Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2020

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trước thời điểm cả nước hết cách ly xã hội (0h ngày 23/4/2020), Hà Nội thể hiện quyết tâm tăng trưởng GRDP bằng 1,3 lần so với bình quân chung cả nước. Điều gì khiến Hà Nội tự tin đến như vậy?

Nhìn con số tăng trưởng GRDP 3,72% của Hà Nội trong quý I năm 2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 đang cao điểm - rất nhiều chuyên gia kinh tế nước ngoài và trong nước không khỏi lo lắng. Để đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm 2020 thì 9 tháng cuối năm nay phải tăng trưởng ở mức 8,6%, đây là chỉ tiêu rất cao.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban kiểm điểm công tác quý I năm 2020. Ảnh: Công Thọ

Từ phân tích, nghiên cứu
Trước hết phải khẳng định, khi xây dựng con số tăng trưởng 7,5% cho cả năm 2020 thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân Hà Nội thực hiện bằng được 13 nhiệm vụ mà Đảng bộ TP cách đây 5 năm đã đặt ra.
Quyết tâm chính trị đó là kết quả của quá trình nghiên cứu, phân tích và xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới của Ban cán sự đảng UBND TP, nằm trong tổng thể chiến lược xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các nhà quản lý kinh tế Hà Nội đã phân tích, đánh giá điểm khác biệt của ảnh hưởng kinh tế TP sau đại dịch Covid-19 so với các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, để có phương án hồi phục nhanh chóng. Rõ ràng, Hà Nội và các địa phương khác cũng như hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới vừa trải qua những ngày tháng khó khăn, mọi dòng chảy xã hội buộc phải ngừng lại, tất nhiên vì thế kinh tế lâm vào đà tụt dốc.
Nền kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung sau dịch Covid-19 hiện nay khác xa với 3 cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trước đây (1857 - 1859; 1929 - 1939; 2008 - 2009).
Hà Nội đã sớm nhận diện 4 điểm khác biệt để xây dựng kịch bản phát triển kinh tế thời “hậu Covid”. Đầu tiên là không chỉ Hà Nội mà các tỉnh thành và nói rộng ra, tất cả các nền kinh tế đều đồng thời bị tác động bất ngờ theo cách như nhau. Thứ hai, cả phía cung lẫn bên cầu đồng thời bị suy giảm chứ không bị mất cân đối đáng kể so với trước đó. Thứ ba, kinh tế và thương mại sa sút không phải do nguyên nhân trong hệ thống hay mang tính cơ cấu, mà do hiệu ứng từ những biện pháp hành chính cần thiết để đối phó đại dịch như phong tỏa, giãn cách hay cách ly xã hội, phong tỏa biên giới quốc gia… Và thứ tư là mức độ toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế hiện tại cao hơn trước đây rất nhiều.
Nếu coi kinh tế, thương mại Hà Nội là một ngôi nhà thì đại dịch Covid-19 vừa qua giống như cơn giông bão mạnh. Đây là thời điểm để Hà Nội nhìn nhận thiệt hại, sửa sang thậm chí là xây mới một số hạng mục công trình mà lâu này chưa thể bung ra sửa chữa. Điều này cho thấy, con số tăng trưởng ở mức 8,6% trong 9 tháng cuối năm không phải là viển vông, nếu như có được những kịch bản phù hợp.
Đầu tiên, Hà Nội mạnh dạn thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% chi tiêu thường xuyên, ngoài kế hoạch tiết kiệm 10% từ đầu năm. Cả 3 kịch bản của Hà Nội đều bao gồm việc từng bước dần khôi phục hoạt động của xã hội và nền kinh tế, vừa thích ứng với tình trạng còn bị dịch bệnh ảnh hưởng, vừa chuẩn bị sẵn sàng bước vào thời kỳ sau dịch bệnh. Hà Nội xác định có 2 sự thay đổi lớn ảnh hưởng trực tiếp phát triển kinh tế 9 tháng cuối năm của địa phương và những năm tiếp theo.
