Hà Nội: Rốt ráo cắt tỉa cây xanh, phòng chống gãy đổ trong mùa mưa bão

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa mưa bão năm 2023 đang đến gần. Công tác bảo đảm an toàn trước các sự cố cây xanh gãy đổ đang được Hà Nội đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai rốt ráo.

Tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ

Hệ thống cây bóng mát trên địa bàn Hà Nội bị tác động của nhiều yếu tố trong quá trình phát triển như không gian sinh trưởng, nhiệt độ cao, thiếu các điều kiện tự nhiên cần thiết. Cùng với đó là các hành vi xâm hại như chặt rễ cây, đổ hoá chất, khoanh vỏ gốc cây…

Do được trồng tại khu vực có khí hậu nhiệt đới nên cây xanh cũng dễ bị sâu bệnh, đặc biệt là hiện tượng mối, mọt ăn sâu trong thân, gốc cây. Cũng bởi vậy, cây bóng mát thường có xu hướng phát triển nghiêng ra phía ngoài đường; nguy cơ gãy đổ cao khi gặp thời tiết mưa bão cực đoan.

Hà Nội đang chỉ đạo tập trung cắt sửa cây xanh trên các tuyến phố nội đô trước mùa mưa bão năm 2023.
Hà Nội đang chỉ đạo tập trung cắt sửa cây xanh trên các tuyến phố nội đô trước mùa mưa bão năm 2023.

Số liệu từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho thấy, trong mùa mưa bão năm 2022, nhiều vụ cây xanh gãy đổ đã xảy ra. Trong đó, có 1 vụ cây đổ gây chấn thương cho người dân tại phố Hàng Mã hồi tháng 9/2022. Ngoài ra còn một số vụ cây gãy đổ làm hư hại ô tô trên các tuyến phố: Hàng Chuối, Láng Hạ, Hoàng Đạo Thuý, Hoàng Ngân…

Theo nhận định của Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, trong mùa mưa bão năm 2023, Hà Nội dự kiến chịu ảnh hưởng của 2 - 3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Trong những tháng chuyển mùa, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông, lốc, sét, gió giật mạnh rất dễ xảy ra. Điều này làm gia tăng nguy cơ gãy đổ cây xanh, nhất là tại các tuyến phố nội đô.

Cắt sửa khoảng 50.000 cây xanh

Trước thời điểm mùa mưa bão năm 2023 đến gần, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã phối hợp với các sở ngành, UBND các quận kiểm tra, khảo sát cây sâu mục nguy hiểm, cây chết khô. Thời gian qua, đã tiến hành chặt hạ khoảng 1.500 cây sâu mục, chết khô nguy hiểm trên các tuyến phố nội đô. 

 

Trong năm 2022, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã giải toả và trồng lại trên 100 cây xanh có đường kính từ 20 - 40cm bị gãy đổ, bật gốc do mưa bão.

Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho biết, đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên tích cực thực hiện cắt sửa cây xanh. Doanh nghiệp này dự kiến đến hết quý II/2023, trước thời điểm mùa mưa bão đến, sẽ hoàn thành việc cắt sửa khoảng 50.000 cây xanh để bảo đảm tiêu chí phòng, chống thiên tai.

Cũng theo đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, đơn vị này đã thành lập các tổ cơ động nhằm đáp ứng kịp thời nhiệm vụ khắc phục sự cố gãy đổ cây xanh khi mưa bão xảy ra. Doanh nghiệp cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Sở Xây dựng, các phòng ban thuộc UBND các quận để tổ chức lực lượng xử lý cây xanh gãy đổ kịp thời và hiệu quả nhất.

Thực tế cho thấy, khi có mưa bão xảy ra, việc di chuyển trong điều kiện thời tiết bất lợi sẽ khó khăn. Chính vì vậy, để khắc phục sớm nhất các sự cố cây xanh, đòi hỏi UBND các phường nội đô cần chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội trong công tác phát hiện, giải toả các sự cố gãy đổ cây xanh, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Bên cạnh đó, UBND các quận cũng cần chỉ đạo nhà thầu thực hiện thi công hạ cáp ngầm, cải tạo hè phố phải có biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối, không làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh; có biện pháp chằng chống, bảo vệ cây xanh trong quá trình thi công để không làm long gốc, nghiêng đổ cây xanh, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão năm 2023.