Hà Nội sáng tạo trong tuyên truyền, góp phần nâng hiệu quả cải cách hành chính

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Từ đầu năm đến nay, công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP Hà Nội tiếp tục đạt được kết quả tích cực trên các nội dung, chính nhờ yếu tố quan trọng là từ TP đến cấp cơ sở triển khai nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo thực hiện thông tin tuyên truyền về CCHC.

Góp phần cải thiện Chỉ số cải cách hành chính, sự hài lòng

Đầu tháng 2/2024, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND về công tác thông tin, tuyên truyền CCHC của TP Hà Nội năm 2024, trong đó xác định 6 nội dung chính.

Đó là, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của TP và các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, TP về CCHC; tuyên truyền quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, kết quả nổi bật trong công tác CCHC của TP và của cơ quan, đơn vị, địa phương theo 6 trục nội dung CCHC; tuyên truyền việc cải thiện nâng cao các chỉ số (CCHC- PAR INDEX, Hài lòng- SIPAS, Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh- PAPI, Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh- PCI, Chuyển đổi số cấp tỉnh- DTI) và kết quả các chỉ số PAR INDEX, SIPAS của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, tuyên truyền những điểm đột phá, sáng tạo, mô hình mới, cách làm hay của tổ chức, tập thể trong CCHC; tuyên truyền phổ biến sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác CCHC trong nâng cao đời sống Nhân dân; tuyên truyền về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn TP; triển khai thực hiện Đề án số 06.

Thực hiện kế hoạch đó, trong quý I, trên toàn TP tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với mỗi nội dung CCHC, tập trung vào các hình thức như: xây dựng thành các ấn phẩm dạng file hoặc đóng tập, sổ tay, tài liệu nghiên cứu, tờ rời hoặc qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Lotus…); nghiên cứu, xây dựng chuyên trang CCHC của TP và chuyên mục “Tiếp nhận sáng kiến CCHC của người dân, tổ chức” trên Cổng thông tin của các quận, huyện.

Cán bộ UBND quận Hai Bà Trưng tuyên truyền, giới thiệu cho người dân về mô hình sáng kiến trong công tác cải cách hành chính của quận
Cán bộ UBND quận Hai Bà Trưng tuyên truyền, giới thiệu cho người dân về mô hình sáng kiến trong công tác cải cách hành chính của quận

Bên cạnh kênh thông tin tuyên truyền thông qua các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, TP cũng huy động nhiều phương thức thông tin khác, đó là qua Trung tâm Thông tin điện tử TP, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao các quận, huyện, thị xã, trang thông tin điện tử các quan, đơn vị, hệ thống thông tin cơ sở (qua loa truyền thanh). Các cấp, ngành TP còn tổ chức tuyên truyền thông qua toạ đàm, đối thoại giữa chính quyền và người dân; các cuộc thi tìm hiểu, phong trào của đoàn viên - thanh niên - công chức; sân khấu hóa...

Đặc biệt, năm nay, TP xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp CCHC trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024”. Đây là lần đầu tiên phát động, tổ chức cuộc thi CCHC cấp TP, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức để tìm ra những ý tưởng, giải pháp thiết thực, đẩy mạnh hiệu quả CCHC, thí điểm và nhân rộng mô hình trên địa bàn. Từ đó, góp phần cải thiện và nâng cao các chỉ số CCHC, SIPAS, PAPI năm 2024 và các năm tiếp theo.

Song song đó, TP cũng yêu cầu các sở, cơ quan tương đương sở, UBND quận, huyện, thị xã, các đơn vị sự nghiệp đẩy mạnh tập trung tuyên truyền vào những nội dung đã làm được và nội dung tồn tại, khiếm khuyết để rút kinh nghiệm.

Đáng chú ý, một số cơ quan, đơn vị đã sớm ban hành kế hoạch tuyên truyền, tổ chức hoạt động tuyên truyền, công bố Chỉ số CCHC khối phòng và khối xã, phường cũng như mô hình chuyển đổi số tại các hội nghị, trên phương tiện thông tin đại chúng hay các trang các mạng xã hội. Điển hình là Văn phòng UBND TP; các sở Tư pháp, Văn hóa Thể thao, Du lịch, Tài chính, Thông tin Truyền thông, Công an TP; các quận, huyện Cầu Giấy, Long Biên, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên, Mê Linh, Ba Vì, Thanh Trì, Phúc Thọ, Đông Anh, Ứng Hòa, Thường Tín...

Riêng Trang thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật TP đã đăng tải 943 tin, bài tuyên truyền phổ biến pháp luật trong các chuyên mục (Tin tức-sự kiện, Giải đáp pháp luật, Bạn cần biết, Quy định mới); phản ánh một số hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật của TP, quận, huyện, sở, ngành và pháp luật về CCHC của TP... Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính.

