Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội rộng cánh cửa chương trình 9+ cho học sinh trượt lớp 10 công lập

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các học sinh Hà Nội theo học chương trình 9+ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sẽ được nhận bằng trung cấp nghề và bằng tốt nghiệp THPT. Các em có cơ hội học liên thông lên cao đẳng (CĐ) và đại học (ĐH), được cam kết giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp.

Nhiều học sinh, phụ huynh lựa chọn chương trình 9+

Ngay sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn các trường THPT công lập năm học 2023 – 2024, nhiều phụ huynh có con bị thiếu điểm đã vội vã vào mạng internet tìm hiểu thông tin, đến tận các trường nghề để tham quan mô hình đào tạo chương trình 9+ (học trung cấp nghề kết hợp học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT), đăng ký xét tuyển.

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào chương trình 9+. Ảnh: Trần Oanh. 
Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội vẫn đang tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào chương trình 9+. Ảnh: Trần Oanh. 

Ghi nhận cho thấy, những ngày này các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo có chất lượng trên địa bàn Hà Nội nhộn nhịp phụ huynh và học sinh đến đăng ký học chương trình 9+. Tại phòng tuyển sinh trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, chị Phạm Thanh Thủy vừa đăng ký xét tuyển cho con trai Trần Văn Minh Quang, chia sẻ: "Cháu Quang thi vào lớp 10 đạt 35,25 điểm bị trượt nguyện vọng 1. Trước đó, gia đình và cháu xác định đi học nghề nên ngày 21/6 tôi đã đăng ký trực tuyến và hôm nay đến trường để nộp hồ sơ vào ngành Công nghệ thông tin (nguyện vọng 1) và ngành Công nghệ ô tô (nguyện vọng 2). Chúng tôi muốn con học chương trình 9+ để có trình độ văn hóa THPT và kỹ năng nghề, sau này dễ tìm kiếm việc làm".

Trong khi đó, em Nguyễn Trọng Hoàng (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) đang ngồi chờ bố đăng ký học nghề Công nghệ thông tin, bộc bạch: Cháu bị thiếu điểm nguyện vọng 1 vào trường THPT Trương Định, do học lệch các môn. Thông qua người thân và khách hàng giới thiệu, bố con cháu đăng ký học chương trình 9+ để sau này có cơ hội thi lấy bằng tốt nghiệp THPT xét tuyển ĐH hoặc học liên thông lên CĐ và ĐH.

Những ngày này, có rất nhiều phụ huynh, học sinh đến trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội tìm hiểu thông tin, nộp hồ sơ đăng ký học Chương trình 9+. 
Những ngày này, có rất nhiều phụ huynh, học sinh đến trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội tìm hiểu thông tin, nộp hồ sơ đăng ký học Chương trình 9+. 

Bên cạnh đó lại có nhiều em học sinh đã xác định đi học nghề ngay từ đầu nên không đăng ký thi vào lớp 10 trường công lập. Cụ thể là em Phạm Ngọc Thạch (phường Phúc Xá, quận Ba Đình) và nhóm bạn đã đăng ký xét tuyển vào các ngành nghề của trường CĐ để sớm ra trường có việc làm ngay.

Thông tin về những ưu điểm của chương trình 9+, Phó Hiệu trưởng trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga cho hay: "Đây là mô hình rất hay, học sinh tiết kiệm được thời gian học, đồng nghĩa với tiết kiệm chi phí. Sau 3 năm học chương trình 9+, học sinh vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề; sau đó học liên thông lên CĐ khoảng hơn 1 năm, tiếp tục học liên thông lên ĐH 1,5 năm.

Trong quá trình học liên thông, người học có thể đi làm lấy tiền trang trải cho việc học và chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, người học nên lựa chọn môi trường có chất lượng đào tạo tốt để họ cam kết khi ra trường có hai tấm bằng (tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề) và giới thiệu việc làm với mức lương khởi điểm 6 – 12 triệu đồng/tháng".

