xây dựng kịch bản tăng trưởng và giải pháp tăng trưởng của từng đơn vị theo cấp độ, diễn biến của dịch Covid-19. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế Thành phố các tháng cuối năm trong bối cảnh dịch Covid-19, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 8/2021.
Đẩy mạnh các giải pháp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố theo từng lĩnh vực; chú trọng phát triển các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, tăng trưởng tốt trong tháng 7, 7 tháng đầu năm như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm tỷ trọng chủ yếu giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp), 7 tháng năm 2021 tăng 8,7%, sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%, cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,8%, khai khoáng tăng 3%, và một số lĩnh vực khác,…
Cơ cấu cần đối nguồn lực của Thành phố ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng tâm. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc về công tác GPMB, lập hồ sơ, nhân lực, vật tư thi công để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án khởi công mới trong năm 2021, đặc biệt là các dự án, công trình giao thông trọng điểm của Thành phố. Đảm bảo tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp theo kế hoạch.

Tập trung tăng thu ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu - cơ cấu nguồn thu ngân sách Thành phố theo hướng hiệu quả, bền vững. Giảm tỷ trọng chi thường xuyên để dành nguồn chi đầu tư phát triển, dành nguồn lực cho phòng chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tính đến ngày 27/7/2021, kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Thành phố khoảng 4.890 tỷ/23.673,33 tỷ đồng, chỉ đạt 20,7% theo Kế hoạch. Để tăng nguồn thu cho ngân sách, giao UBND các quận, huyện, thị xã, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội, Trung tâm Phát triển quỹ đất các quận, huyện, thị xã rà soát, đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất đủ điều kiện trên địa bàn, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, phấn đấu đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Lũy kế thanh toán vốn của Thành phố từ đầu năm đến ngày 27/7/2021 là 11.587,3 tỷ đồng, đạt 22,6% kế hoạch vốn Thành phố giao và 27,7% kế hoạch Trung ương giao; ước lũy kế đến hết tháng 7/2021 là 12.157 tỷ đồng, đạt 23,7% dự toán Thành phố giao, là mức giải ngân thấp1. UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021và năm 2020 kéo dài trên địa bàn Thành phố; đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao theo quy định của Luật Đầu tư công, tránh tình trạng bị hủy dự toán theo quy định; phấn đấu năm 2021 giải ngân đạt tỷ lệ 100% kế hoạch vốn, đến hết quý III đạt 60% kế hoạch vốn được giao. Người đứng đầu các cấp, ngành chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố về việc thực hiện Kế hoạch vốn, đồng thời cam kết tiến độ giải ngân từng tháng đối với từng dự án cụ thể.
Coi kết quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế năm 2021 của Thành phố, là tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp, ngành, địa phương. Giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc thực hiện, báo cáo UBND Thành phố.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng; xem xét giãn, hoãn các khoản thuế, phí phù hợp. Chuẩn bị tốt các điều kiện để đón làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài khi tình hình dịch ổn định. Triển khai các giải pháp hiệu quả thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố.

Tập trung sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tái đàn, tăng cường các biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm 2021 và chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi.

Triển khai thực hiện hiệu quả 02 nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; các chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII; tổng kết thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 và tổng kết thực hiện Luật Thủ đô, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô.
Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 30/7/2021 của Chủ tịch UBND Thành phố về xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Chuẩn bị tốt các nội dung chuẩn bị trình Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII.
Hoàn thiện các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp thứ Hai HĐND Thành phố đảm bảo tiến độ, chất lượng. Các sở: Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương tham mưu ban hành kế hoạch của UBND Thành phố về việc triển khai thực hiện các chương trình công tác lớn của Thành ủy. Xây dựng kế hoạch đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong dịp lễ Quốc khánh 2-9-2021, báo cáo UBND Thành phố.
UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, đôn đốc các sở, ban, ngành đơn vị tập trung triển khai Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.
Giao Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND Thành phố tiến độ thực hiện việc tuyển dụng công chức phường theo quy định của Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thí điểm chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội tại các quận, huyện, thị xã; việc tuyển dụng công chức hành chính vào các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện, thị xã theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND Thành phố; khó khăn, vướng mắc; kiến nghị, đề xuất, báo cáo UBND Thành phố.

Giao Sở Tài chính: theo dõi sát diễn biến giá một số mặt hàng đầu vào sản xuất (sắt, thép, dầu mỏ) dự báo có xu hướng tăng trong thời gian tới; tham mưu UBND Thành phố có văn bản chỉ đạo điều hành giá hợp lý, đảm bảo bình ổn giá cả thị trường trong dịp cuối năm và kiểm soát tăng giá đột biến, nhất là giá lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phụ trợ khác.

Giao Sở Công Thương: chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND Thành phố triển khai Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ về thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; đề xuất danh sách, đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ giảm tiền điện theo đúng quy định và chỉ đạo của Chính phủ, trình UBND Thành phố trong tháng 8/2021.

Giao Bộ Tư lệnh Thủ đô:

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc Quyết định số 3782/QĐ-UBND ngày 01/8/2021 của UBND Thành phố về việc giao chỉ tiêu cách ly công dân phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố; tổng hợp kết quả, báo cáo UBND Thành phố.

Đôn đốc triển khai kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ của Thành phố năm 2021 đảm bảo khoa học, chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Giao Công an Thành phố:

Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố; không để phát sinh các vụ việc gây rối mất ổn định tình hình Thủ đô, đặc biệt trong thời gian Thành phố đang tổng lực tấn công phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng cháy tại các nhà chung cư, kho bãi, nhà xưởng, kho hàng hóa,…

Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc:

Đôn đốc UBND các huyện khẩn trương lập quy hoạch xây dựng vùng huyện; rà soát báo cáo phục vụ lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, báo cáo UBND Thành phố.

Tham mưu báo cáo UBND Thành phố về quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện cơ sở pháp lý trình UBND Thành phố phê duyệt.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường:

Tập trung hoàn thành dự án xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính Thành phố.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng UBND Thành phố, hoàn thiện Báo cáo của Ban cán sự đảng trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Khẩn trương tham mưu UBND Thành phố ban hành Chỉ thị về việc nâng cao hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2025, báo cáo UBND Thành phố trong quý III/2021.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã:

Tập trung chỉ đạo, triển khai sản xuất vụ Mùa, vụ Đông năm 2021.

Đảm bảo an toàn hồ, đập, các công trình thủy lợi; tăng cường kiểm tra, kịp thời tu bổ, gia cố, nâng cấp hệ thống đê điều, nhất là các tuyến đê đặc biệt, trọng điểm xung yếu; khắc phục xử lý các sự cố hư hỏng về đê, kè; triển khai phương án chống úng ngập khu vực ngoại thành trong mùa mưa bão năm 2021. Đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các công trình đê điều, thủy lợi phục vụ công tác phòng chống lụt bão, úng ngập. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều.

Tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 15/6/2021 của UBND Thành phố về tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng.

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; xử lý dứt điểm bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi tại một số huyện, không để diễn biến phức tạp.

Giao các sở: Văn hóa và Thể thao, Du lịch: xây dựng kịch bản về tổ chức, quản lý văn hóa; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố theo ngành, lĩnh vực sau khi dịch Covid-19 được khống chế, kiểm soát.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo: thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp; đảm bảo cơ sở vật chất, kế hoạch chuẩn bị khai giảng năm học mới 2021-2022 phù hợp các yêu cầu về phòng chống dịch.

Giao Sở Y tế: tăng cường công tác phòng chống các bệnh khác trên địa bàn: sốt xuất huyết, thủy đậu (số ca mắc có xu hướng tăng), tay chân miệng,…; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, duy trì công tác kiểm tra tại các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp… trên địa bàn.

Giao UBND các quận, huyện: Quốc Oai, Phúc Thọ, Hoài Đức, Hà Đông, Chương Mỹ, Thạch Thất, Mê Linh, Thanh Oai, Thanh Trì, Đan Phượng, Ba Vì, Gia Lâm: tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao đất dịch vụ cho các hộ đủ điều kiện, hoàn thành trong năm 2021, gửi kết quả qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố. Đến ngày 27/7/2021, Thành phố đã giao đất dịch vụ cho 40.534 hộ/50.378 hộ đủ điều kiện, đạt 80,46%, tương ứng với 392,47ha, còn lại 9.844 hộ (19,54%).