Hà Nội sẵn sàng nguồn cung nông sản trong tình hình mới

Ánh Ngọc - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau khi Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép các hàng quán, công ty, DN… hoạt động trở lại, kéo theo đó là nhu cầu lương thực, thực phẩm tăng cao. Chủ động đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới, ngành nông nghiệp Hà Nội đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm không khan hiếm nông sản, thực phẩm trong mọi tình huống.

Nhu cầu tăng, chuỗi cung ứng được nối liền

Ngay trong ngày đầu tiên TP thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, giao thông đi lại thuận tiện, hàng quán bắt nhịp buôn bán trở lại. Ghi nhận của phóng viên trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND TP Hà Nội, nhiều chủ quán ăn đã bắt đầu mở cửa lại bán hàng mang về.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ cửa hàng bún sườn mọc Hạnh Béo trên phố Nguyên Hồng, phường Láng Hạ (quận Đống Đa) cho biết, trong sáng 21/9, cùng với vệ sinh bàn ghế, dụng cụ nấu ăn, tôi đã nhập nguyên liệu làm khoảng 200 suất bún sườn, móng, mọc để phục vụ thực khách bán mang về. Dù mới ngày đầu bán trở lại nhưng ngay từ sáng sớm đã có khá nhiều khách gọi điện đặt hàng. Căn cứ vào tình hình buôn bán hôm nay, dự kiến vài ngày tới tôi sẽ tăng nhập lượng nguyên liệu (xương, thịt, mộc nhĩ, nấm hương, hành, mùi…)  để đáp ứng nhu cầu buôn bán. “Rất mừng là sau nhiều ngày giãn cách, giá cả các nguyên liệu không tăng, nguồn hàng dồi dào. Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát hoàn toàn, để cửa hàng bù đắp doanh thu sau một thời gian đóng cửa phòng dịch” – chị Hạnh chia sẻ.

 Hoạt động buôn bán nông sản tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) đã tấp nập trở lại.

Khảo sát tại một số chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, hoạt động buôn bán cũng tấp nập hơn. Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Hoàn, tiểu thương ở chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), nếu như trong thời gian giãn cách trung bình mỗi ngày chị chỉ bán được 2 tấn rau củ các loại, nhưng hôm nay (21/9) chị đã bán ra hơn 5 tấn rau củ quả trong một buổi sáng. Trong đó chủ yếu là khách hàng quen chuyên nhập hàng cho các cửa hàng ăn uống trong nội thành Hà Nội.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Hùng tiểu thương chuyên đổ buôn nguyên liệu chế biến cho các cửa hàng ăn ở khu vực Hà Đông cho biết, tối muộn ngày 20/9, một số chủ nhà hàng đã liên hệ đặt hàng trở lại, với số lượng hàng đặt lên tới hơn 3 tạ (bao gồm xương, thịt, móng giò…)

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả an toàn, du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh ở xã Nam Phong (huyện Phú Xuyên) Đào Thị Lương cho biết, thời điểm hiện tại, mạng lưới kết nối tiêu thụ nông sản của HTX đã được nối liền trở lại. Do nhu cầu của khách hàng là các hàng quán trong nội thành (trong khu đô thị, văn phòng công ty…) đã tăng lên, do người lao động đi làm trở lại. Hiện HTX đã liên kết với 30 HTX trên địa bàn TP để sản xuất các mặt hàng để sản xuất và cung cấp các mặt hàng thực phẩm đã qua sơ chế và chế biến theo đơn đặt hàng.

Tăng tốc sản xuất theo tín hiệu thị trường

Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong tình hình mới, các vùng sản xuất, cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP đã chủ động xây dựng phương án sản xuất mới. Giám đốc Công ty CP Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan cho biết, trong 2 ngày nay, công ty đã tăng công suất hoạt động lên 50% so với thời điểm trong thời gian giãn cách xã hội trước đó. Hiện, mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt gia cầm (gà, ngan, vịt, chim câu…). Việc tiêu thụ rất suôn sẻ khi công ty thực hiện kết nối với công ty Ngôi Sao Xanh để đưa hàng vào hệ thống siêu thị Metro trên địa bàn TP. Ngoài ra, công ty còn kết nối với khách hàng lẻ qua các nhóm Zalo, Facebook và xây dựng đội ngũ vận chuyển hàng giao hàng đến tận ngõ cho khách hàng. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ cũng như doanh thu của công ty đang dần phục hồi, đạt khoảng 70% so với thời điểm khi đợt dịch thứ 4 chưa bùng phát.

 Nông dân Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) trồng rau vụ Đông. Ảnh: Ngọc Ánh 

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua chia sẻ, nhờ được nới lỏng giãn cách, giao thông đi lại thuận tiện, việc tiêu thụ nông sản của hợp tác tác xã đã thuận lợi hơn. Hiện nay trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung ứng hơn 15 tấn rau các loại cho thị trường Hà Nội, góp phần bảo đảm nguồn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Bên cạnh đó các thành viên trong hợp tác xã cũng đang đẩy mạnh việc chăm sóc 200ha rau màu vụ Đông với đa dạng các loại như bắp cải, su hào, cà chua, cải thảo…

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, đặc biệt là dịp cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp duy trì, phát triển đàn bò 164.000 con; đàn lợn đạt 1,6 - 1,8 triệu con; đàn gia cầm đạt 38 - 40 triệu con… Cùng với đó, tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ tập trung. Kiểm soát tốt hoạt động buôn bán động vật tại các chợ đầu mối Hà Vĩ, Bắc Thăng Long.

 Chăn nuôi gà tại xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai). Ảnh: Ngọc Ánh

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang đẩy mạnh sản xuất vụ Đông với mục tiêu phấn đấu gieo trồng gần 30.000ha. Trong đó, gồm rau các loại là 13.948ha rau các loại; 6.400ha ngô; 1.974ha đậu tương; hơn 2.300ha khoai lang, khoai tây, lạc, đỗ… Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cây trồng, Hà Nội tập trung vào các công đoạn sơ chế, bảo quản, kho chứa; hỗ trợ địa phương về thị trường tiêu thụ; hỗ trợ về kỹ thuật để sản phẩm bảo đảm chất lượng… Song song với đó, TP đang duy trì sản xuất 5.000ha rau an toàn.

Hiện nay, nhịp độ sản xuất tại các địa phương trên địa bàn TP trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường mới bảo đảm cung ứng nông sản, thực phẩm tại chỗ và cho các cơ sở sơ chế, chế biến, chợ, siêu thị trong khu vực nội thành. Đồng thời, sẵn sàng phương án phục vụ nhu cầu của các dịch vụ kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, công sở, trường học bảo không để khan hiếm nguồn hàng nông sản, thực phẩm trong mọi tình huống.  

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