Thứ nhất là ngành du lịch và vận tải, đặc biệt hàng không, sẽ thay đổi rất cơ bản. Với tư cách là cửa ngõ quốc gia, Hà Nội phải chủ động để xuất với Chính phủ định hình lại chính sách xuất nhập cảnh và quản lý biên giới quốc gia, chiến lược phát triển du lịch và hoạt động giao thông vận tải trên bộ, trên không. 
Hà Nội sẽ không co về đóng cửa hay khép kín, nhưng rõ ràng là việc kiểm soát thông thương, đặc biệt về dịch tễ sẽ phải thắt chặt hơn và đảm bảo hiệu quả hơn rất nhiều. Kinh nghiệm đóng-mở, cách ly của Hà Nội sẽ giúp du lịch tự tin trong mọi tình huống, khi thế giới chưa có vaccine phòng dịch và thuốc chữa.
Tiếp đó, từ bài học rút ra được về sự phụ thuộc vào thị trường và sản xuất phụ kiện ở Trung Quốc, Hà Nội nhìn nhận theo chiều hướng tích cực. Các doanh nghiệp đã phải thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị của họ. Hà Nội đã sẵn sàng với kịch bản các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn đầu tư và dịch chuyển sản xuất kinh doanh ra khỏi Trung Quốc để hồi hương, hoặc dịch chuyển đến nơi khác trên thế giới. Điển hình Chính phủ Nhật Bản có hẳn chương trình tài chính 2 tỷ USD khích lệ các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc về Nhật Bản và chi 216 triệu USD khích lệ các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc chuyển dịch sang các nước khác.
Các công ty ở Hà Nội không phải dừng hợp tác nữa với Trung Quốc mà chỉ cẩn trọng hơn, và “bảo hiểm” hiệu quả hơn trước những rủi ro từ sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Biến nguy thành cơ” đại dịch Covid-19 là lúc để các doanh nghiệp Hà Nội mở rộng thị trường sang châu Âu, Mỹ (được cho là khó tính hơn) tránh “cho tất cả trứng vào một giỏ”.
Sản xuất các linh, phụ kiện điện tử tại Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam
Đến quyết tâm hành động
Trong 3 tháng đầu năm thực hiện “nhiệm vụ kép”, khả năng dự báo, phân tích, đánh giá của các cấp quản lý Hà Nội đã được nâng lên một bậc. Hà Nội vẫn duy trì tốt nhóm ngành công nghiệp - xây dựng với mức tăng 5,46% (trong đó xây dựng đạt 6,35%), và nhóm ngành dịch vụ đạt 3,2% do trong tháng 1 và tháng 2 chưa bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Đây là nhóm ngành nghề phải ngay lập tức tăng tốc khi hết cách ly, các hoạt động xã hội trở lại bình thường.
Nhóm ngành nghề sản xuất sản phẩm công nghiệp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin, các dịch vụ tài chính, ngân.
Đây là cơ hội để Hà Nội thúc đẩy các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu giá trị gia tăng năm 2020 tăng trên 4%. TP đang rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích cầu phát triển kinh tế, xã hội. Cải cách triệt để các thủ tục hành chính; đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Tăng trưởng 7,5% cả năm 2020 của Hà Nội thực sự là một áp lực khi thời gian không còn nhiều. Bên cạnh việc tăng trưởng kinh tế thì chính quyền địa phương còn phải quan tâm đến an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, và những chính sách đặc thù khác của TP; Thực hiện tổ chức đại hội Đảng các cấp theo đúng tiến độ Trung ương quy định.
Trong đại dịch Covid-19, Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô đã thể hiện đúng tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” của anh bộ đội cụ Hồ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 và đã thành công. Nay thêm lần nữa, Hà Nội quyết tâm thực hiện tăng trưởng GRDP bằng 1,3 lần so với bình quân chung cả nước. Không một cá nhân, tổ chức nào trên địa bàn được đứng ngoài cuộc, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội” trong quá trình triển khai kịch bản lối ra khỏi đại dịch Covid-19 mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa triển khai.