Bên cạnh đó, TP cũng phối hợp các cơ quan truyền thông, đặc biệt là các cơ quan báo chí của Hà Nội tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về CCHC, các lĩnh vực cán bộ và Nhân dân Thủ đô quan tâm nhất là TTHC lĩnh vực tư pháp (lý lịch tư pháp, công chứng, thừa phát lại...) 

UBND huyện Hoài Đức tuyên truyền về công tác cải cách hành chính trên Cổng Thông tin điện tử huyện
UBND huyện Hoài Đức tuyên truyền về công tác cải cách hành chính trên Cổng Thông tin điện tử huyện

Phối hợp nhiều hình thức tuyên truyền phong phú

Cùng với các hoạt động thông tin tuyên truyền của cấp TP, tại các quận huyện, xã phường trên địa bàn cũng đồng loạt triển khai nhiều hoạt động, cách thức tuyên truyền về CCHC với những đổi mới, sáng tạo, góp phần mang lại kết quả cao trong thực tiễn.

Trong quý I/2024, các đài, báo của TP đã thực hiện được hơn 200 tin, bài, phóng sự chuyên đề về CCHC, trong đó nhiều báo, đài Trung ương, TP đã đưa tin kết quả Chỉ số CCHC năm 2024 của các cơ quan, đơn vị và một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm CCHC tập trung trong năm nay.

Nổi bật là các địa phương đã tổ chức  thực hiện nhiều tin, bài tuyên truyền phát trên hệ thống loa truyền thanh, trên website đơn vị hay trên mạng xã hội, truyền hình, báo, đài của Trung ương và TP, như: huyện Sóc Sơn triển khai 146 tin bài, quận Bắc Từ Liêm 65 tin bài, quận Long Biên 17 tin bài...

Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương chia sẻ, UBND quận đã sớm ban hành kế hoạch tuyên truyền CCHC năm 2024 với nhiều nội dung, hoạt động tuyên truyền nhằm kịp thời thông tin giới thiệu về kết quả thực hiện công tác CCHC, các nhiệm vụ triển khai trong năm. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, đó là trên Cổng thông tin điện tử quận (đưa tin bài về kết quả hoạt động, công khai các văn bản chỉ đạo điều hành...); viết tin bài tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh các phường về kết quả thực hiện công tác CCHC; biên tập tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến; tổ chức ngày hội, hội thi về chuyển đổi số...

Đồng thời, cập nhật công khai 100% văn bản chỉ đạo điều hành về CCHC trên Cổng thông tin điện tử quận và tuyên truyền về thực hiện dịch vụ công trực tuyến thường xuyên tại bộ phận “một cửa” của quận, 14 phường.

UBND quận Ba Đình tổ chức Cuộc thi ''Tìm hiểu công tác cải cách hành chính''
UBND quận Ba Đình tổ chức Cuộc thi ''Tìm hiểu công tác cải cách hành chính''

Theo Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Hữu Tuyên, đầu năm nay, UBND quận cũng đã sớm ban hành kế hoạch thông tin tuyên truyền về công tác kiểm soát, cải cách TTHC, về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông năm 2024 trên địa bàn.

Cụ thể, đã hướng dẫn, chỉ đạo các phường tổ chức tuyên truyền phổ biến các văn bản trên hệ thống truyền thanh phường, trong 3 tháng qua đã phát thanh được 1.300 buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quy định pháp luật trong các lĩnh vực. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến người dân về công tác CCHC, trọng tâm là cải cách thể chế, TTHC, chế độ công vụ công chức và đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của TP năm 2024...

Cổng Thông tin điện tử quận Bắc Từ Liêm luôn hoạt động ổn định, cập nhật đầy đủ, kịp thời và chính xác tình hình hoạt động, các sự kiện diễn ra trên địa bàn quận, đến ngày 5/3/2024 đã đăng tải được 65 tin, bài viết; xây dựng và đăng tải 40 video; cập nhật 154 văn bản.

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, 9 tháng cuối năm nay, các cấp, ngành TP tiếp tục tập trung đổi mới và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về CCHC. Trong đó, chú trọng tổ chức những cuộc thi, sân khấu hóa, tìm kiếm và phát hiện sáng kiến, giải pháp; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng CCHC. Mục tiêu là nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về kỹ năng số, kỹ năng giao tiếp trên không gian mạng, qua kênh phản ánh, kiến nghị trực tuyến, điện thoại, email; kỹ năng, nghiệp vụ công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, quy tắc ứng xử, giao tiếp đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý…