Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sáng tạo, linh hoạt trong triển khai thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW năm 2022

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết 18/NQ-TW năm 2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng với nhiều điểm mới về công tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất, trong đó có nội dung đáng chú ý quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư nếu người dân bị thu hồi đất.

TP Hà Nội đã có vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Nhà tái định cư Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Ảnh: Công Hùng 
Nhà tái định cư Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Ảnh: Công Hùng 

Nhiều khó khăn

Thời gian qua, công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, nhiều dự án chỉ có thể triển khai từng hạng mục do công tác GPMB chậm trễ, sự bất đồng thuận của người dân trong việc yêu cầu quyền lợi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Đơn cử, tại địa bàn quận Hoàng Mai, Dự án đường 2,5 đoạn Đầm Hồng đến Quốc lộ (QL) 1A qua quận Hoàng Mai có diện tích đất thu phải hồi hơn 58.000m2 (phường Định Công hơn 51.000m2, phường Thịnh Liệt hơn 7.000m2). UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt đầy đủ 180 phương án đền bù, hỗ trợ GPMB cho người dân, cơ quan, tổ chức, nhưng rất nhiều hộ dân không chấp hành quyết định thu hồi đất, nhận tiền chi trả bồi thường và bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, dự án này được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định GPMB năm 2010. Đến nay, sau 12 năm công tác GPMB vẫn chưa hoàn thiện khiến đơn vị thi công không thể triển khai đúng tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, có tình trạng dự án đã thực hiện bồi thường, GPMB nhưng vẫn nằm “đắp chiếu” hàng chục năm mà chưa thể triển khai thi công xây dựng, như tại huyện Mê Linh có dự án Biệt thự nhà vườn - thương mại dịch vụ tổng hợp Hưng Nga (diện tích 97.952m2, xã Thanh Lâm), Trung tâm đào tạo - phát triển thể dục thể thao (diện tích 60.000m2 xã Thanh Lâm), Khu nhà ở làng hoa Tiền Phong (diện tích 419.312,5m2 xã Tiền Phong)… đều trong tình trạng dở dang từ hàng chục năm nay do người dân ngăn cản, đòi hỏi phải được nhận đất dịch vụ mới bàn giao mặt bằng.

“Ngoài kiến nghị về giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, có trường hợp người dân còn tỏ thái độ bất hợp tác trong bàn giao mặt bằng, dù đã có quyết định thu hồi đất. Một số hộ dân cố tình không nhận tiền bồi thường, nhất là với những gia đình, cá nhân, tổ chức có nguồn gốc đất chưa rõ ràng” – Chánh Văn phòng UBND huyện Mê Linh Đinh Ngọc Thức cho hay.

Đẩy nhanh công tác GPMB để thúc tiến độ các dự án nói chung là vấn đề được các địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là ở những TP lớn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... công tác GPMB tạo quỹ đất để kiện toàn hạ tầng đô thị lại càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách, trở thành kẽ hở dẫn đến sự bất hợp tác của một số cá nhân, hộ gia đình, khiến cho nhiều dự án, trong đó có cả dự án trọng điểm bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, người dân cũng rất mong mỏi được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư phù hợp nhằm đảm bảo cuộc sống. “Chúng tôi đã gắn bó với mảnh đất này từ nhiều đời nay, nên tâm tư là không muốn phải di dời. Khi Nhà nước cần thu hồi thì chúng tôi cũng sẽ đồng thuận, nhưng để tạo được sự đồng thuận rất mong quy hoạch được công khai, minh bạch để người dân nắm rõ và phải có chính sách đền bù tái định cư hợp lý để người dân đảm bảo cuộc sống” - ông Đào Khắc Thóc, người dân Tổ 38, khu dân cư Bắc Cầu (Long Biên) là hộ gia đình nằm trong quy hoạch phân khu sông Hồng thuộc diện phải di dời bày tỏ.

