Gia tăng sản xuất
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, từ cuối tháng 9/2021, đơn vị đã có kế hoạch gia tăng, mở rộng sản xuất đối với các loại rau củ như: Su hào, bắp cải, cà chua, súp lơ và nhóm rau gia vị để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. “Trung bình một ngày, HTX xuất ra thị trường 40 tấn rau các loại nhưng riêng 2 tháng trước Tết Nguyên đán, HTX cung ứng trên 50 tấn rau/ngày. Trong số đó khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn TP, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Sản lượng này được tính toán dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất của HTX” – ông Nguyễn Văn Minh cho hay.
Thu hoạch cá thương phẩm tại huyện Phú Xuyên. Ảnh: Ánh Ngọc |
Những ngày này, nông dân ở các vùng nuôi trồng thủy sản lớn của TP như: Ứng Hòa, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên... đang tập trung chăm sóc lứa cá để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2022 đang cận kề.
Anh Nguyễn Văn Khiêm (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Với 10ha mặt nước nuôi các loại cá trắm, trôi, chép và rô phi, ước tính năm nay, tôi xuất bán được hơn 100 tấn cá, trong đó gồm lứa cá khoảng 20 tấn phục vụ thị trường Tết. Để đáp ứng yêu cầu của DN bán lẻ về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và quy cách đóng gói, trong tháng 1/2022 tôi sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm dây chuyền chế biến khép kín và kho bảo quản lạnh với quy mô 400m2”.
Đặc biệt, đối với nguồn cung thịt lợn, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán 2022 vẫn cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, trước diễn biến của giá thịt lợn trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đang theo dõi sát, thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, dịch bệnh để nhận định năng lực cung ứng cũng như kiểm soát giá cả mặt hàng này.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, hiện sản lượng gia cầm, thủy sản đã đáp ứng 100% nhu cầu người dân; sản lượng gạo, rau, quả, thịt lợn, thịt gà… đáp ứng 70% - 90%. Riêng nguồn cung thực phẩm chế biến mới đáp ứng được hơn 20% nhu cầu. “Những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu nông sản sẽ tăng 20% - 30%. Do đó ngành nông nghiệp đã tính toán và có kế hoạch bài bản để triển khai các giải pháp sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô” - ông Chu Phú Mỹ cho hay.
Nắm bắt nhu cầu, kiểm soát chặt thị trường
Hiện tại, giá cả phần lớn mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường tương đối ổn định. Tuy nhiên, vào thời gian cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau xanh) sẽ tăng cao. Do đó, Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các đơn vị tham gia kinh doanh, phục vụ hàng hóa nông sản thiết yếu cần bám sát thực tế, theo dõi sát nhu cầu thị trường để chủ động, chuẩn bị lượng hàng hóa đầy đủ, kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Lượng nông sản hàng hóa dồi dào tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Bích Hời |
Đáng chú ý, trên cơ sở đánh giá nguồn cung cầu nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP, Hà Nội đang đẩy mạnh kết nối với 21 tỉnh, thành cung cấp nguồn thực phẩm sạch từ 141 chuỗi liên kết đã duy trì hiệu quả trong thời gian qua. Song song với đó, TP cũng đẩy mạnh hỗ trợ triển khai hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành theo những hình thức phù hợp, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Huân, Bắc Kạn là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản được người tiêu dùng Hà Nội biết đến. Thời điểm này, các HTX, DN của tỉnh đang cấp tập lên đơn hàng trực tuyến, đóng gói các sản phẩm bí xanh, bí thơm, măng khô, miến… để cung cấp cho thị trường Hà Nội dịp cao điểm tiêu thụ trong năm.
Ở góc độ DN, Giám đốc Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam Nguyễn Tiến Hưng cho hay, với 6 cửa hàng cung ứng nông sản an toàn tại Hà Nội, công ty đã ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn TP từ đầu quý III/2021. Xác định dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022 là thời điểm “vàng” của năm, nên công ty tập trung vào thế mạnh sản phẩm đặc sản vùng miền nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như tăng doanh số bán hàng.
Nhằm ngăn chặn nguồn nông sản hàng hóa kém chất lượng ra thị trường khi nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng cao, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, lực lượng chức năng ngành nông nghiệp thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu giám sát để kịp thời xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm. Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế trong sản xuất, chế biến thực phẩm như: GAP, HACCP, ISO 22000...
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của TP gồm: 278.910 tấn gạo; 57.780 tấn thịt lợn hơi, 18.594 tấn thịt gà; 16.050 tấn thịt bò; 372.000 quả trứng gia cầm; 309.900 tấn rau củ; 57.750 tấn thủy sản; 15.495 tấn thực phẩm chế biến, 156.000 tấn trái cây, 1.500 tấn bánh mứt kẹo... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết của Hà Nội đạt khoảng 39.000 tỷ đồng. |