Vẫn còn chỉ tiêu dành cho học sinh

Khi học chương trình 9+ (chương trình song bằng), học sinh chỉ phải đóng học phí văn hóa, được miễn phí học nghề. Người học còn có cơ hội học liên thông lên CĐ, thi tốt nghiệp THPT để lấy điểm xét tuyển vào các trường ĐH. Để đảm bảo chất lượng đào tạo chương trình 9+, từ cuối tháng 4/2023, Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu cho các cơ sở GDNN dựa trên năng lực đào tạo.

Thông tin về công tác tuyển sinh chương trình 9+, cô Nguyễn Phương Anh – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: "Năm học 2023, nhà trường được giao 180 chỉ tiêu với 6 nghề đào tạo. Trước đó, nhà trường đã nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào chương trình này. Và, riêng trong ngày 3/7, trường nhận hơn 20 hồ sơ đăng ký xét tuyển, đó là chưa tính các trường hợp đến lấy hồ sơ mang về nhà điền thông tin, sẽ nộp sau".

Các em học sinh đăng ký học chương trình 9+ tại trường CĐ Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội. Ảnh: Tiến Dũng.
Các em học sinh đăng ký học chương trình 9+ tại trường CĐ Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội. Ảnh: Tiến Dũng.

Năm học này, Sở GD&ĐT Hà Nội giao cho nhà trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội 390 chỉ tiêu chương trình 9+. Cô Nguyễn Thùy Vân – Phó Trưởng ban Tuyển sinh trường cho biết, mấy hôm nay, học sinh và phụ huynh đến đăng ký xét tuyển rất đông, riêng ngày 3/7 trường phát ra hơn 30 hồ sơ. Đến nay, số hồ sơ được phát ra tăng hơn 10% so với chỉ tiêu được giao. Hiện trường chỉ 2/13 nghề còn thiếu chỉ tiêu là Công nghệ hàn, Cắt gọt kim loại.

Từ ngày 1/7 đến nay, mỗi ngày trường CĐ Việt Nam – Hàn Quốc thành phố Hà Nội tiếp đón trung bình khoảng 50 – 100 phụ huynh và học sinh đến tìm hiểu thông tin tuyển sinh. Hiện tại nhà trường đã có 400 em đăng ký xét tuyển trên tổng số 585 chỉ tiêu được giao.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng trường CĐ Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội, thời điểm này, các em học sinh tốt nghiệp THCS có cơ hội đăng ký học chương trình 9+ của nhà trường, với những ngành còn thiếu chỉ tiêu là: Cắt gọt kim loại; Hàn; Cơ điện tử; Kỹ thuật sữa chữa, lắp ráp máy tính.

Cán bộ, giáo viên trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội tư vấn cho các phụ huynh đưa con đi thi vào lớp 10 đăng ký học chương trình 9+.
Cán bộ, giáo viên trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội tư vấn cho các phụ huynh đưa con đi thi vào lớp 10 đăng ký học chương trình 9+.

Năm học 2023 – 2024, trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội có tổng chỉ tiêu tuyển sinh 750, với 14 nghề đào tạo. Hiệu trưởng Khuất Huy Bằng cho biết, hiện tại nhà trường đã có 605 học sinh đăng ký nhập học, trong đó có 502 em học chương trình song bằng khi được nhà trường phân luồng mà không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10; số còn lại sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm thi, các em đã nộp hồ sơ. Bây giờ, các em học sinh có thể đăng ký vào các nghề khối Công nghiệp và Thủ công mỹ nghệ.

Ngoài ra, các em học sinh có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển chương trình 9+ vào trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội với 90 chỉ tiêu, trường Trung cấp kỹ thuật Tin học Hà Nội (ESTIN) 90 chỉ tiêu và nhiều trường cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp khác trên địa bàn TP Hà Nội… để vừa được học nghề vừa được học văn hóa.