Nhà tái định cư Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng
Nhà tái định cư Khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy. Ảnh: Công Hùng

Vận dụng linh hoạt

Trước những vướng mắc, bất cập của một số quy định quản lý và sử dụng đất đai. Với việc Nghị quyết 18-NQ/TW được ban hành trong đó có nhiều điểm mới quan trọng về chính sách đất đai được kỳ vọng sẽ giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất.

Trong đó điểm đáng chú ý là quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư nếu người dân bị thu hồi đất, bao gồm: Trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

 

Giai đoạn 2016 - 2021, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã thu hồi đất, GPMB liên quan đến 148.407 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; thực hiện tái định cư cho 6.887 hộ, gồm 2.562 hộ tái định cư bằng đất, 1.345 hộ tự lo tái định cư bằng tiền, 2.980 hộ tái định cư bằng nhà chung cư. Về giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp đã giao cho 40.513 hộ gia đình (tăng 18.102 hộ so với giai đoạn 2006 - 2015) với diện tích 403,39ha, đạt 80,42%.

Theo đó, TP Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác này thông qua giải pháp đề xuất mua nhà thương mại làm nhà tái định cư bằng nguồn vốn từ ngân sách, ưu tiên đối với quỹ nhà đang thực hiện cơ chế đặt hàng mua nhà ở thương mại phục vụ tái định cư; thực hiện thí điểm mô hình xây dựng nhà ở xã hội làm nhà tái định cư... trước nhu cầu về nhà tái định cư phục vụ công tác GPMB xây dựng hạ tầng trên địa bàn sẽ tăng cao trong thời gian tới. Theo đó, đến 2025 dự kiến TP cần thêm 565.000m2 sàn nhà tái định cư và đến năm 2030, con số này khoảng 1,3 triệu m2.

“Đây là giải pháp đột phá của Hà Nội nhằm tạo quỹ nhà tái định cư, giải quyết tình trạng thiếu quỹ nhà ở tái định cư, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án giao thông, công trình trọng điểm của TP, giải pháp này cũng mang đến lợi ích cho nhiều phía. Cụ thể, TP chỉ phải bố trí vốn để GPMB tạo quỹ đất, không phải bố trí ngân sách để xây dựng công trình; DN giải quyết được việc làm, có thu nhập và tham gia quản lý, vận hành nhà ở tái định cư; người dân được hưởng chất lượng, dịch vụ theo cơ chế nhà ở thương mại” - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm nhìn nhận.

Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, mới đây UBND TP Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 20/2022/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 26 quy định ban hành kèm theo Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND quy định trường hợp đủ điều kiện nhận bồi thường.

Đáng chú ý, đối với nhiều trường hợp vướng mắc đó là hộ gia đình gồm nhiều thế hệ, cặp vợ chồng cùng sinh sống trên một thửa đất ở thu hồi, UBND TP quy định nếu đủ điều kiện tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc nhiều hộ gia đình chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi, thì mỗi hộ gia đình được giao một suất tái định cư bằng hạn mức giao đất ở tại địa phương và không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi.

“Thời gian qua, công bác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn Thủ đô gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc chậm tiến độ triển khai dự án, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Tôi cho rằng với giải pháp đã được ban hành sẽ giúp cho TP đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đặc biệt là những dự án trọng điểm đầu tư công, nhưng cũng đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích của các bên liên quan (Nhà nước, DN, người dân – PV)” - Chuyên gia quy hoạch đô thị KTS Trần Tuấn Anh nhận định.

 

Để tháo gỡ các khó khăn nhằm phát triển nhà ở tái định cư giai đoạn 2021 - 2030, TP xác định sẽ kiểm soát tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư và kế hoạch bồi thường, hỗ trợ tái định cư, GPMB các dự án hạ tầng trọng điểm và quá trình triển khai dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn để đảm bảo hiệu quả việc sử dụng quỹ nhà tái định cư

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh