Hà Nội quyết tâm giải quyết tình trạng thiếu trường học

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm qua, 28/9, Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban quí III/2011 với lãnh đạo các quận, huyện về "Đầu tư xây dựng các trường mầm non và trường phổ thông các cấp trên địa bàn thành phố".

Các đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP; Ngô Thị Doãn Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch HĐND TP và các đồng chí trong Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị.
 
Thiếu trường chưa hẳn do thiếu đất
 
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, Hà Nội hiện có 2.311 trường học các cấp, bảo đảm cơ bản mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường công lập mầm non, tiểu học, THCS và 5 vạn dân có một trường THPT. Tuy nhiên, qua rà soát hiện còn 6 phường chưa có trường mầm non công lập, tập trung vào hai quận Đống Đa  và Hai Bà Trưng. Cùng với đó, 12 phường chưa có trường tiểu học, 28 trường chưa có trường THCS công lập. Trong đó, có nhiều phường thiếu cả tiểu học và THCS. Do thiếu trường nên số học sinh trong một lớp gấp hơn 2 lần so với qui định của Bộ GD&ĐT. Theo giải thích của các quận, việc thiếu trường công lập là do không có đất và dân số tăng nhanh dẫn đến quá tải.

Hà Nội quyết tâm giải quyết tình trạng thiếu trường học - Ảnh 1

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Thanh Hải

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc lại cho rằng, ngoài hai yếu tố trên, nguyên nhân quan trọng hơn là các quận chưa tập trung quyết liệt cho việc rà soát quĩ đất tại các dự án treo, đất sử dụng sai mục đích hoặc không hiệu quả.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng, quĩ đất là do chính các quận quản lý, nhưng lại dành đất làm việc khác mà chưa chú ý đến xây trường. Không ít nơi, thành phố đã giải quyết từng điểm trường, nhưng việc đầu tư xây dựng lại rất chậm dẫn đến lấn chiếm. Ví như quận Đống Đa thiếu nhiều trường, nhưng khu đất công viên Đống Đa lại bị bỏ hoang, lấn chiếm. Việc này, lãnh đạo các quận phải xem xét lại.

Tăng trường công lập cho khu đô thị mới

Không chỉ có khu dân cư cũ mà ngay các khu đô thị mới (KĐT) cũng thiếu trường công. Theo rà soát tại 10/152 KĐT đã cơ bản hoàn thành mới có 27/38 trường theo qui hoạch đưa vào sử dụng, nhưng chỉ có 4 trường công lập. Theo lãnh đạo các quận Hà Đông, Long Biên, tại các KĐT, chủ đầu tư chỉ quan tâm xây nhà để bán và các công trình hỗn hợp, thương mại dịch vụ… cho doanh thu, còn các công trình hạ tầng xã hội thì bỏ mặc. Hơn nữa, một số dự án khi phê duyệt lại chưa xác định rõ vốn đầu tư theo cách nào, nên chủ đầu tư đều cho xã hội hóa, tạo nên một hệ thống trường chất lượng cao có mức phí lớn, không phù hợp với người dân. Việc kiểm tra chỉ theo kỳ cuộc, chưa có chế tài xử lý chủ đầu tư chậm hoặc không xây dựng trường học.

Tiếp tục rà soát, dành đất cho trường học

Mục tiêu thành phố đặt ra là đến năm 2015, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường mầm non, tiểu học, THCS và cứ 5 vạn dân có 1 trường THPT. Để đạt được mục tiêu trên, thành phố sẽ dành ưu tiên quĩ đất xây trường học. Những khu đất hoang hóa, đất chậm sử dụng, sử dụng sai mục đích hoặc không hiệu quả… sẽ thu hồi để xây dựng hạ tầng xã hội, trong đó có trường học. Những nơi không còn đất trống, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chủ động đề xuất phương án cụ thể về địa điểm xây dựng trường học phù hợp…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cũng chỉ đạo: Các quận, huyện cần rà soát lại qui hoạch đất, nhà (kể cả quĩ nhà chung cư, biệt thự) trên địa bàn, để tìm ra địa điểm dành cho trường học. Điều chỉnh lại một số quĩ đất làm công viên và cây xanh, bổ sung thêm hạng mục trường học nếu có thể… Bằng mọi biện pháp phải tạo quĩ đất cho xây dựng trường học và khi có đất phải đẩy mạnh đầu tư xây dựng. Các quận, huyện là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm và phải chủ động trong vấn đề này. Chủ tịch giao cho Sở GD&ĐT khẩn trương lập qui hoạch mạng lưới trường lớp trình HĐND TP thông qua. Trong đó, chỉ rõ nơi nào cần xây thêm trường, nơi nào cần nâng cấp, mở rộng… Khi xem xét qui hoạch các dự án khu đô thị mới, dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ quan tâm đảm bảo đủ quĩ đất để xây dựng trường học phục vụ con em trong khu vực.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị:

Thiếu trường, lãnh đạo quận, huyện chịu trách nhiệm

Về tổng thể, Hà Nội có khả năng không thiếu trường lớp, bởi tính trên bình quân xã, phường, còn nhiều hơn con số mỗi địa bàn phải có ít nhất 4 trường học (4 cấp: Từ mầm non đến THPT). Nguyên nhân là do sự chỉ đạo thực hiện qui hoạch chưa hợp lý, nên nơi thừa, nơi thiếu. Nên việc rà soát mạng lưới trường lớp cần phải đi vào cụ thể từng địa bàn. Các Sở có trách nhiệm phối hợp, nhưng quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Thiếu bao nhiêu, ở đâu, giải quyết như thế nào cần đề xuất rõ. Về kinh phí, nếu xã, phường thiếu, quận, huyện hỗ trợ, hoặc cấp cao hơn là thành phố. Thành phố sẽ làm tất cả để giải quyết một cách chủ động và kịp thời những vướng mắc, đẩy nhanh việc xây dựng, mở rộng trường học. Với các khu đô thị mới, phải giám sát, kiểm tra việc xây trường học theo đúng qui hoạch... Các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành thành phố phải thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo tại hội nghị. Sau năm 2015, nếu địa bàn nào còn xảy ra hiện tượng thiếu trường, lãnh đạo các quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm.